Sầu riêng rớt giá thảm, doanh nghiệp gồng lỗ, nông dân bán tháo
Giá giảm sâu chưa từng thấy do sự siết chặt kiểm soát của thị trường Trung Quốc.
Tại các vùng trồng trọng điểm như Tiền Giang, Cần Thơ và Bến Tre, giá sầu riêng Ri6 tại vườn hiện chỉ còn 35.000–40.000 đồng/kg, bằng khoảng một phần ba so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với giống Monthong nhập từ Thái Lan, khi giá thu mua giảm mạnh xuống chỉ còn 60.000–70.000 đồng/kg. Nhiều vựa trái cây tại miền Tây đã phải tạm ngưng hoạt động hoặc chỉ thu mua nhỏ giọt để phục vụ thị trường nội địa.
Anh Phong, một nông dân sở hữu nửa hecta sầu riêng tại Tiền Giang, cho biết anh từng được thương lái đặt cọc với giá 60.000 đồng/kg từ hơn một tháng trước. Tuy nhiên, khi đến vụ thu hoạch, người mua không còn mặn mà, thậm chí có nguy cơ bỏ cọc. “Hiện tôi chỉ còn cách bán lẻ cho tiểu thương với giá khoảng 45.000 đồng/kg cho loại trái đẹp, nhưng số lượng tiêu thụ rất hạn chế”, anh nói.
![]() |
Giá sầu riêng Ri6 chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa |
>> Lý do Thái Lan vội thúc Trung Quốc việc kiểm tra sầu riêng
Không chỉ nông dân, giới thương lái cũng lâm vào cảnh khó khăn. Ông Minh Thái – một thương lái lâu năm tại Tiền Giang – cho biết mỗi ngày ông chỉ thu mua khoảng 3–4 tấn sầu riêng thay vì 30 tấn như năm ngoái. “Giá mua tại kho hiện chỉ cao hơn giá tại vườn chừng 10.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí vận chuyển, nhân công và hao hụt, gần như không còn lợi nhuận. Chưa kể hàng hóa đến kho có thể bị loại vì không đạt chuẩn”, ông chia sẻ.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, nguyên nhân chính khiến thị trường sầu riêng "đóng băng" là do Trung Quốc – thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam – tăng cường kiểm soát chất lượng từ đầu năm 2025. Ngoài các tiêu chí kỹ thuật như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng (đặc biệt là Cadimi), nước này còn kiểm tra gắt gao các chất cấm như vàng O.
![]() |
Trung Quốc tăng cường kiểm soát chất lượng khiến thị trường sầu riêng "đóng băng". Ảnh minh họa |
>> Lý do xuất khẩu rau quả Việt Nam vừa hụt thu hơn 2.800 tỷ đồng
Đáng chú ý, tỷ lệ kiểm định từng lô hàng xuất khẩu bị nâng từ 10% lên 100%. Điều này khiến thời gian thông quan kéo dài gấp nhiều lần, có khi lên đến một tuần. Không ít lô hàng dù vượt qua kiểm tra tại Việt Nam nhưng bị hư hỏng khi đến chợ đầu mối ở Trung Quốc do chờ đợi quá lâu. “Chi phí kiểm nghiệm tăng, hàng tồn kho kéo dài, trong khi khả năng bị trả lại rất cao. Đây là lý do nhiều doanh nghiệp không dám mạo hiểm xuất hàng số lượng lớn”, ông Đoàn Văn Vẹn – Tổng giám đốc một công ty xuất khẩu tại Đắk Lắk – nhận định.
Một doanh nghiệp tại Tiền Giang thậm chí cho biết họ đã phải bán lại lô sầu riêng trong nước với mức giá thấp hơn tới 40% so với giá mua vào vì không thể chờ thông quan thêm. “Chúng tôi lỗ nặng và buộc phải tạm ngưng xuất khẩu”, đại diện công ty nói.
Năm 2024, sầu riêng từng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đem về 3,3 tỷ USD – chiếm gần 50% tổng kim ngạch rau quả cả nước. Tuy nhiên, chỉ trong hai tháng đầu năm 2025, giá trị xuất khẩu sầu riêng đã giảm đến 69%, còn 52,7 triệu USD. Riêng kim ngạch từ Trung Quốc tụt dốc 83%, xuống chỉ còn 27 triệu USD. Từ vị trí dẫn đầu, sầu riêng nay rơi xuống hạng ba, sau thanh long và chuối.
Mục tiêu 3,5 tỷ USD xuất khẩu sầu riêng trong năm 2025 đang đứng trước nguy cơ không thể đạt được nếu tình trạng hiện tại tiếp diễn.
>> Lận đận tại Trung Quốc, sầu riêng Thái Lan 'đặt cược' vào bến đỗ mới
Sầu riêng đông lạnh Việt Nam 'mở cánh cửa' tỷ đô tại thị trường Trung Quốc
Loại quả tỷ đô bất ngờ lật đổ sầu riêng, soán ngôi 'vua trái cây Việt'