Theo tài liệu đại hội năm 2022, FIT đặt kế hoạch doanh thu 1.367 tỷ đồng, tăng 12% so với kết quả năm 2021; lợi nhuận sau thuế 488 tỷ đồng, tăng 111%.
Lên kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022
Sáng ngày 13/06/2022, CTCP Tập đoàn F.I.T (FIT) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022. Tuy nhiên, do số cổ đông tham dự họp đại diện cho dưới 50% tổng số phiếu biểu quyết của Công ty nên không đủ điều kiện tiến hành Đại hội theo quy định, ĐHĐCĐ thường niên của FIT tổ chức bất thành lần 1.
Năm 2022, FIT đặt kế hoạch doanh thu 1.367 tỷ đồng, tăng 12% so với kết quả năm 2021; lợi nhuận sau thuế 488 tỷ đồng, tăng 111%. FIT dự kiến không chia cổ tức của năm 2021 vì Công ty đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Đối với định hướng hoạt động kinh doanh năm 2022 và các năm tiếp theo, FIT đặt mục tiêu xây dựng các công ty con thành các công ty hàng đầu trong ngành hàng: Dược, tiêu dùng (nước), chế biến thực phẩm, hóa mỹ phẩm, bất động sản nghỉ dưỡng.
Cụ thể, ngành chế biến thực phẩm, FIT định hướng tập trung phát triển CTCP Chế biến Thực phẩm Xuất khẩu Miền Tây - Westfood thành công ty chế biến thực phẩm uy tín tại Việt Nam, nằm trong Top 10 công ty hàng đầu Việt Nam về chế biến hoa quả xuất khẩu và chủ động vùng nguyên liệu, dẫn đầu là dứa MD2. Nắm chắc và mở rộng thị phần tại các thị trường cao cấp, có thu nhập cao như Nhật, Hàn, châu Âu, Mỹ; Úc; các nước châu Á phát triển; đặc biệt thị trường châu Âu.
Với ngành dược phẩm, đẩy mạnh và hoàn thiện mô hình bán hàng để tăng độ phủ các sản phẩm của CTCP Dược phẩm Cửu Long (HOSE: DCL) đến tất cả địa phương trong nước và hướng đến xuất khẩu một số mặt hàng. Ngoài ra, FIT còn dự định khởi công xây dựng nhà máy vật tư y tế Benovas. Đưa vào thương mại hóa thuốc điều trị ung thư.
Về lĩnh vực ngành hàng FMCG, Công ty đã định hướng cắt bỏ các dòng sản phẩm mang lại biên lợi nhuận thấp, tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Công ty cổ phần Nước khoáng Khánh Hòa (UPCoM: VKD) đang phát triển thương hiệu Vikoda. Mục tiêu đưa Công ty cổ phần FIT Consumer lên trở thành một trong những doanh nghiệp lớn mạnh trong ngành hàng FMCG.
Ở lĩnh vực bất động sản, Công ty dự định khởi công giai đoạn 1 với mức đầu tư 60 triệu USD dự án khu du lịch sinh thái Mũi Dinh Padaran là khu Bãi Tràng, bao gồm biệt thự biển và biệt thự trên núi nhìn biển; khách sạn 5 sao 500 phòng phục vụ mục đích bán và cho thuê vận hành. Dự án này có tổng vốn đầu tư là 1,2 tỷ USD trên quy mô 800 ha ở Ninh Thuận.
Bên cạnh đó, FIT dự kiến trình đại hội phương án phát hành 15 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP bằng phương thức phát hành trực tiếp cho người lao động, CBNV của Công ty với mức giá phát hành 10.000 đồng/cp. Số tiền thu được từ việc phát hành sẽ được sử dụng để tăng vốn điều lệ phục vụ nhu cầu hoạt động kinh doanh và bổ sung vốn lưu động.
Thêm nữa, FIT cũng trình đại hội thông qua việc chào bán ra công chúng 150 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ cho đối tượng là các cổ đông hiện hữu với mức giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu.
Lợi nhuận tăng trưởng tốt năm 2021
Quý IV/2021, doanh thu thuần của Tập đoàn FIT đạt 327 tỷ đồng giảm nhẹ 2,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn so với tốc độ giảm doanh thu nên lãi gộp vẫn hơn 91 tỷ đồng, tăng 20,5% so với quý IV năm 2020. Kết quả, FIT lãi sau thuế 37,6 tỷ đồng, tăng 64,3% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2021, FIT đạt doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ là 1.221 tỷ đồng, tăng gần 2,8% so với năm 2020. Giá vốn hàng bán năm 2021 giảm so với năm trước, theo đó lợi nhuận gộp đạt tăng trưởng 15%, ghi nhận giá trị tuyệt đối cụ thể là 306 tỷ đồng.
