Tái bùng phát chiêu trò lừa đảo giả mạo shipper
Trước tình trạng nhiều người mua hàng online bị các đối tượng giả mạo shipper lừa đảo, 2 doanh nghiệp chuyển phát lớn là Vietnam Post và Viettel Post đều vừa phát cảnh báo khách hàng nâng cao cảnh giác.
Nhiều người dân vẫn "sập bẫy" lừa đảo giao hàng
Là một nhân viên văn phòng, chị Thu Thủy (Đống Đa, Hà Nội) vài năm gần đây đã hình thành thói quen mua sắm nhiều loại hàng hóa đều qua môi trường mạng, thay vì đến trực tiếp cửa hàng. Thói quen này giúp chị Thủy và nhiều người tiêu dùng khác tiết kiệm thời gian, song cũng khiến họ dễ trở thành đối tượng của những kẻ lừa đảo nhân viên giao hàng (shipper).
Ngay đầu tuần này, khi đang họp cơ quan, chị Thủy nhận được cuộc gọi của shipper báo có gói hàng được giao đến địa chỉ chung cư. Do đang bận họp và cũng hay đặt giao hàng trực tuyến nên chị đã báo gửi lại hàng cho bảo vệ và chuyển khoản số tiền hơn 400.000 đồng được yêu cầu thanh toán.
"Chỉ đến khi nhận được tin nhắn của đối tượng nhờ truy cập đường link để khai báo nhận lại số tiền do số tài khoản trước bị gửi nhầm, tôi mới biết mình đã dính bẫy lừa đảo giao hàng đã được nói nhiều trên các phương tiện truyền thông”, chị Thu Thủy chia sẻ.

Thường xuyên mua đồ linh kiện điện tử qua mạng xã hội, anh Thành Trung (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, đã không ít lần nhận cuộc gọi lừa đảo. Để tránh bị lừa, mỗi đơn hàng, anh Trung đều yêu cầu người bán cung cấp tên, số điện thoại của nhân viên giao hàng; hoặc chủ động cập nhật thông tin về hãng chuyển phát, nhân viên giao hàng trên ứng dụng của nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển.
“Các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi hơn, khi mua hàng online mọi người nên tìm hiểu một số thông tin về đơn vị vận chuyển ví dụ như các dấu hiệu nhận diện nhân viên giao hàng, mẫu mã vận đơn của từng hãng vận chuyển hoặc chỉ nhận đơn 0 đồng – đơn đã thanh toán trước với người bán. Khi nhận, tôi luôn kiểm tra kỹ các thông tin về số lượng, chất lượng hàng đã mua, thẻ nhân viên giao hàng”, anh Thành Trung chia sẻ.
Tình trạng giả mạo shipper để lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi, diễn ra ở nhiều hãng chuyển phát, từ trong nước đến quốc tế. Kẻ gian có thể gọi điện, nhắn tin, thậm chí đến tận nhà giả danh nhân viên chính hãng để yêu cầu thanh toán hoặc cung cấp thông tin cá nhân.
Theo ghi nhận của của các hãng chuyển phát, thủ đoạn phổ biến nhất hiện nay là các đối tượng lừa đảo gọi điện hoặc nhắn tin yêu cầu khách hàng chuyển khoản tiền hàng hoặc phí vận chuyển trước khi nhận hàng. Nếu người nhận không có mặt tại địa chỉ và nhờ người nhận thay, đối tượng sẽ thông báo giao hàng thành công và yêu cầu người nhận chuyển khoản thanh toán.
Một hình thức lừa đảo nữa là các đối tượng gửi email giả mạo các doanh nghiệp, hãng chuyển phát để yêu cầu thanh toán phí dịch vụ, phí hải quan thông qua đường link, trang web giả mạo gửi kèm.
Ngoài ra, cũng có trường hợp đối tượng giả mạo shipper của các hãng mang đến nhà khách hàng gói hàng không đúng với sản phẩm khách hàng đã mua hoặc hàng kém chất lượng và yêu cầu thanh toán tiền hàng.
Dù chưa có thống kê chính xác về số lượt người dân bị lừa đảo theo hình thức giả mạo shipper, song đã có nhiều người dân bị mất số tiền không nhỏ hoặc bị đánh cắp dữ liệu.
Bảo vệ thông tin người dùng dịch vụ chuyển phát
Theo Giám đốc Trung tâm CNTT của Vietnam Post ông Biện Văn Quang, Vietnam Post đã và đang áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ dữ liệu, củng cố bảo mật, an toàn thông tin của toàn bộ hệ thống, đặc biệt là các hệ thống chứa dữ liệu đơn hàng.
Vietnam Post cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo khách hàng nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền, thanh toán bất cứ khoản tiền, cước phí nào khi chưa nhận hàng và xác minh; chỉ thanh toán khi đã nhận đúng, đủ mặt hàng đặt mua.
Với các đơn hàng nhận qua Bưu điện, các khách hàng được lưu ý rằng, khi giao hàng, bưu tá sẽ luôn mặc đồng phục chuẩn nhận diện thương hiệu, đeo thẻ nhân viên, gọi điện thoại thông tin trước với khách về bưu gửi và không yêu cầu chuyển khoản hoặc thanh toán trực tuyến.
“Để tránh bị lộ lọt thông tin, chúng tôi cũng khuyến nghị khách hàng lưu ý không cung cấp, để lại thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội, các trang mua bán trực tuyến và kiểm soát chặt chẽ thông tin liên quan đến đơn hàng của mình. Đây là một yếu tố quan trọng góp phần ngăn chặn việc các đối tượng nắm được thông tin về nhu cầu mua hàng và sử dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo”, ông Biện Văn Quang chia sẻ.

Với Viettel Post, thông tin với phóng viên VietNamNet, đơn vị này cho biết, họ chỉ liên hệ giao hàng qua đầu số brandname "Viettel Post – 0862526888”. Vì thế, người dùng cần thận trọng khi nhận được các cuộc gọi yêu cầu giao hàng từ số lạ và không cung cấp thông tin cá nhân nếu có dấu hiệu nghi vấn.
Bưu chính Viettel cũng khuyến nghị khách hàng tải ứng dụng và theo dõi Zalo OA Viettel Post để kiểm tra tình trạng đơn hàng, xác thực bưu tá giao hàng và nhận thông báo từ hệ thống; không chia sẻ số điện thoại hoặc thông tin cá nhân trên các nền tảng công khai, đặc biệt khi tham gia mua sắm qua livestream hoặc trên mạng xã hội.
"Với khách hàng là người gửi, đặc biệt các shop bán hàng trực tuyến, để hạn chế rủi ro lộ lọt dữ liệu, chúng tôi lưu ý nên sử dụng phần mềm chính thức của doanh nghiệp để tạo đơn hàng thay vì các công cụ trung gian của bên thứ ba", đại diện Viettel Post chia sẻ.
Thống kê từ danh sách 72 website giả mạo được hệ thống của Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia – NCSC thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) ghi nhận trong tháng 1/2025, có tới 30 website giả mạo các sàn thương mại điện tử và công ty chuyển phát như Vietnam Post, Giao hàng nhanh, Giao Hàng Tiết Kiệm, Lazada, Amazon, Shopee... chiếm tới 40%. |
>>4 bước lừa đảo kiểu mới của các đối tượng giả danh shipper, nhiều người đã bị sập bẫy
Lộ diện 8 tài khoản ngân hàng, 6 số điện thoại lừa đảo mạo danh shipper – Công an cảnh báo!
Nở rộ chiêu giả mạo shipper để lừa đảo, cảnh sát hình sự chỉ cách 'phá bẫy’