Sân bay tư nhân 7.500 tỷ đồng duy nhất của Việt Nam: Hoàn thành chỉ sau hơn 2 năm thi công, ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất thế giới
Hiện nay, Việt Nam có 22 sân bay gồm 10 sân bay quốc tế và 12 sân bay nội địa, trong đó, chỉ có một sân bay là sân bay tư nhân.
Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn là một dự án hạ tầng hàng không được đầu tư theo hình thức BOT. Tỉnh Quảng Ninh đã lựa chọn Tập đoàn Sun Group là nhà đầu tư chiến lược thực hiện dự án, với tổng mức đầu tư là 7.485 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng và lợi nhuận của nhà đầu tư).
Sở hữu đường băng dài bậc nhất Việt Nam
Được xây dựng trên diện tích đất 320ha tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn nằm cách trung tâm TP Hạ Long khoảng 50km, cách TP Cẩm Phả gần 20km. Tháng 3/2016, dự án chính thức được triển khai, tháng 12/2018, sân bay chính thức đưa vào khai thác và đón chuyến bay thương mại đầu tiên.
Tại thời điểm đó, theo đánh giá của các chuyên gia, Dự án Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn là sân bay có đường băng dài nhất Việt Nam, với tổng chiều dài 3.600m, rộng 45m, đảm bảo khai thác máy bay B777 hoặc tương đương. Lề vật liệu rộng 7,5m mỗi bên; dải hãm phanh hai đầu đường cảng hàng không kích thước 100x60m; sân đỗ máy bay tối thiểu có 4 vị trí; đạt tiêu chuẩn. Đường băng được trang bị hệ thống đèn hiệu đạt tiêu chuẩn CAT II và hệ thống dẫn đường hạ cánh tự động ILS nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu, hỗ trợ máy bay cất - hạ cánh từ 2 đầu đường băng.
Ngoài ra, Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn có thể phức hợp cả dân sự và quân sự. Sân bay được thiết kế cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của ICAO), sân bay quân sự cấp II, có thể đón được các loại máy bay có tải trọng lớn như Boeing 777, 787 và Airbus A320, A350.
Nhà ga hành khách được thiết kế 2 tầng, 2 cao trình, công suất thiết kế đáp ứng lưu lượng 5 triệu lượt hành khách/năm, giai đoạn 1 là 2,5 triệu lượt hành khách/năm, khu xử lý hàng hóa công suất 10.000 tấn hàng hóa/năm. Công trình nằm trong quy hoạch 10 cảng hàng không quốc tế của mạng lưới cảng hàng không dân dụng cả nước, sân bay quân sự trong hướng chiến lược miền Bắc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018.
Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, việc lựa chọn công suất thiết kế nhà ga như trên sẽ đáp ứng được yêu cầu khai thác trước mắt và có thể mở rộng, nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác trong tương lai, không bị quá tải trong thời gian ngắn.
Tuyệt tác kiến trúc giữa thiên nhiên
Việc "sinh sau, đẻ muộn" cũng chính là lợi thế để sân bay Vân Đồn tích hợp những công nghệ hàng đầu thế giới. Hệ thống Ilane của hãng Smith được tích hợp với máy soi đa chiều đáp ứng tiêu chuẩn dò chất nổ lỏng Euro Standand 3 tiên tiến nhất khu vực châu Á, lần đầu tiên được trang bị tại Việt Nam; băng chuyền đưa hành lý, kiểm tra tự động là tiêu chuẩn cao nhất về an ninh hiện nay; hệ thống trả khay tự động; trung tâm kiểm soát không lưu, hệ thống hạ tầng thông tin được xây dựng đồng bộ trên công nghệ mạng lớn nhất thế giới Cisco System (Mỹ).
Hệ thống ghế ngồi hành khách tại phòng chờ sân bay là dòng hiện đại mang thương hiệu Figueras (Tây Ban Nha), được đánh giá tương đương các sân bay hiện đại ở Dubai. Hai bên ghế có ổ cắm sạc điện, USB, vô cùng tiện lợi cho du khách, xóa bỏ tình trạng “tìm mỏi mắt không thấy ổ cắm điện” tại nhiều sân bay hiện nay.
Sân bay cũng được cung cấp nguồn điện đáp ứng tiêu chuẩn ICAO chỉ cho phép mất điện trong 1 giây. Theo đó, toàn bộ hạ tầng thông tin - nền tảng cho toàn bộ các ứng dụng điện nhẹ của nhà ga sân bay Vân Đồn, được xây dựng đồng bộ trên công nghệ nhà sản xuất thiết bị mạng lớn nhất thế giới Cisco System (Mỹ). Đây là hạ tầng IP hoàn chỉnh nhất trong các nhà ga của Việt Nam, đảm bảo tất cả các yêu cầu bảo mật của hệ thống.
Khi đến đây, hành khách sẽ thu trọn vào tầm mắt không gian xanh mướt mải của núi rừng, hoặc ngắm những hòn đảo nhỏ xanh ngát, lớp lớp giữa trùng khơi. Tại đó, sân bay quốc tế Vân Đồn sẽ nổi lên như một hòn ngọc bích - nơi tuyệt tác kiến trúc được tôn lên bởi thiên nhiên hùng vĩ.
Vì thế, sân bay Vân Đồn đã từng gây nên cơn “địa chấn” trong làng du lịch và hàng không khi nhận được hàng loạt giải thưởng uy tín, danh giá như “Sân bay khu vực hàng đầu thế giới 2020”; “Sân bay có hệ thống phòng chờ thương gia hàng đầu châu Á 2020”; “Sân bay mới hàng đầu thế giới 2019”...
Ngay sau khi đưa vào vận hành, sân bay Vân Đồn đã có 3 hãng hàng không trong nước là Vietnam Airlines, VietJet và Bamboo Airway tổ chức khai thác. Sau 5 tháng vận hành (tháng 5/2019) đã tiến hành khai thác các tuyến bay quốc tế. Đây cũng là kỷ lục, bởi thường các sân bay quốc tế khác trên thế giới phải mất từ 2-3 năm khai thác nội địa mới có thể đưa các đường bay quốc tế vào khai thác.
Sân bay Vân Đồn hiện hữu đã hiện thực hóa khát vọng của tỉnh Quảng Ninh, kết nối với thế giới nhanh hơn, hiệu quả ngay thời gian đầu đưa vào khai thác. Điều này cũng khẳng định được giá trị cốt lõi của sự năng động, sáng tạo, đổi mới mà tỉnh này đã và đang tiếp tục triển khai. Qua đó, góp phần tạo ra bước ngoặt phát triển mới cho tỉnh, mở thêm những không gian mới cho hợp tác mang tầm quốc tế của Quảng Ninh.