Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc triển khai chuỗi dự án khí – điện Lô B – Ô Môn
Chính phủ hết sức quan tâm, quyết liệt chỉ đạo nhằm tháo gỡ những vướng mắc để triển khai chuỗi dự án khí – điện Lô B – Ô Môn, qua đó tạo thêm động lực cho thành phố Cần Thơ và vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển.
Chiều 10/10, tại thành phố Cần Thơ, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội cùng đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ.
Tham gia đoàn công tác có đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng thư ký Quốc hội-Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Lê Quang Mạnh, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và các đồng chí lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành Trung ương.
Về phía địa phương có đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ và lãnh đạo chủ chốt thành phố Cần Thơ.
Thành phố Cần Thơ nằm ở vùng hạ lưu của sông Cửu Long, vị trí trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Cần Thơ tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Thời gian qua, Thành ủy Cần Thơ đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV; ban hành 17 Nghị quyết, Chương trình, Đề án chuyên đề... trên tất cả các lĩnh vực để triển khai.
Kinh tế - xã hội của thành phố cơ bản ổn định và phát triển. Giai đoạn 2021-2023, GRDP của Cần Thơ bình quân đạt 5,91%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng từ 91.590 tỷ đồng năm 2021 lên 107.781 tỷ đồng năm 2022 và ước đến cuối năm 2023 đạt 118.872 tỷ đồng, gấp 10,2 lần so năm 2004. GRDP bình quân đầu người ước đến cuối năm 2023 đạt 94,52 triệu đồng, gấp 9,2 lần so năm 2004.
Năng suất lao động tăng qua các năm (năm 2021 là 162,7 triệu đồng/lao động; ước năm 2023 là 194,6 triệu đồng/lao động); tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021-2023 đều tăng qua các năm (năm 2021 tăng 25,4%, năm 2022 tăng 16,9%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, xã hội có chuyển biến tích cực và phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được quan tâm. Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố và Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp ngày càng thực chất, hiệu quả, chất lượng được nâng cao.
Tại cuộc làm việc, Thành phố Cần Thơ kiến nghị một số nội dung để triển khai các cơ chế, chính sách Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội như: trình Quốc hội thông qua mức trần nợ chung làm cơ sở để thành phố phát hành trái phiếu chính quyền địa phương hoặc vay các định chế tài chính khác,...
Đề nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục hỗ trợ thành phố trong việc thực hiện xã hội hóa nghiên cứu chuyên sâu về Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Sông Hậu, từ đó, định hướng tìm kiếm Nhà đầu tư phù hợp, có tiềm lực thực hiện dự án.
Quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn, thực hiện thủ tục đầu tư, thủ tục pháp lý và các cơ chế vận hành đối với chuỗi dự án chuỗi dự án điện - khí Lô B (bao gồm các dự án thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn) để sớm triển khai thực hiện đồng bộ, đưa vào khai thác sử dụng, góp phần đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho khu vực; đồng thời, hỗ trợ có ý kiến sớm khởi công các Nhà máy Ô Môn II, Ô Môn III và Ô Môn IV.
Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc chuỗi dự án Lô B – Ô Môn, tạo thêm động lực giúp Cần Thơ tăng trưởng
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Cần Thơ là 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương ương. Diện tích khoảng 1400 km2, dân số khoảng 1,2 triệu người. Cần Thơ – Tây Đô là trọng điểm về kinh tế của vùng Tây Nam Bộ, có vai trò dẫn dắt rất lớn.
Theo Phó Thủ tướng báo cáo của Cần Thơ đã nêu khá đầy đủ về việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, nêu rõ những kết quả tích cực Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực đạt được; đánh giá các hạn chế, nguyên nhân, đồng thời nêu ra những nhiệm vụ, giải pháp thành phố cần thực hiện trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng đề nghị thành phố Cần Thơ tiếp tục nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, nhất là chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người và phát triển cơ sở hạ tầng nói chung trong đó có đường giao thông và cảng biển,…
"Về cơ chế, chính sách thì trung ương đã rất quan tâm. Vừa rồi Chính phủ trình và Quốc hội đã đồng ý cho thành phố cơ chế rất đặc thù, vượt trội. Với sự nỗ lực, cố gắng, phát huy nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của thành phố để từng bước tích tiểu thành đại chắc chắn tình hình sẽ được cải thiện trong thời gian tới để Cần Thơ thực sự là động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh và đề nghị thành phố Cần Thơ tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách, nguồn lực, nguồn nhân lực, cân nhắc để xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để khai thác tốt nhất các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế để thành phố phát triển.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho ý kiến đối với một số kiến nghị của thành phố Cần Thơ về đầu tư xây dựng cảng để trung chuyển hàng hóa để giải quyết điểm nghẽn cho cả vùng (trong đó có nội dung liên quan đến cửa Định An và kênh Quan Chánh Bố).
Chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn là chuỗi dự án phát triển, khai thác và vận chuyển khí từ các mỏ khí thượng nguồn đến các nhà máy nhiệt điện khí ở hạ nguồn. Dự án đường ống dẫn khí được xây dựng từ năm 2009, là dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí, song quá trình triển khai các chuỗi dự án liên quan bị chậm trễ, kéo dài.
Đối với những việc tồn đọng, vướng mắc liên quan đến chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn (đã phê duyệt từ năm 2016), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Chính phủ rất quan tâm đến chuỗi dự án này. Trước đây do chưa có sự thống nhất giữa tập đoàn PVN và EVN nên việc triển khai dự án bị ảnh hưởng, chậm trễ.
Thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo rất quyết liệt để xử lý toàn diện vấn đề. Hiện đã cơ bản giao xong cho chủ đầu tư là PVN, chỉ còn "một đoạn nữa" là đảm bảo khí, sản lượng điện, giá, thời gian khai thác phù hợp để ký hợp đồng và triển khai thông suốt.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương theo dõi sát tình hình để báo cáo Thủ tướng kịp thời có ý kiến chỉ đạo kịp thời. Nếu thực hiện thành công chuỗi dự án này sẽ tạo thêm động lực giúp Cần Thơ tăng trưởng.
Cần Thơ vì cả vùng, cả nước. Cả vùng, cả nước cũng phải vì Cần Thơ
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đoàn công tác, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, biểu dương những kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Cần Thơ đã đạt được thời gian qua.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đây là cuộc làm việc rất hữu ích bởi có nhiều vấn đề đề xuất của địa phương và các ý kiến phát biểu có liên quan trực tiếp tới nhiều vấn đề mà Quốc hội sẽ bàn thảo tại Kỳ họp thứ sáu sắp tới.
Cho biết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ tám, khóa XIII vừa xem xét, quyết định nhiều vấn đề về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023-2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Thành ủy Thành phố chỉ đạo quán triệt các quan điểm, định hướng quan trọng của Trung ương, từ đó, xác định rõ mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của những tháng còn lại của năm 2023 và cho năm 2024.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ của Quốc hội.
Cơ bản nhất trí với các ý kiến phát biểu và báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng thời gợi mở một số vấn đề trong thời gian tới. Chủ tịch Quốc hội mong muốn Cần Thơ mở rộng năng lực sản xuất mới, có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn cho cả vùng, phát triển theo hướng "thuận thiên", do đặc điểm địa chất có nền đất yếu và thấp nên thành phố cần tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông sản và sản xuất hàng tiêu dùng.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Cần Thơ đánh giá kỹ hơn thực trạng, nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó tập trung vào các nguyên nhân chủ quan. "Tinh thần là Cần Thơ vì cả vùng, cả nước, nhưng cả vùng, cả nước cũng phải vì Cần Thơ", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Cần Thơ căn cứ vào thực trạng, tình hình, tiếp tục rà soát, chủ động tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc, giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền. Đồng thời phối hợp với các cơ quan hữu quan giải quyết vướng mắc trên tinh thần quyết liệt.
Bên cạnh đó, Cần Thơ sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong thời gian sớm nhất. Nhắc lại những mục tiêu được nêu ra tại Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị và Nghị quyết…
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các bộ, ngành, Hội đồng Điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng Cần Thơ tháo gỡ các điểm nghẽn để giúp Cần Thơ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm tính hợp pháp, hiệu quả, khả thi. Quốc hội sẽ tăng cường đôn đốc và giám sát./.
Triển khai mắt xích quan trọng trong dự án khí điện 12 tỷ USD
Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn trị giá 12 tỷ USD ký kết nhiều hợp đồng quan trọng