Sớm hơn Việt Nam, một quốc gia ở Tây Phi ký bán được 1 triệu tín chỉ carbon lúa
Việt Nam là quốc gia có dự án làm lúa chất lượng cao phát thải thấp quy mô lớn nhất thế giới. Còn Ghana lại là nước bán được tín chỉ carbon lúa sớm nhất trên thế giới. Quốc gia ở Tây Phi này cũng đang nhập khẩu lượng gạo lớn của nước ta.
Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện Đề án “Phát triển 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Với đề án này, người nông dân có thể tiết kiệm chi phí vật tư đầu vào sản xuất, tăng sản lượng lúa, giá bán lúa cũng tăng và còn thu được tiền từ bán tín chỉ carbon.
Song, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, ở thời điểm này, bộ chưa đặt vấn đề bán tín chỉ carbon lúa. Tuy nhiên, khoản hỗ trợ chi trả tín chỉ carbon của Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) rất có ý nghĩa với người nông dân trong giai đoạn sản xuất thí điểm. Bởi, đây là động lực khích lệ nông dân tiếp tục sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp.
Theo đại diện Quỹ TCAF, quy mô thị trường carbon năm 2030 có thể lên 100 tỷ USD, giá trung bình cho 1 tín chỉ carbon khoảng 22 USD. Theo đó, các nước phát triển sẽ phải bỏ tiền mua tín chỉ carbon từ các nước đang phát triển. Việt Nam là một trong những quốc gia có thể bán được tín chỉ carbon.
Vị đại diện này cho biết, đề án 1 triệu ha lúa mà Việt Nam đang thực hiện là "mô hình điểm". Trước đó, dự án lúa gạo nổi tiếng nhất ở thị trường buôn bán tín chỉ carbon là giao dịch giữa Ghana với Thuỵ Sĩ. Đây không phải là biên bản ghi nhớ hỗ trợ, mà Ghana đã ký cam kết để bán tín chỉ carbon lúa cho Thuỵ Sĩ.
Theo cam kết, quốc gia ở Tây Phi này sẽ bán 1 triệu tấn carbon cho Thuỵ Sĩ. Quy mô dự án lúa gạo bán tín chỉ carbon được thực hiện trên diện tích 242.000ha (mỗi năm có 2 vụ). Thời gian bán từ năm 2022-2030.
Hiện tại dự án đang được thực hiện, tuy nhiên chưa có báo cáo thực tế diện tích canh tác lúa này giảm được bao nhiêu tấn carbon, vị đại diện này cho hay.
Trước đó, Quỹ TCAF đã phê duyệt tổng kinh phí 33,3 triệu USD, thậm chí có thể tăng lên đến 40 triệu USD (tương đương khoảng 826-992 tỷ đồng) để chi trả dựa trên kết quả và theo hai giai đoạn của Đề án “Phát triển 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.
Cam kết tài trợ khoản kinh phí của Quỹ TCAF sẽ có hiệu lực trong 12 tháng và cuối giai đoạn này, Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến phê duyệt tài trợ bằng việc ký Thoả thuận chi trả giảm phát thải (ERPA).
Bên cạnh đó, Quỹ TCAF sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trị giá 2 triệu USD (do WB trực tiếp quản lý) để thực hiện các hoạt động tăng cường năng lực giúp thực hiện Điều 6 Thỏa thuận Paris, hệ thống MRV và các đề nghị khác.
Chuyên gia của WB khuyến nghị Việt Nam nên tham gia vào thị trường carbon. Điều này sẽ mở ra những nguồn tài chính mới và giúp nhận được khoản chi trả tín chỉ carbon dựa trên lượng phát thải giảm trong sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, chiến lược xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao, phát thải thấp của nước ta sẽ được thúc đẩy thông qua hệ thống đo lường carbon, qua đó mang lại giá trị cao hơn cho gạo Việt Nam trên thị trường và khuyến khích sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường.
Đến tháng 5/2025, các bên sẽ tiếp tục thảo luận các điều khoản của ERPA về giá trị của tín chỉ carbon lúa và các điều kiện thanh toán. Theo đó, những khu vực thực hiện đúng quy trình tưới ngập - khô xen kẽ theo các tiêu chuẩn quốc tế sẽ được ưu tiên nhận thanh toán tín chỉ carbon từ Quỹ TCAF.
Có ‘kho vàng’ 40 triệu tấn, đừng sợ bán ‘lúa non’
Đề án kinh doanh tín chỉ carbon rừng tại Quảng Nam hiện ra sao?