Xã hội

Rò rỉ hàng chục tấn khí độc khiến 30.000 người chết, ít nhất 500.000 người bị nhiễm độc, cảnh tượng chết chóc bao trùm cả thành phố, trở thành thảm họa công nghiệp tàn khốc

Đại Dương 19/09/2024 16:45

Những nạn nhân tiếp xúc trực tiếp với khí độc quằn quại trong đau đớn, nhiều người tử vong sau những cơn nôn mửa dữ dội.

Vào năm 1984, một thành phố ở Ấn Độ đã trải qua tai nạn công nghiệp tồi tệ nhất trên Trái Đất. Theo IFL Science, vào tối ngày 3/12 năm đó, khoảng 40 tấn khí độc methyl isocyanate cùng nhiều khí độc khác ở nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu UCIL của Công ty Đa quốc gia Mỹ Union Carbide (UCC) đặt tại ngoại ô Bhopal (bang Madhya Pradesh, Ấn Độ) đã rò rỉ và nhanh chóng phát tán theo gió.

statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-duongnhatlinh-2024_09_18-_ngay-nay-nam-xua-tham-hoa-cong-nghiep-tan-khoc-nhat-lich-su-nhan-loai-5_jupf.jpg
Khu nhà máy của Union Carbide sau thảm họa. Ảnh: Internet

Theo đó, nguyên nhân của thảm kịch này xuất phát từ việc vào đêm xảy ra thảm họa, một lượng lớn nước được đưa vào thùng chứa 610, nơi đang lưu trữ 42 tấn methyl isocyanate. Ngay lập tức, phản ứng tỏa nhiệt diễn ra, làm nhiệt độ bên trong thùng tăng vọt lên hơn 200 độ C, dẫn đến áp suất vượt quá mức mà thùng chứa có thể chịu đựng.

Một lượng lớn khí độc đã nhanh chóng lan tỏa khắp thành phố Bhopal và gây ra khung cảnh hỗn loạn. Những nạn nhân tiếp xúc trực tiếp với khí độc quằn quại trong đau đớn, nhiều người tử vong sau những cơn nôn mửa dữ dội, mắt bỏng rát, miệng sùi bọt mép.

Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, trong vòng 3 ngày sau thảm họa, ước tính khoảng 7.000 người đã thiệt mạng và vô số người khác bị thương. Tuy nhiên, đó chỉ là khởi đầu của một cơn ác mộng kéo dài.

statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-duongnhatlinh-2024_09_18-_ngay-nay-nam-xua-tham-hoa-cong-nghiep-tan-khoc-nhat-lich-su-nhan-loai-3_1_ehpq.jpg
Bhopal như một nghĩa địa. Ảnh: Internet

Trong ba thập kỷ sau sự cố, khoảng 30.000 ca tử vong tại khu vực này được cho là có liên quan đến vụ rò rỉ khí độc trên. Sự cố này đã trở thành một trong những thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại.

Chính phủ Ấn Độ xác nhận rằng ít nhất 500.000 người đã bị nhiễm độc trong thảm họa Bhopal. Tác động không chỉ dừng lại ở con người, 2.000 con trâu, dê và các loại động vật khác cũng phải bỏ mạng. Trong vài ngày sau vụ rò rỉ, cây cối trong khu vực cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng: lá cây nhanh chóng úa vàng và rụng như trút, tạo nên một khung cảnh thảm khốc, thể hiện rõ sự tàn phá khủng khiếp của khí độc đối với môi trường.

