Sống

Tại sao Gia Cát Lượng trước khi chết hô to tên của một người bí ẩn và ngậm bảy hạt gạo sau khi chết?

Nhật Linh 15/08/2023 - 13:54

Những ai đã quen thuộc với "Tam Quốc Diễn Nghĩa" chắc hẳn vẫn còn nhớ trong phim điện ảnh và truyền hình có một chi tiết Gia Cát Lượng trước khi chết đã hét lên: "Bàng Đức tiên sinh cứu ta!"

Trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa", Gia Cát Lượng là người có khả năng tiên tri, ông trên thông thiên văn dưới tường địa lý, vừa có thể bài binh bố trận mà lại mưu tính sâu xa. Chỉ tiếc rằng trên đường Bắc phạt vất vả lâu ngày, ông bị ốm nặng, và qua đời tại Gò Ngũ Trượng của nước Thục vào năm Kiến Hưng thứ 12 (năm 234).

Một người am hiểu huyền học như Gia Cát Lượng đã sớm tính được rằng vận hạn của mình đang đến gần, chỉ hận chưa hoàn thành nguyện vọng phục hưng Hán thất. Bởi vậy, ông lập đàn "thất tinh đăng" dâng sao giải hạn mong kéo dài tính mệnh, nhưng vì một sự cố ngoài ý muốn mà bất thành. Trước khi qua đời, Gia Cát Lượng dặn dò hạ nhân, khi ông chết phải để miệng ông "ngậm 7 hạt gạo.

Tại sao Gia Cát Lượng trước khi chết hô to tên của một người bí ẩn và ngậm bảy hạt gạo sau khi chết?

Lập thất tinh đăng kéo dài tính mạng

Lần cuối cùng Bắc phạt, Gia Cát Lượng đã chuẩn bị rất kỹ càng, tin tưởng chắc chắn rằng sẽ đánh bại Tư Mã Ý. Kết quả, Tư Mã Ý thấy Gia Cát Lượng khí thế bừng bừng, thế là bấy giờ quyết định thủ vững không ra đánh, không lấy "đá chọi đá" với Gia Cát Lượng. Dẫu cho Gia Cát Lượng khiêu binh như thế nào, Tư Mã Ý đều bỏ mặc. Thậm chí khi Gia Cát Lượng dùng quần áo phụ nữ để nhục mạ Tư Mã Ý, Tư Mã Ý cũng vẫn điềm nhiên trấn định, khiến Gia cát Lượng uất ức phiền muộn.

Lúc ấy Gia Cát Lượng rất nóng lòng quyết chiến, bởi vì cả một quãng đường dài từ Thành Đô trèo non lội suối, hao phí rất nhiều lương thực, đánh bại Tư Mã Ý sớm được ngày nào, thì quốc lực Thục Hán sẽ đỡ hao tổn ngày đó.

Lúc đầu Tư Mã Ý cũng muốn liều mạng với Gia Cát Lượng, kết quả sau khi giao chiến mấy lần, Tư Mã Ý bị tổn thất lớn, ngay cả tướng tài Trương Cáp cũng rơi vào tay Gia Cát Lượng. Thế là Tư Mã Ý một mực thủ vững không xuất chiến, bởi dù sao quốc lực Tào Ngụy cũng vượt xa Thục Hán rất nhiều. Cuộc Bắc phạt trước đây cũng chính là bị Tư Mã Ý kéo dài theo cách này. Đám kiêu binh hãn tướng dưới quyền của Tư Mã Ý cảm thấy khó chịu, cho rằng đường đường là đại quân Tào Ngụy lại bị Gia Cát Lượng đè lên đánh, tin này truyền đi thì chuyện gì sẽ xảy ra? Thế là họ nhao nhao xin chiến, tuy nhiên vẫn đều bị Tư Mã Ý từ chối.

