Quy định nồng độ cồn "thổi bay" hơn 200 tỷ lợi nhuận của ông lớn Sabeco (SAB)

27-04-2023 20:02|Quỳnh Lâm

Sau khi trừ các loại thuế phí, Sabeco báo lãi ròng hơn 1.004 tỷ đồng, giảm 19% so với quý 1/2022.

Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (HOSE: SAB) vừa công bố KQKD quý 1/2023 với doanh thu hơn 6.214 tỷ đồng, giảm 15% YoY. Giá vốn chiếm 4.290 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp cũng giảm 12% về còn 1.915 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện nhẹ lên xấp xỉ 31%.

Trong quý, doanh thu tài chính đạt 358 tỷ đồng, tăng 57% YoY, trong khi chi phí tài chính mặc dù tăng gấp đôi nhưng chỉ chiếm hơn 21 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 10% lên 182 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 14% lên 861 tỷ đồng do chi phí quảng cáo, khuyến mãi tăng (chiếm gần 56%).

Sau khi trừ các loại thuế phí, Sabeco báo lãi ròng hơn 1.004 tỷ đồng, giảm 19% so với quý 1/2022. Đây là mức lãi thấp nhất của công ty kể từ quý 3/2021 đến nay.

Phía công ty giải trình kết quả kinh doanh tăng trưởng âm so với quý 1 năm ngoái do thị trường tiếp tục suy yếu sau thời gian Tết nguyên đán trong bối cảnh Nghị định 100 có dấu hiệu siết chặt tại các thành phố trọng điểm, kết hợp với bất ổn kinh tế toàn cầu và tiêu dùng chậm lại.

Trước đó năm 2022, ông lớn ngành nước giải khát vừa trải qua một năm 2022 thắng lớn với doanh thu thuần đạt 34.979 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 5.500 tỷ - tăng lần lượt 32% và 40% so với 2021. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của công ty.

Sang năm 2023, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu 40.272 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 5.775 tỷ đồng - lần lượt tăng 15% và 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, sau 3 tháng, Sabeco mới đạt 15% chỉ tiêu doanh thu và 17% kế hoạch lợi nhuận năm.

Đến hết quý 1/2023, tổng tài sản của Sabeco giảm gần 3.000 tỷ xuống mức 31.480 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi chiếm chủ yếu với hơn 20.360 tỷ đồng (chiếm gần 65% tổng tài sản); hàng tồn kho lại tăng nhẹ lên 2.496 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn duy trì ở mức 895 tỷ đồng. Với hơn 2.251 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, Sabeco phải trích lập dự phòng tới 408 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, Sabeco có 5.907 tỷ đồng nợ phải trả, phần lớn là nợ ngắn hạn, tổng nợ vay ở mức 934 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu có giá trị 25.573 tỷ đồng, chủ yếu là LNST chưa phân phối đạt trên 16.500 tỷ đồng.

7 năm dưới 'triều đại' Thaibev, điệu nhảy Rumba khiến Sabeco (SAB) bị Heineken qua mặt: Có gì khác so với 'thời chúng tôi làm'?

So kè KQKD quý I của hai ‘ông lớn’ ngành bia, kẻ khóc người cười

Tham vọng trở lại vị thế đầu ngành đồ uống của hãng bia Việt một thời

Bài thuộc chủ đề Sản xuất, Công nghiệp
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/quy-dinh-nong-do-con-thoi-bay-hon-200-ty-loi-nhuan-cua-ong-lon-sabeco-sab-180709.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Quy định nồng độ cồn "thổi bay" hơn 200 tỷ lợi nhuận của ông lớn Sabeco (SAB)
POWERED BY ONECMS & INTECH