Tập Cận Bình nhấn mạnh lộ trình 'hiện đại hóa kiểu Trung Quốc'
Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết đổi mới và hoạch định chiến lược phải đi đầu trong quá trình hiện đại hóa Trung Quốc, khi ông đặt ra các ưu tiên trong kế hoạch biến đất nước thành một siêu cường.
Phát biểu trước các quan chức cấp cao, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định cần phải "phối hợp phát triển và an ninh” trong công cuộc hiện đại hóa đất nước.
Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc là một công cuộc khám phá với nhiều lĩnh vực mà đất nước cần phải mạnh dạn khám phá thông qua cải cách và đổi mới. "Chúng ta không nên cứng nhắc bám vào một ý tưởng hay cách tiếp cận mà không xem xét thực tế của tình hình”, ông Tập nói.
Nhà lãnh đạo 70 tuổi cũng kêu gọi đổi mới phải có “vị trí nổi bật trong sự phát triển tổng thể của đất nước” và cho biết: “Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc được thúc đẩy ở các giai đoạn và lĩnh vực khác nhau. Để đạt được mục tiêu phát triển ở từng giai đoạn và thực hiện chiến lược phát triển trên nhiều lĩnh vực khác nhau cũng đòi hỏi phải có kế hoạch cấp cao nhất".
Bài phát biểu của ông Tập được đưa ra vào thời điểm Trung Quốc đang đứng ở ngã ba đường khi tìm cách vực dậy nền kinh tế suy yếu, đồng thời giải quyết các thách thức địa chính trị phức tạp.
Bài phát biểu dù được ông Tập công bố hồi tháng 2, nhưng mới chỉ được xuất bản một phần trên truyền thông, ngay trước thề hội nghị toàn thể lần thứ ba của Đại hội đảng lần thứ 20, nơi giới lãnh đạo Trung Quốc dự kiến sẽ gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ về cải cách kinh tế và kế hoạch trở nên tự chủ về công nghệ.
Trong bài phát biểu, ông Tập yêu cầu các cán bộ tăng cường “năng lực tư duy chiến lược”, phát triển các chiến lược thực tế và hiệu quả để kết nối đất nước với thế giới, đồng thời khám phá “các đấu trường mới” và “các hướng đi mới”.
Ông cũng yêu cầu cán bộ phải cởi mở với sự thay đổi, không thụ động khi thực thi chính sách.
Ông cho biết việc duy trì an ninh kinh tế thông qua nguồn cung cấp lương thực và năng lượng ổn định, cũng như bảo vệ chuỗi công nghiệp và cung ứng, là chìa khóa để “giữ vững vận mệnh phát triển và tiến bộ của đất nước trong tay chúng ta”.
Xie Maosong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia thuộc Đại học Thanh Hoa, cho biết các quan chức cấp cao đang được kiểm tra xem liệu họ có được trang bị “tư duy chiến lược và chuyển đổi” để vượt qua những thách thức mà đất nước phải đối mặt trong và ngoài nước hay không.
“Trên bình diện quốc tế, có sự tách rời và mất kết nối do Mỹ khởi xướng, cũng như những nỗ lực ngăn chặn sâu rộng chống lại Trung Quốc. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đang có nỗ lực bao vây Trung Quốc và biến châu Á thành một nơi giống như NATO bên cạnh nỗ lực tiến hành cuộc chiến công nghệ chống lại Trung Quốc”, chuyên gia Xie nói.