Hàng chục năm sau thảm họa, khoảng 390 tấn hóa chất độc hại bị bỏ lại tại nhà máy UCIL vẫn tiếp tục rò rỉ, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho nguồn nước ngầm trong khu vực. Tình trạng này đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng ngàn cư dân Bhopal, khi nguồn nước ô nhiễm kéo dài gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, khiến thảm kịch này trở thành vết thương dai dẳng đối với cả thành phố.

statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-duongnhatlinh-2024_09_18-_survivors-accident-handling-india-bhopal-new-delhi-2014-162700-1694788166820-16947881669491853325226_jgjc.jpg
Cho đến tận 30 năm sau, ảnh hưởng của thảm họa này vẫn tiếp diễn. Ảnh: Internet

Theo các nhà hoạt động môi trường, khoảng 30.000 người đến nay vẫn phải uống nước bị nhiễm độc. Trong khi đó, hàng ngàn trẻ em sinh ra bị tổn thương não và dị tật, nhiều người khác mắc các bệnh như thiếu máu, dậy thì muộn và các bệnh ngoài da.

Theo điều tra của giới chức trách, vào thời điểm xảy ra thảm họa, công nhân tại nhà máy Union Carbide đang tiến hành dọn vệ sinh đường ống bằng nước. Do việc bảo trì kém và các van bị rò rỉ, nước đã vô tình xâm nhập vào thùng chứa 610. Tuy nhiên, UCC lại khẳng định đây là một hành động phá hoại từ những công nhân "bất bình", cho rằng họ đã cố tình đổ nước vào bình chứa. Mặc dù vậy, nhóm điều tra của công ty không tìm thấy bất cứ bằng chứng cụ thể nào.

Ít ngày sau thảm họa Bhopal, Warren Anderson, lãnh đạo của Union Carbide, đã bị bắt giữ nhưng sau đó nhanh chóng được tại ngoại và trở về Mỹ. Ngoài Anderson, Cơ quan Điều tra Trung ương Ấn Độ cũng truy tố 11 bị đơn khác, bao gồm 8 quan chức chủ chốt người Ấn Độ của UCIL, tập đoàn Union Carbide và 2 công ty con.

123.jpg
Sự cố này đã trở thành một trong những thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại. Ảnh: Internet

Ban đầu, cả 12 bị đơn bị buộc tội giết người. Tuy nhiên, vào năm 1996, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã giảm tội danh xuống thành "khinh suất gây chết người". Sau đó, chỉ còn 7 trong số 8 bị đơn người Ấn Độ bị kết án, do một người đã qua đời.

Sau thảm họa, tập đoàn UCC đưa ra khoản tiền tiền bảo hiểm là 350 triệu USD trong khi chính phủ Ấn Độ yêu cầu mức bồi thường 3,3 tỷ USD. Đến năm 1999, hai bên đã đạt được thỏa thuận, theo đó UCC đồng ý chi trả 470 triệu USD, bao gồm cả khoản bảo hiểm và hỗ trợ. Ngoài ra, UCC cũng phải cung cấp kinh phí xây dựng một bệnh viện với 500 giường để chăm sóc y tế cho những người sống sót sau thảm họa Bhopal, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe lâu dài của họ.

>> Nổ nhà máy hóa chất khiến gần 700 người thương vong, lượng chất gây ung thư trong không khí và nguồn nước vượt mức cho phép: Huy động gần 4.500 nhân lực đến cứu hộ, sơ tán khẩn cấp 4.000 người

Vụ nổ phi quân sự sức công phá khủng khiếp tương đương bom nguyên tử khiến 20.000 người thiệt mạng, Thủ đô lớn top đầu thế giới suýt bị ‘xóa sổ’

Vụ nổ tàu lớn nhất lịch sử có sức công phá tương đương 3.000 tấn thuốc nổ TNT, khiến hơn 7.000 người thương vong, tàn phá cả thành phố cảng sầm uất

Theo Thị Trường Tài Chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/ro-ri-hang-chuc-tan-khi-doc-khien-30000-nguoi-chet-it-nhat-500000-nguoi-bi-nhiem-doc-canh-tuong-chet-choc-bao-trum-ca-thanh-pho-tro-thanh-tham-hoa-cong-nghiep-tan-khoc-127048.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Rò rỉ hàng chục tấn khí độc khiến 30.000 người chết, ít nhất 500.000 người bị nhiễm độc, cảnh tượng chết chóc bao trùm cả thành phố, trở thành thảm họa công nghiệp tàn khốc
    POWERED BY ONECMS & INTECH