Tập đoàn Sơn Hải kiến nghị chủ đầu tư chỉ nên giữ lại khoản bảo lãnh trong 2 năm đầu, thay vì toàn bộ 10 năm
Theo Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải, nếu cơ chế này được thông qua, doanh nghiệp sẽ có thêm động lực để yên tâm đầu tư dài hạn, áp dụng công nghệ cao vào thi công, bảo dưỡng và duy trì chất lượng công trình, góp phần nâng cao tiêu chuẩn hạ tầng giao thông của đất nước.
Sáng nay, 10/2, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Sơn Hải, cho biết: “Trong những năm gần đây, hạ tầng giao thông tại Việt Nam đã phát triển vượt bậc, khắc phục đáng kể tình trạng chậm tiến độ và đội vốn. Việc đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa công trình vào vận hành đã giúp tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư”.
![Ảnh minh họa Ảnh minh họa](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/10/cdn1z.reatimes.vn-652356615132086272-2025-2-10-_son-hai-173916123765229869601.jpg)
Theo ông Hải, để đạt được những thành quả này, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng cùng các Bộ, ngành đã tạo ra một động lực mạnh mẽ, truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp, trong đó có Tập đoàn Sơn Hải, tích cực tham gia phát triển hạ tầng quốc gia.
Tập đoàn Sơn Hải hiện là một trong những đơn vị hàng đầu đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Trong những năm qua, Tập đoàn vừa đảm nhận vai trò nhà thầu, vừa tham gia trực tiếp vào công tác đầu tư các dự án lớn.
Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, doanh nghiệp vẫn gặp phải một số vướng mắc liên quan đến cơ chế bảo hành công trình. Theo quy định hiện hành, các công trình cấp 1 trở lên được yêu cầu bảo hành trong thời gian 24 tháng (tương đương 2 năm).
Tuy nhiên, Tập đoàn Sơn Hải đã chủ động đề xuất cam kết bảo hành kéo dài tới 10 năm.
Trước thực tế này, Tập đoàn kiến nghị Thủ tướng và các cơ quan liên quan xem xét điều chỉnh cơ chế bảo lãnh phù hợp.
Cụ thể, khi nhà thầu tự nguyện cam kết bảo hành dài hạn, chủ đầu tư chỉ nên giữ lại khoản bảo lãnh trong 2 năm đầu, thay vì toàn bộ 10 năm, nhằm tránh tình trạng đọng vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ông Hải nhấn mạnh, nếu cơ chế này được thông qua, doanh nghiệp sẽ có thêm động lực để yên tâm đầu tư dài hạn, áp dụng công nghệ cao vào thi công, bảo dưỡng và duy trì chất lượng công trình, góp phần nâng cao tiêu chuẩn hạ tầng giao thông của đất nước.