Cuối cùng Tư Mã Ý nghĩ ra một cách hay. Bởi vì mỗi lần Gia Cát Lượng xuất chiến đều xảy ra vấn đề thiếu lương thực, cho nên lần này Tư Mã Ý bèn quyết định đánh lén kho lương của Gia Cát Lượng, thế là mới có trận "hỏa thiêu Thượng Phương Cốc". Tư Mã Ý lại một lần nữa bị Gia Cát Lượng cho vào bẫy, từ đó về sau vô luận như thế nào cũng đều không xuất chiến, cứ như vậy cùng Gia Cát Lượng giằng co.

Theo thời gian kéo dài như vậy, thân thể của Gia Cát Lượng mỗi ngày một kém.

Nếu không có ông hỗ trợ, Thục Hán này có lẽ sẽ gặp nguy hiểm. Vì vậy, Gia Cát Lượng quyết đấu với trời, muốn dùng thất tinh đăng để kéo dài tuổi thọ.

"Tam Quốc Diễn Nghĩa" hồi 103, kể rằng:

Khổng Minh nói:

“Ta vốn biết phép ấy, nhưng chưa biết lòng trời làm sao. Ngươi hãy dẫn bốn mươi chín tên giáp sĩ, cầm cờ thâm, mặc áo thâm, đứng vòng quanh ngoài trường, ta ở trong cầu đảo sao bắc đẩu. Nếu như trong bảy ngày, ngọn đèn chủ không tắt, thì ta sống lâu thêm được một kỷ nữa. Nếu đèn tắt, ta không thọ được. Phàm những người tạp nhạp, không được cho vào. Những đồ gì ta cần dùng đến, cứ sai hai đứa tiểu đồng trang biện là đủ.”

Khương Duy vâng mệnh, sắm sửa đâu đấy.

Bấy giờ, vào tiết trung thu, tháng tám. Đêm hôm ấy, sông Ngân vằng vặc, hạt thóc đầm đìa, canh khuya thanh vắng, tiếng la tiếng cồng im phăng phắc, tinh kỳ hắt hiu. Khương Duy ở ngoài trướng, dẫn bốn mươi chín tên giáp sĩ canh giữ xung quanh. Khổng Minh ở trong bày hương hoa, lễ vật ở trên mặt đất, chia làm bảy ngôi đèn to và bốn mươi chín ngôi đèn nhỏ xung quanh, ở giữa đặt một ngọn đèn bản mệnh.

Tuy nhiên, kết quả trời xui đất khiến thế nào lại bị Ngụy Diên vô tình đạp tắt ngọn minh đăng, khiến cho việc dâng sao giải hạn, mượn tuổi trời của Gia Cát Lượng bất thành.

Ngay khi đèn chính vụt tắt, Gia Cát Lượng phun ra một ngụm máu rồi ngã xuống đất bất tỉnh.

Khi mở mắt ra lần nữa, Gia Cát Lượng đột nhiên hét lên: "Bàng Đức tiên sinh cứu ta!”. Điều này cũng làm cạn kiệt sức lực cuối cùng của ông.

Khi đó Ngụy Diên và Khương Duy vô cùng bối rối, không biết Gia Cát Lượng ám chỉ ai, cũng không biết gì về nhân vật Bàng Đức.

Tại sao Gia Cát Lượng trước khi chết hô to tên của một người bí ẩn và ngậm bảy hạt gạo sau khi chết?

Lai lịch của Bàng Đức Công

Trên thực tế, Bàng Đức là một nhân vật rất bí ẩn trong thời Tam Quốc, có phần giống với danh sĩ Tư Mã Huy. Căn cứ sử sách ghi lại, Bàng Đức Công là người Kinh Châu, ngày sinh năm mất cũng không ghi chép. Chính vì thế nhiều người không biết về ông.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó Tư Mã Huy đã gọi ông Bàng Đức là "Bàng Công", điều này cho thấy ông Bàng Đức lớn hơn Tư Mã Huy không chỉ một hai tuổi.

