Bất động sản

Sân bay 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam trở thành địa điểm lý tưởng phát triển đô thị sân bay hiện đại đầu tiên của cả nước

Hải Đăng 10/10/2024 13:30

Theo chuyên gia, tại Việt Nam hiện nay chỉ có 4 nơi có khả năng phát triển đô thị sân bay, trong đó đặc biệt nhất là sân bay Long Thành - địa điểm lý tưởng khi là nơi giao thoa của 5 loại hình giao thông được đầu tư hoàn thiện và bài bản.

Chờ được "rót" 2 tỷ USD đầu tư cho hạ tầng các vùng động lực quanh sân bay

Với nhiều lợi thế vượt trội, Long Thành có tiềm năng trở thành đô thị sân bay hiện đại đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần có những bước đi đột phá và đầu tư mạnh vào phát triển hạ tầng đồng bộ.

Huyện Long Thành chờ được rót vốn 2 tỷ USD để xây dựng hạ tầng các vùng động lực quanh khu vực sân bay Long Thành. Ảnh: Báo Giao Thông

Huyện Long Thành chờ được rót vốn 2 tỷ USD để xây dựng hạ tầng các vùng động lực quanh khu vực sân bay Long Thành. Ảnh: Báo Giao Thông

Hiện nay, trên công trường xây dựng "siêu" sân bay lớn nhất cả nước đang diễn ra nhộn nhịp và khẩn trương với tinh thần “vượt nắng thắng mưa” theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm mục tiêu đưa dự án sân bay với tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD về đích trước thời hạn.

Cùng với đó là các dự án hạ tầng giao thông quan trọng như hệ thống đường cao tốc kết nối và dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam dự kiến đi qua khu vực này hiện nay cũng đang được triển khai và đẩy nhanh tiến độ.

Sân bay Long Thành có vị trí đắc địa giữa tam giác kinh tế TP. HCM - Bình Dương - Bà Rịa Vũng Tàu, đây không chỉ là cửa ngõ hàng không quan trọng mà còn là trung tâm kết nối kinh tế của khu vực.

Để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển thành đô thị sân bay, địa phương đã chuẩn bị kỹ lưỡng về quy hoạch đất đai cho các khu công nghiệp, hệ thống giao thông, sinh hoạt cộng đồng và hạ tầng đô thị.

Phối cảnh Dự án sân bay Long Thành - sân bay lớn nhất Việt Nam. Ảnh minh họa

Phối cảnh Dự án sân bay Long Thành - sân bay lớn nhất Việt Nam. Ảnh minh họa

Hiện nay, nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia đang được triển khai, như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3 và cầu Nhơn Trạch.

Các dự án này dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2025-2027 để đáp ứng nhu cầu đi lại từ sân bay Long Thành.

>> TP lớn thứ 3 Việt Nam sắp trở thành 'thủ phủ' của các du thuyền triệu đô, chốn dừng chân của giới thượng lưu

Ngoài ra, các tuyến đường nội tỉnh như 770B, 769, 773, 25B và 25C cũng đang được tỉnh Đồng Nai đầu tư nâng cấp, mở rộng kết nối vùng.

Cảng biển Phước An - cảng biển lớn nhất tỉnh Đồng Nai sắp đi vào hoạt động, sẽ trở thành động lực cho khu đô thị sân bay Long Thành. Ảnh: Internet

Cảng biển Phước An - cảng biển lớn nhất tỉnh Đồng Nai sắp đi vào hoạt động, sẽ trở thành động lực cho khu đô thị sân bay Long Thành. Ảnh: Internet

Cách sân bay Long Thành khoảng 10km, cảng biển Phước An hiện đang trong quá trình hoàn thiện với tổng vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng và năng lực khai thác 2,2 triệu TEUs mỗi năm.

Theo ông Trương Hoàng Hải - Tổng Giám đốc Công ty Cảng Phước An, cảng này sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông và tăng khả năng vận chuyển hàng hóa giữa TP. HCM và các tỉnh lân cận.

Ông Hải cho biết, sân bay Long Thành sẽ sở hữu ưu thế lớn nhờ hệ thống kết nối giao thông đa dạng bao gồm đường thủy, bộ, hàng không và đường sắt.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD. Ảnh minh họa

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD. Ảnh minh họa

Đặc biệt, tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, khi được xây dựng, sẽ đi qua sân bay Long Thành và kết nối với Thủ Thiêm, TP. HCM, tạo nên điểm giao thoa của năm loại hình vận tải.

Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, tỉnh cần khoảng 2 tỷ USD để phát triển hạ tầng vùng động lực quanh sân bay Long Thành.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng kỳ vọng sau khi đi vào hoạt động, sân bay Long Thành sẽ đóng góp tăng trưởng GDP của Đồng Nai từ 3 - 5%.

Ông Lĩnh nhấn mạnh rằng quy hoạch là yếu tố then chốt cho sự phát triển đô thị và việc kêu gọi thêm nguồn vốn xã hội hóa sẽ là một trong những giải pháp quan trọng.

Diện mạo đô thị sân bay - làn gió mới cho Đồng Nai

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tỉnh Đồng Nai lấy khu vực đô thị sân bay Long Thành làm động lực phát triển kinh tế mới.

Đô thị Long Thành được quy hoạch đồng bộ, kết nối với các quy hoạch quốc gia và vùng Đông Nam Bộ, dựa trên lợi thế của sân bay Long Thành.

Khu đô thị sân bay Long Thành sẽ thổi làn gió mới cho tỉnh Đồng Nai. Ảnh minh họa

Khu đô thị sân bay Long Thành sẽ thổi làn gió mới cho tỉnh Đồng Nai. Ảnh minh họa

Mục tiêu đến năm 2030, Long Thành sẽ đạt tiêu chuẩn đô thị loại III và sau năm 2030 là đô thị loại II, trở thành trung tâm kinh tế, dịch vụ hậu cần, logistics, công nghiệp và công nghệ cao.

Khu vực phía Tây Nam sân bay Long Thành sẽ tập trung phát triển khu đô thị, thương mại và dịch vụ, trong khi các khu công nghiệp, logistics sẽ được bố trí ở phía Đông Nam.

Hạ tầng giao thông hoàn thiện sẽ giúp Long Thành kết nối thuận lợi với TP. Thủ Đức (TP.HCM) và thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), tạo điều kiện phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp - dịch vụ dọc theo trục cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Quốc lộ 51.

Ông Huỳnh Tấn Lộc - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, cho biết Long Thành có lợi thế lớn khi xây dựng một thành phố hoàn toàn mới.

Do khu vực đô thị cũ không nhiều, việc quy hoạch sẽ được thực hiện bài bản, đặc biệt chú trọng phát triển đô thị theo hướng sinh thái và bền vững.

Ông Lộc cũng nhấn mạnh, sân bay Long Thành sở hữu vị trí rất thuận lợi, với thời gian di chuyển về TP. HCM chỉ khoảng 40 phút. Khi tuyến đường sắt Long Thành - Thủ Thiêm đi vào hoạt động, việc di chuyển sẽ càng nhanh hơn.

Vị trí sân bay Long Thành. Ảnh: Internet

Vị trí sân bay Long Thành. Ảnh: Internet

Một lợi thế khác là sân bay Long Thành nằm gần hệ thống cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Nhờ vậy, nếu quy hoạch tốt khu vực phụ cận sân bay Long Thành, nơi đây sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn.

Theo ông Võ Tấn Đức - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, địa phương đã tổ chức cuộc thi "Ý tưởng quy hoạch chung đô thị sân bay Long Thành và vùng phụ cận".

Đô thị sân bay Long Thành sẽ có diện tích hơn 57.000ha, bao gồm các huyện Long Thành, Thống Nhất và Cẩm Mỹ.

Điểm nổi bật của khu đô thị này là không gian xanh và không gian công cộng, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách khi đến và đi từ sân bay.

"Muôn việc đủ cả, chỉ thiếu gió Đông"

TSKH, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc phát triển đô thị sân bay đòi hỏi phải có sự kết nối đồng bộ và toàn diện giữa sân bay và đô thị.

Vị chuyên gia này cho rằng nếu vẫn duy trì tư duy cũ, coi sân bay là một khu vực độc lập, không chịu sự tác động của đô thị, chắc chắn hiệu quả phát triển sẽ không cao.

Đô thị sân bay không chỉ cần hạ tầng giao thông kết nối đa phương tiện mà còn phải đảm bảo các dịch vụ thương mại, văn phòng, giải trí nằm trong bán kính 5-10km để đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

san-bay-quoc-te-long-thanh2-compressed.jpg
Sân bay Long Thành là địa điểm lý tưởng để quy hoạch đô thị sân bay nhờ nằm ở vị trí giao thoa của năm loại hình giao thông và được quy hoạch bài bản, xây dựng mới hoàn toàn. Ảnh minh họa

Ông Sơn giải thích thêm rằng không phải địa phương nào có sân bay cũng phát triển được đô thị sân bay. Tại Việt Nam hiện nay, chỉ có bốn địa điểm có tiềm năng để làm điều này gồm Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và Long Thành.

