Siêu dự án sân bay lớn nhất thế giới trên sa mạc: 400 cổng nhà ga và 5 đường băng, kinh phí 'khủng' 35 tỷ USD
Sau khi hoàn thành giai đoạn đầu, sân bay này có thể phục vụ 260 triệu lượt hành khách mỗi năm.
Sân bay quốc tế Al Maktoum hay còn gọi là Dubai World Central (DWC), nằm cách trung tâm Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UAE) khoảng 32km về phía Tây Nam. Công trình này được thiết kế để trở thành sân bay lớn và đông đúc nhất thế giới trong tương lai gần.
Tuy nhiên, hơn một thập kỷ sau chuyến bay chở khách đầu tiên và hơn 13 năm từ lần đầu tiên mở cửa cho hoạt động chở hàng, sân bay mới nhất của Dubai vẫn đang chật vật để đạt được mục tiêu này.
Hiện DWC trở thành một trung tâm cho hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu máy bay (MRO). Sân bay này cũng là nơi hoạt động của nhiều hãng chở hàng bằng đường hàng không như Emirates Cargo, đón các chuyên cơ riêng và một số chuyến bay đột xuất. Tuy nhiên, dịch vụ chở khách theo lịch trình khá hạn chế với vài hãng giá rẻ hoạt động chủ yếu tại Đông Âu, Nga và Trung Á.
Cuối tháng 4 vừa qua, UAE tuyên bố sẽ đầu tư 35 tỷ USD để xây dựng một nhà ga mới ở Cảng hàng không quốc tế Al Maktoum. Sau khi hoàn thành, sân bay này có thể phục vụ 260 triệu lượt hành khách mỗi năm và Al Maktoum sẽ là sân bay lớn nhất thế giới.
Quy mô của sân bay mới sẽ gấp 5 lần so với sân bay quốc tế Dubai hiện tại, sở hữu 400 cổng nhà ga và 5 đường băng hiện đại. Tuy nhiên, cách tiếp cận dạng module để mở rộng dần DWC theo khung thời gian có thể kéo dài đến thập niên 2050.
Quốc vương Tiểu quốc Dubai Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktou cho hay, tất cả các hoạt động tại sân bay quốc tế Dubai sẽ được chuyển sang sân bay quốc tế Al Maktoum trong những năm tới.
"Khi chúng tôi xây dựng thành phố xung quanh sân bay Al Maktoum, nhu cầu về nhà ở cho 1 triệu người sẽ tăng thêm. Địa điểm đó sẽ là nơi quy tụ các công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực logistic, vận tải hàng không", vị này nói.
Sheikh Ahmed bin Saeed Al Maktoum, Giám đốc Cơ quan Hàng không Dân dụng Dubai và Giám đốc điều hành của hãng Emirates Airline cho hay, giai đoạn đầu của dự án lớn này sẽ được hoàn thành trong vòng 10 năm. Sau khi hoàn thành giai đoạn đầu, sân bay quốc tế Al Maktoum có thể phục vụ 150 triệu lượt hành khách mỗi năm.
Al Maktoum được đưa vào hoạt động từ năm 2010, tọa lạc tại vị trí ngoại ô Dubai. Do vị trí địa lý này, sân bay gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút khách hàng và hãng hàng không, dẫn đến thị phần vận chuyển hàng không còn hạn chế.
Tuy nhiên, chính quyền Dubai đặt kỳ vọng lớn vào sân bay Al Maktoum trong tương lai, kỳ vọng sẽ thay thế sân bay Dubai ở trung tâm thành phố, vốn đã quá tải và không thể mở rộng thêm.
Hiện nay, sân bay Dubai phục vụ 150 triệu hành khách/năm, là sân bay bận rộn nhất thế giới và nơi trung chuyển của gần 87 triệu hành khách trong năm 2023. Đây là đầu mối giao thông hàng không quan trọng của UAE, khu vực Vùng Vịnh và thế giới.
Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) nằm ở khu vực Tây Á, là một liên bang gồm 7 tiểu vương quốc Abu Dhabi, Dubai, Sharjah, al-Khaimah của Ra, Ajman, Umm al-Quwain và Fujairah. UAE là một nền kinh tế thị trường đang phát triển có thu nhập cao. Theo IMF, nền kinh tế của UAE là nền kinh tế lớn thứ 4 ở Trung Đông (sau Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi và Israel), với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt trung bình 415 tỷ USD trong năm 2021-2023. |
>> ‘Vùng đất hai Di sản thế giới’ của Việt Nam sẽ có sân bay quốc tế đầu tiên?
Bất ngờ phát hiện công trình cổ 4.000 năm tuổi trên công trường xây sân bay
Tỉnh có mức sống rẻ nhất Việt Nam muốn trở thành đô thị loại I, có sân bay chuyên dụng