Về mối quan hệ giữa Bàng Đức Công và Gia Cát Lượng. Trên thực tế, con trai của Bàng Đức là chồng của chị gái Gia Cát Lượng, vì vậy có thể gọi họ là "mối quan hệ gia đình".

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Gia Cát Lượng và ông Bàng Đức không chỉ có vậy, hai người có mối quan hệ thân thiết, vừa là thầy vừa là bạn. Ai cũng biết Gia Cát Lượng tài giỏi. Trên thực tế, những kỹ năng và chiến lược quân sự của Gia Cát Lượng đều bắt nguồn từ sự chỉ bảo của Bàng Đức.

Theo "Tam quốc chí", mỗi lần Gia Cát Lượng xin ý kiến ​​của Bàng Đức, ông đều quỳ trước giường.Từ điều đó có thể thấy, Gia Cát Lượng rất kính trọng Bàng Đức Công, đồng thời Bàng Đức quân cũng rất coi trọng Gia Cát Lượng, thậm chí còn gọi ông là "Ngọa Long". Có thể nói, trong lòng Gia Cát Lượng, Bàng Đức Công là một ẩn sĩ khó lường.

"Đèn thất tinh đăng" mà Gia Cát Lượng sử dụng trước khi qua đời là do Lưu bị chỉ cho ông, phương pháp kéo dài tuổi thọ này được tạo ra bởi Bàng Đức. Lúc xưa, lưu Bị coi trọng tài năng của Bàng Đức nên đã yêu cầu ông ra khỏi núi để giúp đỡ mình, vị hoàng đế này thậm chí đốt cháy túp lều tranh của Bàng Đức để ép buộc ông.

Sau khi ngọn lửa được dập tắt, ngôi nhà tranh cũng bị thiêu rụi. Mọi người thấy ông Bàng Đức nằm trên giường đá, bất động. Ai cũng nghĩ rằng ông đã bị ngọn lửa thiêu chết. Khi Gia Cát Lượng tiến lên kiểm tra, Bàng Đức đột nhiên ngồi dậy khiến ông vô cùng sửng sốt, còn tưởng rằng đó là một xác chết giả.

Sau đó, ông Bàng nhổ ra bảy hạt gạo từ miệng, cười vui vẻ và rời đi. Bàng Đức sử dụng kỹ thuật kéo dài tuổi thọ và đã thành công. Vì vậy, khi Gia Cát Lượng lâm trọng bệnh, ông cũng nghĩ đến phương pháp kéo dài tuổi thọ này và muốn thử.

Nhưng Gia Cát Lượng không may mắn như vậy, cuối cùng vẫn thất bại. Có người cho rằng Gia Cát Lượng thất bại là do hạt gạo rơi khỏi miệng, có người lại cho rằng do Ngụy Diên đạp đổ đèn chính. Cho dù lý do là gì, điều đó có nghĩa là thuật kéo dài tuổi thọ của Gia Cát Lượng đã thất bại.

Trong lúc tuyệt vọng, trong lòng Gia Cát Lượng lại nghĩ đến Bàng Đức, có lẽ lúc này chỉ có ông Bàng mới có khả năng khiến người chết sống lại. Như vậy, Gia Cát Lượng đã qua đời trong sự tiếc nuối và không cam lòng.

Tại sao Gia Cát Lượng trước khi chết hô to tên của một người bí ẩn và ngậm bảy hạt gạo sau khi chết?
Tranh vẽ Bàng Đức

Bí ẩn đằng sau việc Gia Cát Lượng ngậm bảy hạt gạo trong miệng sau khi chết

Gia Cát Lượng sở dĩ bảo Dương Nghi lấy bảy hạt gạo bỏ vào miệng ông, là bởi vì Gia Cát tiên sinh am hiểu pháp thuật Lục Đinh, Lục Giáp. Ông sử dụng pháp thuật này để âm hồn của mình tái hiện, có thể trấn trụ thân thể, khiến thiên tượng cho rằng ông còn chưa chết, như vậy thì Tướng tinh trên trời tạm thời vẫn chưa rơi. Trong sách Khổng Minh đã giải thích: “như thế, ngôi tướng tinh không rơi xuống, âm hồn ta tự khắc cũng nhấc lên được".

