Tuyến đường sắt đô thị này có đặc điểm nổi bật khi tổng chiều dài là 8,786km mà có tới 8,13km là đi ngầm.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam Hervé Conan đã ký Thỏa ước tài trợ cho dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai và Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị sử dụng vốn không hoàn lại của EU.
Theo đó, dự án hỗ trợ kỹ thuật trị giá 10 triệu euro (khoảng 275 tỷ đồng) tiền viện trợ không hoàn lại này sẽ tập trung tài trợ cho nghiên cứu khả thi để mở rộng tuyến số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai, hỗ trợ phát triển mạng lưới giao thông đô thị tích hợp, sửa đổi khung quy hoạch tổng thể hệ thống đường sắt đô thị và hệ thống giao thông đô thị của Hà Nội, cải thiện việc khai thác, vận hành và nâng cao năng lực cho các sở, ngành của thành phố.
Các hoạt động hỗ trợ trong khuôn khổ dự án này đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội, đảm bảo tiến độ triển khai của hệ thống đường sắt đô thị của thành phố đến năm 2035 nói chung và của tuyến số 3 kéo dài nói riêng.
Theo Ông Olivier Brochet, Đại sứ Cộng Hòa Pháp tại Việt Nam cho biết: "Dự án này nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống đường sắt đô thị, tăng tính kết nối đa phương thức và điều kiện di chuyển của người dân thủ đô, từng bước giảm lưu lượng phương tiện giao thông cá nhân trong khu vực nội đô, giảm ô nhiêm không khí. Mục tiêu chung của chúng ta nhằm tăng tính hấp dẫn không chỉ cho giao thông công cộng mà còn cho bản thân thành phố."
>> Lộ diện ‘ông lớn’ ngành gỗ nuôi tham vọng làm dự án gần 400 triệu USD tại Long An
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội bày tỏ cảm ơn Liên minh Châu Âu, Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã quan tâm, hỗ trợ TP. Hà Nội trong việc triển khai dự án này, đồng thời cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất trong quá trình triển khai dự án.
Mục tiêu dự án là tiếp tục hỗ trợ TP. Hà Nội, chủ đầu tư hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai cho đến khi Quốc hội phê duyệt chủ trương.
Được biết, tuyến đường sắt đô thị này có đặc điểm nổi bật khi tổng chiều dài là 8,786km mà có tới 8,13km là đi ngầm, có đoạn hầm hở dài 0,57km và chỉ 0,086km là đường đi trên mặt đất. Hầu hết tuyến đường sắt đô thị này đi ngầm theo hướng từ Trần Hưng Đạo qua Trần Thánh Tông, Kim Ngưu đến Nguyễn Tam Trinh.
Kết cấu của phần đường ngầm bao gồm hai ống hầm song song, chạy dưới lòng đất qua khu vực Ô Đống Mác, Mai Động và kéo dài đến phía sau Vành đai 3, với số lượng ga ngầm lên đến bảy ga và một khu vực tạp kết tàu gần Trạm bơm Yên Sở.
Các nhà ga được xây dựng ngầm như: ga Hàng Bài ở ngã tư đường Hàng Bài và Trần Hưng Đạo; ga Trần Thánh Tông dưới phố Trần Thánh Tông sát vườn hoa Pasteur; ga Kim Ngưu dưới đường Tây Kim Ngưu; ga Mai Động ở đường Nguyễn Tam Trinh phía Nam nút Mai Động; ga Tân Mai giữa đường quy hoạch Nguyễn Tam Trinh và đường Tân Mai; ga Tam Trinh giữa đường quy hoạch Nguyễn Tam Trinh trước siêu thị Metro Hoàng Mai; và cuối cùng là ga Yên Sở nằm ở tuyến đường kéo dài từ Nguyễn Tam Trinh đến Vành đai 3.
Về tiến độ thực hiện, đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai có thời gian thi công trong giai đoạn 2020-2030 (10 năm), tổng mức đầu tư cho đoạn tuyến này tính toán khoảng 1.700 triệu USD, tương đương 40.500 tỷ đồng, nguồn vốn vay ODA.
Theo TP. Hà Nội, do quỹ đất dành cho giao thông tại Hà Nội rất hẹp, nên việc lựa chọn phương án đường sắt đi ngầm là giải pháp hợp lý để giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng khó khăn của Thủ đô.
Việc này sẽ giúp giảm kinh phí giải phóng mặt bằng, tiết kiệm đất, giảm xung đột với cơ sở hạ tầng hiện có và nâng cao khả năng kết nối của đường sắt đô thị với các tòa nhà, công trình xung quanh.
Việc đi ngầm cũng bảo vệ cảnh quan đô thị, khuyến khích sự phát triển của không gian đô thị trên mặt đất và các loại hình giao thông khác, ngoài ra giảm thiểu sự chiếm dụng đất và ảnh hưởng đến giao thông khi thi công, từ đó làm giảm ô nhiễm và bảo vệ môi trường sống của cư dân.
Tuy nhiên, việc đi ngầm toàn tuyến sẽ làm cho chi phí đầu tư xây dựng cao; quá trình thi công công trình ngầm phức tạp, đòi hỏi công nghệ thi công xây dựng tiến tiến. Vì vậy, dự án hỗ trợ kỹ thuật như trên được xúc tiến triển khai nhằm gỡ khó cho Hà Nội trong quá trình triển khai tuyến metro chạy ngầm đầu tiên.
>> 'Gạt bỏ' tin đồn có thể bị phá sản, 'vua hầm' Đèo Cả sẽ đầu tư thêm hơn 400km đường cao tốc
Đã gỡ được ‘nút thắt’ ách tắc cho đường sắt Bắc - Nam
Chỉ đạo mới nhất của Phó Thủ tướng về siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 70 tỷ USD