Một huyện thuộc đô thị đặc biệt nhất Việt Nam đề xuất đấu giá sớm khu đất 290ha để làm mô hình TOD
Theo địa phương, khu đất này không chỉ nằm gần tuyến Vành đai 3 mà còn có lợi thế kết nối với Quốc lộ 22 - trục giao thông quan trọng nối TP. HCM với Tây Ninh.
Huyện Hóc Môn mới đây đã có văn bản kiến nghị gửi UBND TP. HCM và Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. HCM về kế hoạch triển khai các khu đô thị định hướng giao thông công cộng (TOD) trên địa bàn.
Mô hình TOD là phương thức phát triển đô thị dựa trên các đầu mối giao thông công cộng, cho phép tăng hệ số sử dụng đất, mật độ dân cư, từ đó thu hút cư dân và hoạt động thương mại gắn liền với hệ thống giao thông hiện đại.

Theo định hướng của thành phố, huyện Hóc Môn hiện có 4 khu vực được quy hoạch phát triển TOD gắn với tuyến đường Vành đai 3.
Theo đó, ba vị trí dự kiến triển khai giai đoạn 2024-2025, gồm một khu đất rộng hơn 198ha tại xã Tân Hiệp, hai khu đất tại xã Xuân Thới Thượng có diện tích lần lượt khoảng 389ha và 104ha.
Khu còn lại cũng tại xã Tân Hiệp, rộng khoảng 290,2ha được lên kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2026-2028. Tuy nhiên, theo huyện Hóc Môn, khu đất này đã đáp ứng các yêu cầu về chức năng quy hoạch, hoàn toàn có thể triển khai sớm công tác bồi thường, thu hồi đất và tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư, mà không cần chờ điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố.
Đặc biệt, vị trí này không chỉ nằm gần tuyến Vành đai 3 mà còn có lợi thế kết nối với Quốc lộ 22 - trục giao thông quan trọng nối TP. HCM với Tây Ninh.
Do đó, huyện đề xuất điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án tại khu vực này ngay từ giai đoạn hiện nay, thay vì chờ đến sau năm 2026.
Hóc Môn cho biết, nếu được chấp thuận, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư sẽ được triển khai vào cuối năm nay và đến quý I/2026 có thể tổ chức đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư.
Trước đó, trong khuôn khổ các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98, TP. HCM đã xác định 11 vị trí để thí điểm mô hình TOD, bao gồm các khu vực dọc tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương, đoạn Ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn và khu vực Vành đai 3. Trong đó, Hóc Môn chiếm 4 vị trí, còn lại thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, Tân Bình, quận 10 và Tân Phú.
Theo thống kê từ Sở Xây dựng TP. HCM, toàn thành phố hiện có khoảng 64.000ha đất có tiềm năng phát triển đô thị theo mô hình TOD, bao gồm: Khoảng 32.000ha đất nông nghiệp và đất trống, 9.000ha đất công nghiệp hoặc đất có thể chuyển đổi chức năng, và khoảng 23.000ha đất đô thị cần cải tạo, chuyển đổi.
Theo quy định, một đô thị đặc biệt phải có quy mô dân số từ 5 triệu người trở lên, trong đó khu vực nội thành phải đạt từ 3 triệu người trở lên. Hiện tại, Hà Nội và TP. HCM là hai thành phố được xếp loại đô thị đặc biệt. Thủ đô Hà Nội có diện tích hơn 3.358km2 với dân số hơn 8,2 triệu người, trong khi TP. HCM rộng 2.095km2 với dân số gần 10 triệu người.
Thành phố giàu nhất Việt Nam chọn 2 khu đất làm TOD cho tuyến metro số 2
Hơn 4.000 căn hộ sẽ bị ảnh hưởng để phát triển mô hình TOD Hàng Xanh