Sở hữu công nghệ xịn bậc nhất thế giới, ai ngờ Trung Quốc từng phải tìm đến '4 ông lớn' cho dự án đường sắt cao tốc đầu tiên dài 115km
Tuyến đường dài 115km này sử dụng đoàn tàu cao tốc CRH 3 của Siemens, dựa trên công nghệ từng được sử dụng trong ICE 3s của Đức.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tích cực hỗ trợ các nước Đông Nam Á trong việc xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc, góp phần hiện đại hóa hạ tầng giao thông của khu vực này.
Một số dự án nổi bật bao gồm tuyến Jakarta - Bandung ở Indonesia, tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên tại Lào, và dự án Thái - Trung đầy tham vọng.
Tuyến đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung, dài khoảng 140km, kết nối thủ đô Jakarta với thủ phủ Bandung của tỉnh Tây Java, Indonesia. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á, bắt đầu hoạt động thương mại vào đầu tháng 10/2023 và được xây dựng bằng công nghệ của Trung Quốc.
Cuối năm ngoái, Lào cũng vừa hoàn thành tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên dài 400km, với vốn đầu tư lên tới 6 tỷ USD. Dự án kéo dài suốt 6 năm và được áp dụng theo tiêu chuẩn công nghệ từ Trung Quốc.
Hồi tháng 5, Chính phủ Thái Lan và Trung Quốc đã thống nhất tăng tốc tiến độ dự án đường sắt cao tốc Thái - Trung, với kế hoạch vận hành toàn tuyến vào năm 2030. Dự án này sẽ xây dựng tuyến đường dài 873km, chia thành 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư 9,3 tỷ USD.
Nhưng trước khi trở thành một quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực đường sắt cao tốc, Trung Quốc từng phải phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài để xây dựng tuyến cao tốc đầu tiên.
Vào tháng 6/2004, Bộ Đường sắt Trung Quốc đã tổ chức đấu thầu quốc tế cho dự án tuyến đường sắt cao tốc có tốc độ trên 200 km/h đầu tiên.
Khi đó, chỉ có 4 công ty trên thế giới đủ khả năng thực hiện dự án là Siemens (Đức), Kawasaki Heavy Industries (Nhật Bản), Bombardier (Canada) và Alstom (Pháp). Những quốc gia này thời điểm đó được coi là 4 ông lớn dẫn đầu về công nghệ đường sắt cao tốc trên thế giới.
Sau nhiều năm nỗ lực, vào năm 2008, tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Trung Quốc - kết nối Bắc Kinh và Thiên Tân - đã đi vào hoạt động, giảm thời gian di chuyển từ 70 phút xuống còn 30 phút.
Tuyến đường dài 115km này sử dụng đoàn tàu cao tốc CRH 3 của Siemens, dựa trên công nghệ từng được sử dụng trong ICE 3s của Đức.
Việc xây dựng cũng áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại như thi công trên đoạn cầu cạn để tăng tốc độ, và một phần công nghệ đường ray bê tông được chuyển giao từ các công ty kỹ thuật Đức. Dự án còn sử dụng mô hình quản lý dự án của Pháp để đảm bảo hiệu quả cao.
Trong quá trình phát triển công nghệ đường sắt cao tốc của mình, Trung Quốc đã yêu cầu các công ty nước ngoài ký hợp đồng chuyển giao công nghệ cho 2 nhà sản xuất tàu lớn của nước này – China Southern Railway (CSR) và China Northern Railway (CNR). Điều này đã giúp Trung Quốc có thể tự phát triển công nghệ của riêng mình.
Ngày nay, đường sắt Trung Quốc không chỉ nổi tiếng với tốc độ, độ bền và kỹ thuật xây dựng, mà còn tiên phong trong việc ra mắt các công nghệ hiện đại như tàu tự hành, hệ thống điều khiển tín hiệu tiên tiến.
Trên các chuyến tàu tự hành, khoang chứa đồ được mở rộng để phục vụ cho các dụng cụ thể thao mùa đông, ghế ngồi có bảng điều khiển cảm ứng 5G, hệ thống ánh sáng thông minh và hàng nghìn cảm biến an toàn.
Đặc biệt, Trung Quốc cũng áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt và robot tại các nhà ga để điều hướng hành khách, hỗ trợ hành lý và làm thủ tục, mang đến trải nghiệm di chuyển hiện đại và thuận tiện hơn.
Tổng hợp