Hơn một nửa thành phố sẽ bị ngập lụt với độ sâu trung bình 1,2m vào cuối thế kỷ này nếu không có biện pháp hành động ngay bây giờ.
Thượng Hải là thành phố đông dân nhất của Trung Quốc, cũng là một trong những thành phố quan trọng trên thế giới. Thượng Hải là trung tâm tài chính và cũng là trung tâm công nghiệp quan trọng của quốc gia tỷ dân.
Với hơn 27 triệu dân, Thượng Hải có diện tích gấp rưỡi thành phố New York. Đây là nơi có siêu cảng lớn nhất thế giới, đồng thời là trung tâm xuất khẩu quan trọng.
Theo đó, cảng Thượng Hải bao gồm một cảng nước sâu và một cảng sông. Tờ ChinaDaily cho biết, vào tháng 7/2022, cảng Thượng Hải đã lập kỷ lục về sản lượng container với hơn 4,3 triệu TEU. Thậm chí, siêu cảng biển này chiếm tới 1/4 lượng vận chuyển hàng hóa xuất và nhập khẩu của Trung Quốc.
Thượng Hải nằm trên bờ biển phía Đông thuộc Hoa Đông, với sông Dương Tử ở phía Bắc và vịnh Hàng Châu ở phía Nam. Được biết, vùng đất mà ngày nay đã phát triển thành thành phố giàu có bậc nhất Trung Quốc đã ở trong tình trạng sụt lún trong suốt 100 năm trở lại đây.
Thượng Hải là thành phố đông dân nhất của Trung Quốc cũng là một trong những thành phố quan trọng trên thế giới |
Đây là một trong những thành phố đầu tiên ở Trung Quốc phải chịu tình trạng sụt lún nghiêm trọng, với tốc độ trung bình là 22,94 mm/năm trong giai đoạn từ năm 1921 đến năm 2007.
Tốc độ sụt lún đã bắt đầu ổn định kể từ năm 2010, nhưng mực nước biển dâng cao do hiện tượng nóng lên toàn cầu đang gây ra mối đe dọa mới đối với thành phố 24 triệu dân.
Mặc dù tình trạng sụt lún đất được đánh giá là tương đối ổn định nhưng tốc độ gia tăng của mực nước biển được dự đoán sẽ tăng nhanh do biến đổi khí hậu trong tương lai
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự giãn nở nhiệt của đại dương, tiếp đến là sự tan chảy của sông băng và chỏm băng. Dải băng ở Nam Cực đang tan rã được dự đoán sẽ góp phần nhiều nhất vào tình trạng nước biển dâng trong tương lai.
Đến năm 2050, mực nước biển trung bình toàn cầu được dự đoán đạt từ 45cm đến 50cm, với sự đóng góp gần như bằng nhau từ cả các yếu tố khí hậu và phi khí hậu - yếu tố sau bao gồm cả sự điều chỉnh cân bằng địa chất của sông băng và sự sụt lún đất.
Từ sự nóng lên toàn cầu đến mực nước biển dâng cao, mô phỏng từ máy tính cho thấy mực nước lũ ở Thượng Hải trong 10 năm và 100 năm tới có thể tăng hơn gấp đôi vào năm 2030, gấp 3-5 lần vào năm 2050, và tăng hơn 50 lần khi mực nước biển trung bình dự kiến tăng 136cm vào cuối thế kỷ này.
Việc tăng mực nước lũ có thể làm tăng nguy cơ vỡ đê và lũ lụt liên quan theo thời gian. Ví dụ, tình trạng vỡ tường chắn sóng và diện tích ngập lụt dự kiến sẽ tăng khoảng 30% và 50% vào năm 2100 so với năm 2010. Số tài sản nằm trong nguy cơ thiệt hại là khoảng 1.771 tỷ USD.
Lũ lụt tại Thượng Hải |
Nếu không có biện pháp đáp ứng kịp thời, tình trạng lũ lụt có thể nhấn chìm Thượng Hải vào cuối thế kỷ này. Theo kịch bản trên, hơn 4.200 km2 (62% tổng diện tích) của thành phố có thể bị ngập lụt với độ sâu trung bình là 1,2m.
Các khu vực dễ bị tổn thương nhất trước nguy cơ lũ lụt gia tăng là đảo Chongming và vùng đồng bằng sông Huangpu, bao gồm cả trung tâm thành phố Thượng Hải. Nhìn chung, điều này ngụ ý rằng Thượng Hải, với dân số 24 triệu người, mặc dù hiện nay tương đối an toàn trước lũ lụt nhưng sẽ ngày càng trở nên dễ tổn thương hơn do mực nước biển dâng và sụt lún đất.
Thượng Hải đang chìm nhanh hơn tốc độ nước biển dâng. Trong ba thập kỷ qua, mực nước biển ở thành phố này đã tăng 115mm, với tốc độ trung bình khoảng 3,8 mm/năm, cao hơn nhiều so với tốc độ trung bình toàn cầu.
Tuy nhiên, trung tâm thành phố Thượng Hải đã bị sụt lún hơn 3m kể từ cuối thế kỷ XIX. Dựa trên phân tích dữ liệu Kỹ thuật giao thoa với đường cơ sở rất dài (VLBI), tốc độ sụt lún địa chất trung bình của Thượng Hải được ước tính đạt gần 1-1,5 mm/năm.
Sự sụt lún của Thượng Hải chủ yếu được gây ra bởi sự sụt lún địa chất và sự nén của các lớp trầm tích do điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người. Theo dữ liệu giám sát, quá trình sụt lún do nén tại đây có thể được chia thành ba giai đoạn:
1. Giai đoạn sụt lún nhanh từ năm 1921 đến năm 1965 do khai thác nước ngầm quá mức.
2. Giai đoạn phục hồi từ năm 1965 đến năm 1985 với quá trình nạp nước nhân tạo.
3. Giai đoạn sụt lún chậm từ năm 1985 đến năm 2007 do xây dựng quy mô lớn các tòa nhà cao tầng và dự án ngầm.
Ngăn chặn thảm họa
Bởi Thượng Hải rất dễ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng và lũ lụt ven biển, chính quyền có thể xem xét việc triển khai hệ thống rào chắn di động ở cửa sông Huangpu (tương tự như đập Thames của London hoặc đập Maeslantkering của Rotterdam) để ngăn chặn các thảm họa trong tương lai.
Khoản đầu tư này có thể mang lại hiệu quả kinh tế hơn về lâu dài vì tường chắn lũ dài 479,7km của thành phố sẽ cần được nâng lên mỗi thập kỷ do mực nước biển dâng cao, nếu không có một rào chắn chống lũ lụt.
Một biện pháp khẩn cấp khác là nâng cấp các đê biển cấp thấp hiện tại (thường là 5-7m) dọc theo bờ biển của các khu vực trũng thấp và ít được bảo vệ tại Bảo Sơn và Sùng Minh. Điều này nên được triển khai cùng với việc bảo trì thường xuyên các đê biển cấp cao ở Phố Đông và Trường Hưng.
Thượng Hải cũng cần xác định các không gian ngầm phù hợp để sử dụng làm nơi chứa nước khẩn cấp tạm thời trong khu vực trung tâm thành phố.
Cuối cùng và quan trọng nhất, thành phố nên lập kế hoạch sơ tán khẩn cấp chi tiết ngay từ bây giờ để đối phó với mọi tình huống bất ngờ, vì quản lý rủi ro lũ lụt đô thị là một hệ thống phức tạp và sự cố luôn có thể xảy ra gây tổn thất lớn.