Mặt khác, Gia Cát Lượng biết rõ Tư Mã Ý đa nghi, sẽ không đánh một trận khi còn chưa chắc chắn. Tư Mã Ý tuy biết Gia Cát Lượng không còn sống lâu nữa, nhưng chỉ cần ông vẫn đang còn sống thì sẽ không dám hành động thiếu suy nghĩ, như vậy quân Thục sẽ có đủ thời gian để rút lui.

Thực tế, nghi thức này đã có từ lâu đời. Tập tục để một số đồ vật trong miệng người đã khuất rồi an táng, thời cổ đại gọi là “ngậm”, “ngậm ngọc”, “ngậm cơm”… Những thứ mà người chết thường ngậm là ngọc, gạo, ngũ cốc. Nếu ngậm các loại lương thực nói chung thì đều được gọi là “ngậm gạo”, nếu ngậm châu báu ngọc ngà thì đều gọi là “ngậm ngọc”.

Gia Cát Lượng không phải là chư hầu, chức vị Thừa Tướng của ông được xem như một cấp của đại phu, cho nên ngậm gạo là phù hợp với thân phận ấy. Ngậm gạo ở đây không liên quan gì đến hiếu tử, mà có lẽ giống như Trần Cái nói, điều này biểu thị ông dù đã chết nhưng vẫn có đầy đủ quyền năng giống như khi còn sống.

Nhưng tại sao nhất định phải là bảy hạt gạo? Bởi vì trong tập tục mai táng của người phương Đông, số “bảy” là con số thần bí, hàm chứa một ý nghĩa văn hóa sâu xa. Ví dụ Rằm tháng Bảy Âm lịch là Tết Trung Nguyên, cũng gọi là “tiết quỷ”, là ngày mà bách quỷ dạo đêm. Vào ngày này, người xưa có tập tục đốt nến cúng nhan ở hai bên đường.

Ngoài ra, những người đã khuất sau bảy ngày qua đời cần phải làm “Thất Đầu”, bởi vì tương truyền sau khi chết bảy ngày thì linh hồn sẽ trở về nhà, do đó người nhà cần phải chuẩn bị cơm canh nghênh đón. Sau đó cách 7 ngày lại làm pháp sự, qua bảy bảy bốn mươi chín ngày mới có thể siêu độ vong linh cho người đã khuất. Vì vậy "ngậm bảy hạt gạo" cũng chính là mượn dùng thâm ý của con số “bảy” thần bí trong văn hóa Đông phương, cũng là một ngụ ý cao thâm khôn lường của Gia Cát Lượng.

Gia Cát Lượng cả đời vì nước, "cúc cung tận tụy đến chết mới thôi". Đến lúc cận kề cái chết, ông vẫn canh cánh nỗi lo nghĩ làm thế nào để trợ giúp đất nước của mình. Tấm lòng cao thượng này đáng để hậu nhân kính nể.

Kỳ bí lăng mộ Lưu Bị: Do Gia Cát Lượng tự thiết kế, hơn 1700 năm không ai tìm thấy lối vào

Ly kỳ những ngôi mộ bí ẩn nhất lịch sử Trung Hoa: Người được thờ bằng mộ giả, nơi chứa đựng 800 tấn châu báu

Lời tiên tri ứng nghiệm của Gia Cát Lượng về cuộc đời của Võ Tắc Thiên khiến hậu thế ngỡ ngàng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tai-sao-gia-cat-luong-truoc-khi-chet-ho-to-ten-cua-mot-nguoi-bi-an-va-ngam-bay-hat-gao-sau-khi-chet-196599.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Tại sao Gia Cát Lượng trước khi chết hô to tên của một người bí ẩn và ngậm bảy hạt gạo sau khi chết?
POWERED BY ONECMS & INTECH