Siêu cường lung lay: Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đối mặt cú sốc lớn vì 'quay lưng' với Nga
Nền công nghiệp Đức, bao gồm các ngành ô tô, hóa chất và luyện kim, đã phụ thuộc lớn vào nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga.
Trong nhiều thập kỷ, Đức đã chứng tỏ khả năng phục hồi kinh tế phi thường sau chiến tranh.
Nhờ tận dụng nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga, đẩy mạnh thương mại tự do với Mỹ và các đồng minh phương Tây, cùng với việc hạn chế chi tiêu quân sự tối đa nhờ vào sự bảo hộ an ninh của Mỹ sau Chiến tranh Lạnh, nền kinh tế Đức đã vươn lên trở thành một trong những cường quốc kinh tế hàng đầu châu Âu.
Mối quan hệ năng lượng song phương này, đặc biệt thông qua các đường ống dẫn khí đốt như Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream), từng là động lực chính giúp các nhà máy Đức duy trì hoạt động và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Berlin đã từ bỏ nguồn năng lượng này gần như ngay lập tức.
Việc đóng cửa đường ống Dòng chảy phương Bắc buộc nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải gấp rút tìm kiếm giải pháp thay thế, dẫn đến giá năng lượng tăng vọt, gây khủng hoảng sản xuất và tê liệt ngành công nghiệp chủ lực.
Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn bởi kế hoạch chuyển đổi xanh đầy tham vọng của Đức. Năng lượng tái tạo chưa đủ khả năng thay thế nguồn năng lượng ổn định từ khí đốt Nga, trong khi việc loại bỏ năng lượng hạt nhân, một nguồn điện ổn định và không phát thải carbon, càng làm suy yếu an ninh năng lượng của nước này.
Nhiều năm qua, thành công kinh tế của Berlin phụ thuộc vào một thế giới thương mại mở và ít rào cản. Tuy nhiên, trật tự toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, căng thẳng Mỹ-Trung leo thang, và xu hướng tách rời giữa các nền kinh tế lớn, đe dọa đến nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Đức.
Mối quan hệ thương mại sâu rộng với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Đức, giờ trở thành gánh nặng khi căng thẳng địa chính trị giữa phương Tây và Bắc Kinh ngày càng tăng.
Ngoài ra, quan hệ thương mại với Mỹ cũng gặp nhiều thách thức. Chính quyền Mỹ ngày càng chỉ trích Đức vì chi tiêu quốc phòng không đủ, trong khi Đức vẫn hưởng lợi từ thị trường Mỹ mà không đóng góp tương xứng.
Hãng tin Reuters nhận định, Đức không chỉ 'quay lưng' với Nga mà còn quên mất những yếu tố tạo nên thành công của mình: năng lượng giá rẻ, tự do thương mại và chi tiêu quân sự hợp lý. "Nếu Berlin không nhanh chóng điều chỉnh hướng đi, kỳ tích kinh tế Đức có thể trở thành bài học đau đớn về sai lầm chiến lược".