Sau sáp nhập, một địa phương của Việt Nam dự kiến sẽ sở hữu sân bay trên đảo và trên núi, trở thành nút giao trọng điểm của hành lang kinh tế Đông - Tây
Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, địa phương này sẽ có thêm 2 sân bay mới đang được đề xuất xây dựng trên các địa hình khá đặc biệt.
Tại kỳ họp thứ 33 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII (nhiệm kỳ 2021 - 2026) diễn ra vào ngày 28/4, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương hợp nhất 2 tỉnh gồm Kon Tum và Quảng Ngãi.
Theo đó, hai tỉnh sau khi sáp nhập sẽ hình thành địa phương mới là tỉnh Quảng Ngãi, trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh sau khi hợp nhất sẽ được đặt tại TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi hiện nay.
Sau sáp nhập, đơn vị hành chính của tỉnh Quảng Ngãi mới có diện tích 14.832,548km2, dân số 2.161.755 người (đạt 154,41% so với tiêu chuẩn), 96 đơn vị hành chính trực thuộc.
Tỉnh Quảng Ngãi mới có diện tích lớn thứ 5 cả nước sau sắp xếp đơn vị hành chính.
Sau sáp nhập, tỉnh Quảng Ngãi mới sẽ sở hữu vùng biển rộng lớn và có đường biên giới tiếp giáp với Lào và Campuchia. Cụ thể, tỉnh sẽ giáp Lào qua các huyện Ngọc Hồi, Đắk Glei và giáp Campuchia thông qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

Vị trí này không chỉ mang lại ý nghĩa địa chính trị mà còn giúp Quảng Ngãi trở thành điểm nút quan trọng trong giao thương quốc tế, đặc biệt trên hành lang kinh tế Đông - Tây nối Myanmar, Thái Lan, Lào tới biển Đông. Đây là cơ hội để tỉnh bứt phá trong lĩnh vực logistics, thương mại biên giới và phát triển kinh tế cửa khẩu.
Về hạ tầng, tỉnh quy tụ nhiều tuyến giao thông huyết mạch như quốc lộ 40B, quốc lộ 24 (nối từ ven biển lên Tây Nguyên), quốc lộ 14E và tuyến đường Hồ Chí Minh – trục kết nối xuyên suốt từ Kon Tum ra duyên hải miền Trung.

Khu vực từ cảng biển Dung Quất đến cửa khẩu quốc tế Pờ Y được đánh giá có tiềm năng phát triển toàn diện, với vùng Tây là thủ phủ cây công nghiệp như cao su, cà phê, sầu riêng... và phía Đông là hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế phát triển mạnh nhờ hạ tầng thuận lợi.
Trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ, tỉnh mới sở hữu nhiều danh thắng nổi bật như đảo Lý Sơn, khu du lịch quốc gia Măng Đen, ngã ba Đông Dương, văn hóa Sa Huỳnh, Vườn quốc gia Chư Mom Ray... Cùng với đó là đề xuất xây dựng hai sân bay: Tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông (Kon Tum).

Năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đề xuất bổ sung sân bay Lý Sơn vào Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không quốc gia giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đề xuất, Bộ Quốc phòng sẽ đầu tư khu bay và công trình điều hành, trong khi phần hạ tầng sẽ thực hiện theo hình thức BOT.
Tại buổi làm việc ngày 9/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Quảng Ngãi làm cơ quan đầu mối nghiên cứu chủ trương đầu tư sân bay Lý Sơn theo hình thức đối tác công tư. Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng để xây dựng sân bay theo mô hình lưỡng dụng.
Theo quy hoạch, sân bay Lý Sơn có diện tích hơn 161ha, trong đó phần lấn biển chiếm hơn 127ha. Sân bay được thiết kế đạt tiêu chuẩn cấp 4C, khai thác máy bay A320, A321, phục vụ từ 3 đến 3,5 triệu lượt khách mỗi năm.
Với Kon Tum, năm 2023 tỉnh cũng đã trình đề án xây dựng sân bay Măng Đen lên Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) và Chính phủ. Cảng hàng không này dự kiến đặt tại vùng đồi núi cách trung tâm tỉnh khoảng 45km về phía Đông Bắc, với diện tích khoảng 350ha, công suất đến năm 2030 đạt 1 triệu lượt khách/năm. Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng bổ sung dự án này vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không quốc gia thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến 2050.
Như vậy nếu như các đề xuất được phê duyệt, tỉnh Quảng Ngãi mới sẽ sở hữu 2 sân bay tọa lạc trên vùng đảo và vùng núi, đồng thời cũng là nút giao trọng điểm của hành lang kinh tế Đông - Tây, tạo lực cho việc phát triển mạnh mẽ trong tương lai.