Đây là câu hỏi được nhiều người đặt ra trong bối cảnh các bộ phim Việt như “Đào, Phở và Piano” cùng với “Mai” khiến website của nhiều hệ thống rạp tê liệt.
Website các rạp chiếu liên tục gặp vấn đề
Như VietNamNet đã thông tin, sức hút của các bộ phim Việt Nam những ngày qua đã khiến website đặt vé của nhiều đơn vị phát hành gặp hiện tượng quá tải.
Trong nhiều ngày liền, khi vào trang web của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, người xem phim nhận được thông tin trả về cho biết: “Hiện số lượng khách hàng đang truy cập quá lớn, Website tạm thời không truy cập được”.
Phải đến sáng nay (23/2), việc truy cập vào website của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia mới trở lại bình thường. Tuy vậy, để giảm sức ép lên hệ thống, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đăng thông báo chỉ bán vé phim “Đào, Phở và Piano” tại quầy chứ chưa phục vụ mua vé online.
Không chỉ Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, trong 2 ngày 20 và 21/2, sau khi có thông tin Beta Cinemas sẽ chiếu “Đào, Phở và Piano”, nhiều khán giả truy cập vào trang web của Beta Cinemas nhận được thông báo website đang bảo trì.
Đến chiều ngày 22/2, trên fanpage một hệ thống rạp khác là Cinestar công bố chỉ bán vé trực tiếp tại rạp đối với phim “Đào, Phở và Piano” dù trước đó thông báo sẽ bán cả vé online lẫn trực tiếp. Lý do được đơn vị này đưa ra là nhằm hạn chế tình trạng quá tải cho hệ thống website.
>> Thung lũng Silicon gợi nhớ về quá khứ với cuộc đua công nghệ quân sự mới
Thậm chí, tại các cụm rạp của Cinestar, hệ thống máy in cũng gặp sự cố do quá tải. Nhân viên và quản lý rạp sau đó đã phải thay thế bằng vé viết tay để kịp phục vụ khách hàng. Theo đơn vị này, đây là sự cố có thật và hoàn toàn không phải là động thái phục vụ mục đích PR (quảng bá - PV) cho bộ phim từ Cinestar.
Website quá tải không phải sự cố an ninh mạng
Trước thắc mắc của phóng viên, đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, trong những ngày qua, đơn vị này không nhận được yêu cầu hỗ trợ từ Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cũng như các đơn vị phát hành phim khác.
“Website Trung tâm Chiếu phim Quốc gia quá tải chỉ đơn thuần là vấn đề về mặt kỹ thuật chứ không liên quan đến sự cố an toàn thông tin”, đại diện Cục An toàn thông tin nói.
Trao đổi với VietNamNet, chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu cũng xác nhận và cho hay, việc website của các hệ thống rạp chiếu phim gặp vấn đề chỉ đơn thuần do có quá nhiều người truy cập tại cùng một thời điểm. Đây không phải là sự cố bất thường về an ninh mạng.
Trên các mạng xã hội, hiện lan truyền một số thuyết âm mưu về việc các đơn vị phát hành cố tình "đánh sập" website nhằm tạo hiệu ứng để tăng sức hút đối với người xem.
Theo một chuyên gia bảo mật giấu tên, về mặt lý thuyết, đơn vị chủ quản website có thể tự “đánh sập” trang web của mình để tạo tình trạng tê liệt giả. Ví dụ như họ có thể hạn chế băng thông, không giải phóng tài nguyên kết nối.
Tuy nhiên, ở trường hợp của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, chuyên gia này cho rằng, sự cố quá tải trang web là một điều hết sức bình thường.
“Trang web của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia không phải là nơi chịu tải lớn vì lượng người đến xem ở đây với các phim "bom tấn" không đông. Ở trường hợp này, ban đầu “Đào, Phở và Piano” là một phim phát hành gần như độc quyền. Với lượng người đổ dồn vào lớn, khả năng tắc nghẽn của website là có thể hiểu được”, chuyên gia nhận định.
"Đào, Phở và Piano" là bộ phim do NSƯT Phi Tiến Sơn viết kịch bản, đạo diễn. Phim lấy bối cảnh trận chiến anh dũng suốt 60 ngày đêm của quân dân Thủ đô cuối năm 1946, mở đầu Cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Câu chuyện của những nhân vật chính trong phim đã phản ánh nét hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội, đồng thời, truyền đi thông điệp về lòng yêu nước, từ đó, tạo nên nhiều xúc cảm cho người xem. Đó cũng là lý do khiến bộ phim "Đào, Phở và Piano" trở thành một hiện tượng trên các nền tảng mạng xã hội. |
>> Thực hư doanh thu hơn 400 tỉ của phim "Mai" được Box Office Vietnam công bố