Siêu cường lung lay: Cú sốc từ Nga và Trung Quốc 'quật ngã' nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu, khủng hoảng 5 năm chưa có lối thoát
Từ vị thế dẫn đầu, nền kinh tế Đức đang chật vật tìm lại động lực tăng trưởng, với những thách thức từ năng lượng, cạnh tranh và cơ sở hạ tầng
Nền kinh tế Đức đã không có tăng trưởng đáng kể trong suốt 5 năm qua. Đây là một sự đảo chiều đáng kinh ngạc đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vốn từng mở rộng xuất khẩu và thống trị thị trường toàn cầu với các sản phẩm kỹ thuật như máy móc công nghiệp và ô tô cao cấp.

Theo CNBC, dưới đây là những nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái kinh tế kéo dài của Đức:
Cú sốc năng lượng từ Nga
Quyết định cắt nguồn cung cấp khí đốt của Nga sau xung đột Nga-Ukraine đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Đức - quốc gia vốn dựa vào nguồn năng lượng giá rẻ để duy trì sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu.
Năm 2011, dưới thời Thủ tướng Angela Merkel, Đức quyết định đẩy nhanh việc loại bỏ năng lượng hạt nhân và chuyển sang sử dụng khí đốt Nga như một giải pháp tạm thời trong quá trình chuyển đổi từ than sang năng lượng tái tạo. Mặc dù Ba Lan và Mỹ đã cảnh báo, Đức vẫn xem Nga là đối tác năng lượng đáng tin cậy.
Khi nguồn cung bị cắt, giá khí đốt và điện tăng vọt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành công nghiệp năng lượng cao như thép, phân bón, hóa chất và thủy tinh. Đức buộc phải chuyển sang nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar và Mỹ với chi phí cao hơn nhiều.
Hiện nay, giá điện trung bình cho doanh nghiệp công nghiệp ở Đức là 20,3 cent/kWh, cao hơn đáng kể so với mức 8,4 cent/kWh ở Mỹ và Trung Quốc. Việc phát triển năng lượng tái tạo chưa đủ nhanh để bù đắp thiếu hụt, trong khi việc xây dựng tuabin gió gặp phải sự phản đối của người dân địa phương, và cơ sở hạ tầng vận chuyển hydro vẫn còn trong giai đoạn lập kế hoạch.
Trung Quốc: Từ khách hàng đến đối thủ
Trong nhiều năm, Đức hưởng lợi đáng kể từ sự trỗi dậy của Trung Quốc khi tìm được thị trường rộng lớn cho máy móc công nghiệp, hóa chất và ô tô. Vào những năm 2010, Mercedes-Benz, Volkswagen và BMW thu được lợi nhuận khổng lồ khi bán hàng vào thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, Trung Quốc dần chuyển từ vai trò khách hàng sang đối thủ cạnh tranh.

Năm 2010, các công ty Trung Quốc còn phụ thuộc vào thiết bị nhập khẩu từ Đức để sản xuất pin mặt trời. Đến nay, ngành sản xuất pin mặt trời toàn cầu lại phụ thuộc vào thiết bị của Trung Quốc. Chính phủ Bắc Kinh đẩy mạnh trợ cấp cho các ngành công nghiệp xuất khẩu, từ thép, máy móc đến xe điện và pin EV, khiến các sản phẩm Đức gặp áp lực cạnh tranh nghiêm trọng.
Là nền kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào ô tô trong Liên minh châu Âu (EU), Đức chịu thiệt hại nặng nề nhất từ chính sách công nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc. Đặc biệt trong ngành ô tô, Trung Quốc đã tăng xuất khẩu lên 5 triệu xe/năm vào năm 2024, trong khi xuất khẩu ròng của Đức giảm một nửa xuống còn 1,2 triệu xe. Công suất nhà máy Trung Quốc hiện đạt 50 triệu xe/năm, chiếm gần một nửa nhu cầu toàn cầu.
Thiếu đầu tư hạ tầng
Trong những năm kinh tế phát triển mạnh, Đức đã thể hiện sự chủ quan khi trì hoãn đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng dài hạn như đường sắt và mạng internet tốc độ cao, mặc dù lúc đó chính phủ có nguồn thu thuế dồi dào từ nền kinh tế bùng nổ và thậm chí còn đạt thặng dư ngân sách.
Hậu quả của việc chậm trễ đầu tư này đang bộc lộ rõ ràng. Người dân thường xuyên phải chịu cảnh tàu trễ chuyến và gián đoạn dịch vụ do hệ thống đường ray xuống cấp. Nhiều vùng nông thôn vẫn chưa được tiếp cận internet tốc độ cao.
Dự án đường dây tải điện từ miền Bắc - nơi có tiềm năng điện gió lớn - đến các nhà máy ở miền Nam đang bị chậm tiến độ nhiều năm và phải đến 2028 mới hoàn thành. Một cây cầu quan trọng trên tuyến cao tốc nối vùng công nghiệp Ruhr với miền Nam đã phải đóng cửa từ 2021 dù từ 10 năm trước đã có cảnh báo về độ bền, và cầu mới dự kiến phải đến 2027 mới hoàn thành.
Tình trạng này một phần do sửa đổi hiến pháp năm 2009 hạn chế việc chi tiêu thâm hụt của chính phủ. Việc có nên nới lỏng "chốt chặn nợ công" này hay không sẽ là vấn đề nóng trong chính phủ mới sau cuộc bầu cử 23/2 tới.
Thiếu lao động có tay nghề
Các công ty Đức đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lao động có tay nghề trong nhiều lĩnh vực từ IT, giáo dục mầm non, chăm sóc người cao tuổi đến khách sạn.
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức trên 23.000 doanh nghiệp, 43% cho biết họ không thể tuyển đủ người. Tỷ lệ này tăng lên 58% đối với các công ty có trên 1.000 nhân viên.
Nguyên nhân đến từ việc số lượng sinh viên Đức theo học các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) ngày càng giảm, dân số già hóa, chi phí giữ trẻ cao khiến nhiều phụ nữ phải làm việc bán thời gian hoặc nghỉ việc. Mặc dù đã có luật mới từ 2020 và sửa đổi năm 2023 để đơn giản hóa thủ tục, các rào cản hành chính vẫn gây khó khăn trong việc thu hút lao động nhập cư tay nghề cao.
Bộ máy hành chính cồng kềnh
Quy trình phê duyệt kéo dài và quá nhiều thủ tục giấy tờ là một gánh nặng đối với nền kinh tế, theo các công ty và các nhà kinh tế Đức.
Ví dụ như việc xin giấy phép xây dựng tua-bin gió có thể mất nhiều năm, các công ty lắp đặt pin mặt trời phải đăng ký với nhiều cơ quan dù thông tin có thể được chia sẻ, nhà hàng vẫn phải ghi chép nhiệt độ tủ lạnh thủ công dù đã có lưu trữ số hóa.
Đặc biệt, một số quy định về chứng nhận nhà cung cấp còn cao hơn cả tiêu chuẩn EU, tạo gánh nặng lớn hơn cho doanh nghiệp Đức so với đối thủ châu Âu.
Theo Yahoo Finance
>> Đế chế chip Mỹ lung lay: Intel đứng trước nguy cơ bị đối thủ ‘xâu xé’?