Năm 2021, FIT có khoản doanh thu hoạt động tài chính khá lớn với 430 tỷ đồng, trong khi năm 2020 chỉ có hơn 134 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính. Khoản thu nhập này cũng góp phần làm gia tăng lợi nhuận cho FIT trong năm 2021, đạt lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là 231 tỷ đồng, tăng trưởng 178% so với năm ngoái.
Về diễn biến giá cổ phiếu, kết quả lợi nhuận tăng trưởng của FIT trong quý IV và cả năm 2021 cũng không tạo cảm hứng đáng kể với các nhà đầu tư trên thị trường. Cổ phiếu FIT trên thị trường vẫn chỉ loanh quanh xu hướng đi ngang trong giai đoạn từ cuối tháng 1/2022 đến nay. Trước đó, cổ phiếu này có một đợt sóng nhẹ vào cuối năm 2021, khi tăng từ mốc hơn 14.000 đồng/cổ phiếu lên đạt đỉnh 16.700 đồng/cổ phiếu và sau đó đổ dốc trở lại mặt bằng trước đó, hiện quanh mốc trên 14.000 đồng/cổ phiếu.
“Điểm gợn” từ các khoản phải thu khó đòi
Sự tăng trưởng lợi nhuận của FIT trong năm 2021 đương nhiên là một thông tin tích cực cho doanh nghiệp, nhưng lý do doanh nghiệp có được lợi nhuận cũng có phần không ổn định.
Cụ thể, một trong những lý do chính khiến cho FIT có được lợi nhuận tăng trưởng cao trong năm 2021 là sự tăng trưởng mạnh từ thu nhập tài chính. Doanh thu tài chính của FIT trong năm 2021 có được từ một số nguồn chính như lãi trái phiếu, lãi từ đầu tư chứng khoán kinh doanh, lãi tiền cho vay…
Riêng khoản đầu tư trái phiếu đến từ việc FIT mua trái phiếu chuyển đổi Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Hoa Sen Việt Nam, kỳ hạn 5 năm kể từ 22/6/2016. Lãi suất cho lựa chọn chuyển đổi sang cổ phiếu là 0% và cho lựa chọn không chuyển đổi là 5%/năm. Đến ngày đáo hạn (tháng 6/2021), FIT lựa chọn không chuyển đổi, theo đó lãi đầu tư trái phiếu được ghi nhận 1 lần trong năm 2021. Việc ghi nhận thu nhập tài chính 1 lần vào năm 2021 khiến cho doanh thu từ hoạt động tài chính từ khoản đầu tư này tăng vọt trong năm 2021.
Ngoài ra, các khoản phải thu khó đòi cũng để lại những “điểm gợn” đối với FIT trong bức tranh tài chính chung của doanh nghiệp này.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 của FIT, công ty có 636 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn. Tuy nhiên, số tiền phải trích lập dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi cũng đã lên tới 91 tỷ đồng, tính theo tỷ lệ số phải trích lập dự phòng so với số giá trị các khoản phải thu lên tới 14,3%.
Một số khoản phải thu có thể mất toàn bộ vốn là các khoản phải thu đối với một số đối tác như Công ty TNHH Dược phẩm Thiên Siwn, Công ty TNHH Dược phẩm Hải Tâm, Doanh nghiệp tư nhân Trung Đông, Công ty Maxwill (Asea) Pte Ltd, Công ty cổ phần Sản xuất Dịch vụ Thương mại Hoàng Gia Việt.
FIT cũng có một số khoản trả trước cho người bán nhưng cũng có khả năng mất hết vốn tại các đối tác như Công ty TNHH MTV Nông sản Tân Thái Phong, Công ty TNHH Hoàng Loan. Ngoài ra, một số khoản khác liên quan đến một số cá nhân cũng có nguy cơ mất toàn bộ vốn.
FIT là doanh nghiệp hoạt động đầu tư tài chính, trong đó, ngành nghề của các công ty con mà doanh nghiệp này đầu tư nằm ở nhiều lĩnh vực khác nhau như dược phẩm, hàng tiêu dùng, bất động sản… Tuy nhiên, so sánh số liệu tài chính của một số doanh nghiệp trong các ngành nghề mà FIT có công ty con hoạt động thì FIT tỏ ra có tỷ lệ nợ phải thu khó đòi khá cao.
Với một doanh nghiệp dược, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (mã cổ phiếu DHG) cũng có tỷ lệ dự phòng phải thu ngắn hạn/các khoản phải thu ngắn hạn khá cao, lên tới 10,9%, nhưng cũng vẫn thấp hơn so với tỷ lệ này của FIT.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có hoạt động cùng ngành nghề với các công ty con mà FIT hoạt động đều có tỷ số tài chính này thấp hơn rất nhiều so với FIT. Cụ thể, tỷ lệ này của một doanh nghiệp hàng tiêu dùng là Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (mã cổ phiếu KDC) chỉ là 0,08%, trong khi của một doanh nghiệp bất động sản là Công ty cổ phần Nhà Bà Rịa Vũng Tàu (mã cổ phiếu DHC) cũng chỉ là 0,8%.