Trong đó, sân bay Long Thành là địa điểm lý tưởng nhờ nằm ở vị trí giao thoa của năm loại hình giao thông và được quy hoạch bài bản, xây dựng mới hoàn toàn.

"Tuy nhiên, để biến tầm nhìn này thành hiện thực trong 10 năm tới, việc triển khai cần đi kèm với những tư duy đột phá và tầm nhìn dài hạn" ông Sơn khuyến nghị.

Bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết sân bay Long Thành sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ cho các ngành công nghiệp quan trọng, biến khu vực phụ cận sân bay trở thành trung tâm phát triển đa ngành, trong đó công nghiệp công nghệ cao, logistics và dịch vụ thương mại sẽ là các lĩnh vực chủ đạo.

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2030 sẽ trở thành cửa ngõ trung chuyển chiến lược của miền Nam. Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đang thúc đẩy hợp tác công - tư, cải thiện thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

Đại diện UBND tỉnh Đồng Nai bày tỏ mong muốn thu hút các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến đầu tư vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ và logistics.

Dự án Sân bay Long Thành có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 có vốn đầu tư 5,45 tỷ USD, công suất dự kiến 25 triệu lượt khách/năm, dự kiến khai thác vào năm 2026.

Giai đoạn 2 triển khai từ 2028 - 2032, nâng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 3, sau năm 2035, sẽ nâng công suất sân bay lên 100 triệu lượt khách/năm, biến Long Thành trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.

Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 được chia thành bốn dự án thành phần.

Trong đó, Dự án thành phần 3 bao gồm việc xây dựng nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ và hệ thống giao thông kết nối T1, T2. Hiện tại, gói thầu 5.10 liên quan đến nhà ga hành khách đã hoàn thành hơn 8.300 tỷ đồng giá trị thi công, đạt 25,05%.

Dự kiến, toàn bộ phần xây dựng sẽ hoàn thành trước tháng 12/2025, việc lắp dựng mặt đứng sẽ hoàn thành trước tháng 3/2026.

Quá trình lắp đặt thiết bị và vận hành thử dự kiến bắt đầu vào đầu năm 2026, với mục tiêu hoàn tất trước ngày 31/8/2026.

Gói thầu 4.6 liên quan đến đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ đã đạt khối lượng thi công thực tế khoảng 2.015 tỷ đồng, tương đương 27,82%.

Gói thầu này dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác kỹ thuật trước ngày 30/4/2025, sớm hơn ba tháng so với kế hoạch ban đầu.

Gói thầu 6.12 về hệ thống đường kết nối T1, T2 hiện đã hoàn thành khối lượng thi công trị giá khoảng 1.205,85 tỷ đồng, đạt 50,5%.

Ngoài ra, ba gói thầu khác bao gồm công trình sân đỗ tàu bay, công trình giao thông nội cảng và hạ tầng kỹ thuật cảng hàng không, cùng với hệ thống cung cấp nhiên liệu cho tàu bay cũng đang được chuẩn bị khởi công.

Đối với Dự án thành phần 2 - các công trình quản lý bay, tiến độ thi công các hạng mục cơ bản đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, tháp không lưu đã hoàn thành phần thô và cất nóc từ cuối tháng 9.

Dự án thành phần 1 - Trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước, cũng đảm bảo tiến độ xây dựng đồng bộ với dự án thành phần 3. Riêng Dự án thành phần 4 hiện đang trong quá trình mời thầu cho các công trình ưu tiên.

>> Cầu trăm tỷ nối Nam Định với tỉnh là cửa ngõ cực Nam miền Bắc hẹn ngày 'cán đích'

Cây cầu duy nhất ở TP đáng sống nhất Việt Nam không bắc qua con sông nào, sở hữu kiến trúc 'độc nhất vô nhị': Từng được đạt giải Oscar của ngành du lịch

Tập đoàn lớn nhất Ấn Độ muốn 'rót' vốn đầu tư sân bay rộng nhất Việt Nam

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/san-bay-16-ty-usd-lon-nhat-viet-nam-tro-thanh-dia-diem-ly-tuong-phat-trien-do-thi-san-bay-hien-dai-dau-tien-cua-ca-nuoc-d135743.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sân bay 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam trở thành địa điểm lý tưởng phát triển đô thị sân bay hiện đại đầu tiên của cả nước
    POWERED BY ONECMS & INTECH