Tại sao không nên phủ sóng mạng 5G ồ ạt?
Mạng 5G là mạng di động thế hệ thứ 5 với nhiều ứng dụng đột phá.
Với hiệu suất cao và hiệu quả được cải thiện, 5G mang lại cho người dùng những trải nghiệm mới. Mạng 5G được coi như cuộc cách mạng viễn thông của thế giới với độ trễ cực thấp, độ tin cậy cao hơn, dung lượng mạng lớn, tính khả dụng cao,...
Nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam triển khai thành công mạng 5G độc lập (SA) là Viettel. Hướng tới mục tiêu cung cấp mạng 5G hiện đại nhất cho khách hàng, Viettel nỗ lực phối hợp chặt chẽ với các hãng smartphone phổ biến trên thị trường Việt Nam để cung cấp firmware thương mại cho thiết bị điện thoại thông minh hỗ trợ 5G SA.
Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2025, kinh tế số sẽ đóng tương ứng 20% GDP và 30% vào năm 2030. Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình chuyển đổi tạo tiền đề cho phát triển kinh tế số là phát triển hạ tầng mạng 5G, việc thương mại hóa mạng 5G sớm được tiến hành.
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) - Nguồn: Internet |
Tại hội thảo “Chuyển đổi số 2024 - Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam”, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), ông Trần Minh Tuấn cho biết mạng 4G cung cấp các dịch vụ như truy cập Internet, thương mại điện tử cho các đối tượng là người dân, hộ gia đình.
Trong khi đó, mạng 5G với các đặc tính như giúp các thiết bị tự động sản xuất chính xác, thông minh,... chủ yếu hướng tới khách hàng là các nhóm doanh nghiệp, nhà máy sản xuất thông minh,...
Theo ông Tuấn, đối với các dịch vụ của người dân, hộ gia đình, mạng 4G vẫn đáp ứng tốt. Bên cạnh đó, nhu cầu mạng 5G chưa phải gấp. Hơn nữa, để phủ sóng, các doanh nghiệp viễn thông phải chi hàng tỷ USD để đầu tư. Vì vậy, việc phủ sóng mạng 5G cần phải có lộ trình.
Bên cạnh đó, ông Tuấn chia sẻ về vấn đề nên phủ sóng mạng 5G trên toàn quốc hay chỉ tại một số vùng có yêu cầu. Ông đưa ví dụ về các quốc gia như Na Uy, Phần Lan,...đã thực hiện phủ sóng tại những vùng có nhu cầu sau đó lan rộng ra các khu vực khác.
Cùng với đó, để đạt hiệu quả cao nhất trong việc triển khai mạng 5G, nguồn lực, nhu cầu của người dân và doanh nghiệp là những yếu tố cần phải được cân nhắc. Ông Tuấn nhấn mạnh: “Không nên chạy theo phong trào phủ mạng 5G toàn quốc trong thời gian ngắn khi nguồn lực có hạn”.
Chia sẻ về việc triển khai mạng 5G, ông Nguyễn Đình Tuấn, Thành viên, Hội đồng thành viên, Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho biết 5G có những đặc điểm vượt trội nhưng phát triển 5G cũng mang lại không ít thách thức.
Ông Nguyễn Đình Tuấn lấy ví dụ về thách thức khi triển khai và khai thác 5G. Với 2G, để phủ 100% diện tích Việt Nam chỉ cần 20.000 trạm; 3G cần 30.000 – 35.000 trạm; 4G cần khoảng 40.000 – 60.000 trạm; nhưng riêng 5G để phủ sóng 100% diện tích Việt Nam cần đến vài trăm nghìn trạm, thậm chí hàng triệu trạm.
5G với những đặc tính vượt trội mang lại nhiều lợi ích tối đa cho các doanh nghiệp và nền kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng, nghiên cứu sâu về nhu cầu, nguồn nhân lực và chiến lược hợp lý để mạng 5G phát huy tối đa những lợi ích vốn có.
>>Việt Nam cắt sóng 2G, người dùng điện thoại tiền tỷ Vertu gặp nhiều rắc rối
Một sự kiện lớn về bán dẫn và AI sắp được tổ chức tại Việt Nam, quy tụ nhiều ông lớn công nghệ
Bệ đỡ của Việt Nam trong cuộc đua thu hút vốn đầu tư FDI thế hệ mới