Bất động sản

Sẽ hoàn thành hai tuyến cao tốc nghìn tỷ tại Đông Bắc Việt Nam trong năm 2025

Việt Hoàng 01/12/2024 08:00

Đối với 2 dự án này, Thủ tướng thống nhất nguyên tắc đầu tư với quy mô hoàn chỉnh 4 làn xe theo hình thức PPP, áp dụng sau khi Luật PPP sửa đổi được ban hành.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 536/TB-VPCP, thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sau chuyến công tác tại tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng.

Theo đó, trong chuyến kiểm tra thực tế các dự án trọng điểm, gồm dự án cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) và dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo phương thức đối tác công tư (PPP), Thủ tướng đã biểu dương sự quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt của hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Đặc biệt, mô hình Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo dự án đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, phối hợp cùng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Chủ tịch UBND hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn làm việc với các ngân hàng VPBank, TPBank và nhà đầu tư.

Sẽ hoàn thành hai tuyến cao tốc nghìn tỷ tại Đông Bắc Việt Nam trong năm 2025
Bối cảnh 3D cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Nguồn ảnh: Báo Điện tử Chính phủ

Cuộc họp này, dự kiến tổ chức trong tháng 11/2024, nhằm tháo gỡ các vướng mắc về tín dụng cho hai dự án. Những vấn đề vượt thẩm quyền cần được báo cáo kịp thời lên Thủ tướng trước ngày 10/12/2024.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần thực hiện "Chỉ bàn làm, không bàn lùi" và nguyên tắc phối hợp chặt chẽ "Cấp ủy lãnh đạo - Chính quyền vào cuộc - Nhân dân và doanh nghiệp đóng góp - Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội cùng tham gia”.

Mục tiêu đặt ra là hoàn thành thông xe toàn tuyến trước cuối năm 2025, kết nối thông suốt tuyến cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau.

Về khó khăn trong quá trình khai thác dự án tuyến cao tốc Bắc Giang - TP. Lạng Sơn (đoạn Km45 + 100 - Km108 + 500) và việc nâng cấp mặt đường Quốc lộ 1 (đoạn Km1 + 800 - Km106 + 500), Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để nghiên cứu, báo cáo lên Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

>> TP. HCM dự kiến khởi công khu đô thị lấn biển quy mô hơn 200.000 người trước 30/4/2025

Việc hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho các dự án BOT đang khai thác sẽ được xem xét trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Liên quan đến giai đoạn 2 của dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, Thủ tướng thống nhất nguyên tắc đầu tư với quy mô hoàn chỉnh 4 làn xe theo hình thức PPP, áp dụng sau khi Luật PPP sửa đổi được ban hành.

Với đặc thù là khu vực khó khăn, Thủ tướng đồng ý nguyên tắc áp dụng cơ chế 70-30 (70% vốn Nhà nước, 30% vốn do nhà đầu tư huy động) như đề xuất của UBND hai tỉnh.

Sẽ hoàn thành hai tuyến cao tốc nghìn tỷ tại Đông Bắc Việt Nam trong năm 2025
Ảnh minh họa

Trong trường hợp gặp vướng mắc pháp lý, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của hai tỉnh cần báo cáo Chủ tịch Quốc hội và đồng gửi đề xuất lên Thủ tướng để kịp thời tháo gỡ.

Được biết, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh với tổng chiều dài 121km đi qua hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng được triển khai theo hai giai đoạn đầu tư.

>> Hà Nội dự chi hơn 200 tỷ đồng để ‘thay áo mới’ cho nhiều tuyến phố

Giai đoạn 1 bao gồm xây dựng 93km đường cao tốc với quy mô 2 làn xe. Các đoạn qua cầu và hầm được thiết kế hoàn chỉnh với 4 làn xe, trong khi toàn bộ tuyến đường được giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe. Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng kinh phí hơn 14.110 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước chiếm 69%.

Giai đoạn 2 sẽ tập trung mở rộng đoạn đường 2 làn hiện tại lên quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bao gồm làn khẩn cấp, với tổng mức đầu tư hơn 3.830 tỷ đồng. Đồng thời, sẽ xây dựng mới đoạn 27km kết nối đến cửa khẩu Trà Lĩnhvới mức đầu tư 5.100 tỷ đồng.

Trong khi đó, dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có chiều dài hơn 43km, bắt đầu từ Quốc lộ 1, kết nối đến đường vào cửa khẩu Hữu Nghị tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Điểm cuối của tuyến giao với cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng tại xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Giai đoạn 1 của dự án được thiết kế với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m. Khi hoàn thiện, tuyến đường sẽ được nâng cấp lên 6 làn xe, với bề rộng nền đường 32m.

Ngoài ra, dự án còn đầu tư xây dựng hai đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam, với tổng chiều dài 17km. Ở giai đoạn đầu, hai đoạn đường này được thiết kế quy mô 2 làn xe, rộng 14,5m, và sẽ được mở rộng lên 4 làn xe, rộng 22m khi hoàn chỉnh.

Tổng mức đầu tư cho dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng là 11.024 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước tham gia hơn 5.490 tỷ đồng, còn lại 5.520 tỷ đồng là vốn huy động từ nhà đầu tư. Nguồn vốn ngân sách được sử dụng chủ yếu để xây dựng cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư.

Khu vực Đông Bắc Bộ có tất cả là 9 tỉnh: Hà Giang, Phú Thọ, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh.

>> Từ ngày 1/1/2025, quận nhỏ nhất Việt Nam sẽ cắt giảm 3 phường

Đầu tư trạm dừng nghỉ hơn 317 tỷ đồng trên cao tốc Quy Nhơn-Chí Thạnh

Cao tốc gần 9.000 tỷ do liên danh Tập đoàn Đèo Cả thực hiện bị cắt trộm cáp ngầm

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/se-hoan-thanh-hai-tuyen-cao-toc-nghin-ty-tai-dong-bac-viet-nam-trong-nam-2025-263189.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sẽ hoàn thành hai tuyến cao tốc nghìn tỷ tại Đông Bắc Việt Nam trong năm 2025
    POWERED BY ONECMS & INTECH