Thế giới

Sử dụng hơn 2 triệu m3 cát, siêu cường châu Âu xây hòn đảo năng lượng nhân tạo đầu tiên trên thế giới

Thiên Kim 01/11/2024 - 20:26

Hòn đảo này sẽ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống năng lượng của Bỉ, cung cấp điện cho hàng triệu hộ dân và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) mới đây vừa phê duyệt khoản tài trợ trị giá 702 triệu USD cho Elia Transmission Belgium (ETB), đơn vị vận hành hệ thống truyền tải điện cao thế của Bỉ, nhằm xây dựng hòn đảo năng lượng nhân tạo đầu tiên trên thế giới.

Theo thông tin từ ETB, hòn đảo này sẽ cung cấp 3,5 GW điện từ năng lượng gió ngoài khơi, hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng xanh cho Bỉ.

Khoản kinh phí sẽ hỗ trợ giai đoạn đầu của dự án đảo Princess Elisabeth – một sáng kiến quan trọng trong nỗ lực cung cấp lượng lớn điện gió từ Biển Bắc cho các trung tâm tiêu thụ trên đất liền của Bỉ.

Sử dụng hơn 2 triệu m3 cát, siêu cường châu Âu xây hòn đảo năng lượng nhân tạo đầu tiên trên thế giới - ảnh 1
Đảo nhân tạo đầu tiên trên thế giới sẽ sản xuất 3,5 GW điện. Ảnh: State of Green

Lễ ký kết thỏa thuận diễn ra ngày 25/10 tại Caisson, Vlissingen (Hà Lan), thể hiện quyết tâm chung trong việc thúc đẩy nền năng lượng tái tạo của Bỉ và châu Âu.

Dự án dự kiến hoàn thành vào 2027, cách bờ biển Bỉ khoảng 45km. Khi chính thức đi vào hoạt động, đảo Princess Elisabeth sẽ tích hợp 3,5 GW điện gió ngoài khơi vào lưới điện của Bỉ, đủ để cung cấp năng lượng cho hơn 3 triệu hộ gia đình.

Nhờ đó, hòn đảo có thể giúp giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và hạ chi phí điện xanh của Bỉ.

Đồng thời, dự án này sẽ đóng vai trò lớn trong việc giúp Liên minh châu Âu đạt được các mục tiêu về năng lượng tái tạo và trung hòa carbon.

Ngoài ra, đảo Princess Elisabeth còn là hòn đảo năng lượng nhân tạo đầu tiên trên thế giới tích hợp hệ thống điện cao thế cả một chiều (HVDC) và xoay chiều (HVAC).

Sử dụng hơn 2 triệu m3 cát, siêu cường châu Âu xây hòn đảo năng lượng nhân tạo đầu tiên trên thế giới - ảnh 2
Thiết kế của đảo năng lượng nhân tạo Princess Elisabeth. Ảnh: IFL Science

Từ tháng 9/2023, đội ngũ công nhân gồm 300 người đang làm việc mỗi ngày ở công trường tại Hà Lan để tạo những thùng lặn không thấm nước - bộ phận quan trọng để xây đảo Princess Elisabeth.

Hiện tại, thùng lặn đầu tiên của đảo đã được xây dựng tại Vlissingen và sẽ được dìm xuống biển, sau đó đổ đầy cát để tạo nền móng. Các kỹ sư ước tính sẽ sử dụng 2,3 triệu m3 cát cho quá trình này.

Theo Interesting Engineering, hệ thống truyền tải cao thế trên đảo sẽ là trung tâm cho các đường dây mạng kết nối Bỉ với Anh và các nước láng giềng, giúp trao đổi điện năng giữa các quốc gia và nối liền với nhiều trang trại điện gió lớn ở Biển Bắc.

Phó chủ tịch EIB, ông Robert de Groot, nhấn mạnh: "Đảo Princess Elisabeth sẽ củng cố an ninh năng lượng cho Bỉ và châu Âu. Dự án không chỉ nâng cao hạ tầng năng lượng của Bỉ mà còn thúc đẩy kết nối quan trọng với những quốc gia lân cận”.

Theo Interesting Engineering

>> Siêu cường châu Á sở hữu mạng lưới đường sắt cao tốc dài nhất thế giới: Xây 45.000km trong 2 thập kỷ, gấp hàng chục lần Mỹ và châu Âu

Thảm họa lũ lụt tồi tệ nhất châu Âu khiến gần 160 người chết

Siêu cường số 1 thế giới chế tạo siêu tàu ‘bay lơ lửng’ trên mặt nước: Tốc độ 250km/h, tiết kiệm nhiên liệu gấp 10 lần máy bay

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/su-dung-hon-2-trieu-m3-cat-sieu-cuong-chau-au-xay-hon-dao-nang-luong-nhan-tao-dau-tien-tren-the-gioi-129418.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sử dụng hơn 2 triệu m3 cát, siêu cường châu Âu xây hòn đảo năng lượng nhân tạo đầu tiên trên thế giới
    POWERED BY ONECMS & INTECH