Xã hội

Sau sáp nhập, đây là tỉnh duy nhất Việt Nam sở hữu Di sản thiên nhiên thế giới xuyên biên giới cùng siêu hang động lớn nhất thế giới

Dương Uyển Nhi 16/07/2025 - 17:36

Lần đầu tiên Việt Nam có Di sản thiên nhiên thế giới liên quốc gia, khi Phong Nha - Kẻ Bàng được mở rộng để kết nối với Vườn quốc gia Hin Nam Nô của Lào.

Sau sáp nhập hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị cũ, tỉnh Quảng Trị mới chính thức hình thành với diện tích khoảng 12.700km2, dân số hơn 1,86 triệu người và tổng cộng 78 đơn vị hành chính cấp cơ sở.

Nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây và cùng có đường biên giới giáp Lào, tỉnh Quảng Trị mới sở hữu nhiều lợi thế phát triển. Kinh tế khu vực chủ yếu dựa vào nông, lâm, thủy sản, du lịch, năng lượng tái tạo như điện gió và thương mại qua cửa khẩu.

Trong đó, du lịch là điểm sáng nổi bật, không chỉ hút khách trong nước mà còn tạo dấu ấn quốc tế nhờ danh xưng "vương quốc hang động". Biểu tượng tiêu biểu chính là hang Sơn Đoòng - kỳ quan thiên nhiên nằm sâu trong vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, trước đây thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình (cũ).

Mới đây, tại kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới diễn ra ngày 13/7 tại Paris (Pháp), UNESCO đã chính thức thông qua quyết định mở rộng Di sản Thiên nhiên Thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng để bao gồm cả Vườn quốc gia Hin Nam Nô (tỉnh Khăm Muộn, Lào).

Khu di sản mới được ghi danh với tên gọi “Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô”, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về địa chất, địa mạo, hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Đây là di sản thiên nhiên liên biên giới đầu tiên mà Việt Nam tham gia, thể hiện rõ cam kết hợp tác khu vực trong việc bảo tồn thiên nhiên và thúc đẩy phát triển bền vững.

Sau sáp nhập, đây là tỉnh duy nhất Việt Nam sở hữu Di sản thiên nhiên thế giới xuyên biên giới cùng siêu hang động lớn nhất thế giới - ảnh 1
UNESCO đã chính thức thông qua quyết định mở rộng Di sản Thiên nhiên Thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng để bao gồm cả Vườn quốc gia Hin Nam Nô (tỉnh Khăm Muộn, Lào) (Ảnh: Viettrekking.vn)

Hồ sơ đề cử mở rộng được Chính phủ Việt Nam và Lào phối hợp hoàn thiện và gửi tới UNESCO vào tháng 2/2024, nhằm đưa ra xem xét tại kỳ họp lần này.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: việc ghi danh này là minh chứng cho nỗ lực bền bỉ của hai quốc gia trong bảo vệ môi trường, đồng thời khẳng định tầm nhìn của UNESCO trong việc xây dựng hòa bình thông qua hợp tác di sản. Ông bày tỏ kỳ vọng cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ quá trình bảo tồn và quản lý hiệu quả khu di sản quý giá này.

Về phía Lào, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Suanesavanh Vignaket xem đây là cột mốc đáng tự hào với Chính phủ và nhân dân Lào. Bà khẳng định cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để bảo tồn và khai thác khu vực này theo định hướng phát triển du lịch bền vững.

Sau sáp nhập, đây là tỉnh duy nhất Việt Nam sở hữu Di sản thiên nhiên thế giới xuyên biên giới cùng siêu hang động lớn nhất thế giới - ảnh 2
Cảnh quan Karst thuộc Vườn Quốc gia Hin Nam Nô, Lào (Ảnh: GIZ ProFEB/Paul Williams)

Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nam Nô được coi là một trong những hệ thống karst nhiệt đới còn nguyên vẹn lớn nhất thế giới, với địa hình đá vôi hình thành từ hơn 400 triệu năm trước. Khu vực này nổi bật với hàng loạt hang động kỳ vĩ, trong đó có Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới, cùng hang Xe Bang Fai trứ danh tại Lào.

Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) - đơn vị tư vấn chuyên môn cho UNESCO - đánh giá rằng khu di sản không chỉ mang giá trị địa chất và sinh học toàn cầu, mà còn là hình mẫu điển hình cho hợp tác xuyên biên giới trong bảo tồn.

Hiện nay, dù hai vườn quốc gia vẫn vận hành theo hệ thống quản lý riêng, nhưng đã thiết lập cơ chế phối hợp thông qua các thỏa thuận giữa chính quyền địa phương hai nước. Những nội dung hợp tác gồm có tuần tra bảo vệ rừng, quản lý du lịch, chia sẻ dữ liệu nghiên cứu và nâng cao năng lực quản lý di sản.

Với sự kiện lần này, tổng số Di sản Thế giới của Việt Nam nâng lên con số 9, trong đó có 2 di sản thiên nhiên, 2 di sản hỗn hợp và đặc biệt, lần đầu tiên có sự góp mặt của một di sản xuyên quốc gia. Trước đó, Việt Nam từng có hai di sản liên tỉnh là Vịnh Hạ Long - Cát Bà và Quần thể di tích Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc.

Trong giai đoạn tới, hai nước sẽ tiếp tục phối hợp nghiên cứu khoa học chung, đánh giá khả năng chịu tải du lịch, đồng thời xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và hỗ trợ pháp lý cho Lào trong công tác quản lý di sản - nhằm đảm bảo bảo tồn hiệu quả và phát triển hài hòa với lợi ích cộng đồng.

>> Việt Nam chính thức có thêm một Di sản Văn hóa Thế giới được UNESCO công nhận

Việt Nam sở hữu ngôi chùa chỉ rộng 20m2 nhưng được ví như ‘kỳ quan’, vừa được UNESCO công nhận Di sản thế giới

Hang động lớn nhất thế giới của Việt Nam đón tin vui lớn

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/sau-sap-nhap-day-la-tinh-duy-nhat-viet-nam-so-huu-di-san-thien-nhien-the-gioi-xuyen-bien-gioi-cung-sieu-hang-dong-lon-nhat-the-gioi-146696.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sau sáp nhập, đây là tỉnh duy nhất Việt Nam sở hữu Di sản thiên nhiên thế giới xuyên biên giới cùng siêu hang động lớn nhất thế giới
    POWERED BY ONECMS & INTECH