Tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường vàng, ngoại tệ căn cơ, bài bản
Chiều 5/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và lãnh đạo một số bộ, ngành về điều hành chính sách tiền tệ.
Theo báo cáo tại cuộc họp, trong 7 tháng năm 2024, NHNN đã chủ động theo sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước để triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống tổ chức tín dụng.
Đến ngày 31/7, tỷ giá trung tâm ở mức 24.255 đồng/USD, tăng 1,63% so với cuối năm 2023, mức trung bình thấp và ổn định so với các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới.
Lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm, đến cuối tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023; lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so cuối năm 2023.
Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống phục hồi từ cuối tháng 3 và tăng dần qua các tháng, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2023, đến hết quý II/2024 đạt 6% theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cuối tháng 7/2024, dư nợ tín dụng gần 14,33 triệu tỷ đồng, tăng 14,99% so với cùng kỳ 2023 và tăng 5,66% so cuối năm 2023.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận,Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nhất quán thực hiện theo Kết luận 64 của Trung ương về kinh tế - xã hội năm 2023-2024; điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách khác.
Cụ thể, điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, tập trung cho các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới. Điều hành tỷ giá linh hoạt bằng các công cụ khác nhau. Tiếp tục chỉ đạo, vận động các ngân hàng tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay với các động lực tăng trưởng, các dự án hạ tầng; trong đó, các ngân hàng thương mại nhà nước tiên phong thực hiện "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Đồng thời, điều hành nghiệp vụ thị trường mở phù hợp diễn biến thị trường. Điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý, cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá. Điều hành tín dụng phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; thu hồi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ tổ chức tín dụng không sử dụng hết và bổ sung cho các tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng. Tiếp tục theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai các chương trình ưu đãi. Đẩy mạnh chuyển đổi số ngân hàng, giảm chi phí, chống tiêu cực, làm lợi cho người dân.
Cùng với đó, tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường vàng, ngoại tệ một cách căn cơ, bài bản. Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, triển khai quyết liệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025"; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; triển khai cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Làm tốt hơn công tác thông tin, truyền thông, chú trọng truyền thông rõ ràng, minh bạch về các sản phẩm của các tổ chức tín dụng, nâng cao hiểu biết của người dân. Đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, tăng cường công khai, minh bạch.
Thủ tướng hoan nghênh NHNN đề xuất tăng gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lên 140 nghìn tỷ đồng với thời hạn cho vay tăng lên và lãi suất giảm đi; yêu cầu phải nghiên cứu điều kiện tiếp cận phù hợp, tìm cách làm bằng được gói tín dụng này vì đây là chính sách nhân văn, giúp những người khó khăn có chỗ ở.
Với các chính sách khác, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì thực hiện chính sách tài khóa theo hướng đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi, giảm phí, lệ phí, thuế VAT; đẩy mạnh đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội; phát hành trái phiếu Chính phủ với lãi suất giảm cho các công trình, dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia…; đẩy mạnh phát triển, quyết tâm nâng cấp thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi; thúc đẩy thu thuế điện tử.
Về thương mại, đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao đẩy mạnh xuất khẩu, phấn đấu đạt kỷ lục xuất nhập khẩu khoảng 750-800 tỷ USD và xuất siêu trên 20 tỷ USD. Mở rộng thanh toán bằng đồng nội tệ với các nước. Thúc đẩy, kích thích tiêu dùng trong nước, phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, đẩy mạnh thương mại biên giới, khai thác hiệu quả các FTA đã ký và đàm phán, mở rộng các FTA mới. Thúc đẩy kinh tế đối ngoại, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, nhất là thực phẩm Halal. Đẩy mạnh đầu tư (gồm đầu tư nhà nước, tư nhân, vốn ưu đãi ODA và đặc biệt là thu hút, giải ngân FDI). Triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các luật mới như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh tinh thần của cuộc họp là giữ gìn, phát huy và thúc đẩy hiệu quả những việc đã làm được trong điều hành chính sách tiền tệ và các chính sách khác, tin tưởng ngành ngân hàng và các bộ, ngành đã làm tốt rồi phải làm tốt hơn nữa trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước nhanh, bền vững.
>> Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương phân bổ 26.500 tỷ đồng vốn đầu tư công
Luật Đất đai gỡ khó cho những dự án giao thông
Một cổ phiếu được dự báo tăng hàng chục % trước kỳ vọng hưởng lợi từ Luật Đất đai mới