Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư cao tốc, đường vành đai, trung tâm tài chính tại TP. HCM
Với kinh nghiệm của mình, Tập đoàn T&T mong muốn đầu tư loạt dự án trên nhiều lĩnh vực như hạ tầng giao thông, công nghiệp và công nghệ cao, tài chính - ngân hàng, bất động sản, chợ đầu mối nông sản, năng lượng, logistics, xử lý chất thải rắn…
Theo Báo Sài Gòn Giải phóng, chiều 4/7, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Văn Được, Phó Chủ tịch thành phố Nguyễn Lộc Hà cùng đại diện các Sở, ngành đã có buổi làm việc với Tập đoàn T&T Group để trao đổi về các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố
Tại buổi làm việc, ông Đỗ Quang Hiển - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Tập đoàn T&T đã giới thiệu tóm tắt quá trình hình thành, phát triển cũng như những lĩnh vực hoạt động của tập đoàn.

Ông cho biết, Tập đoàn T&T hiện đầu tư kinh doanh trên nhiều lĩnh vực chủ chốt như tài chính - ngân hàng, năng lượng tái tạo và môi trường, công thương, xuất nhập khẩu, logistics công nghệ cao, cảng biển, cảng hàng không, hạ tầng giao thông, bất động sản (bao gồm cả bất động sản công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp) và thể thao.
Tổng giá trị các dự án mà tập đoàn đã và đang đầu tư, đưa vào vận hành lên tới hàng chục tỷ USD, cho thấy tiềm lực tài chính mạnh mẽ và chiến lược phát triển toàn diện của tập đoàn.
Riêng trong lĩnh vực năng lượng, ngoài các dự án năng lượng tái tạo có tổng công suất hơn 1.000MW đã vận hành, T&T còn hợp tác với Tập đoàn SK (Hàn Quốc) phát triển sản xuất hydrogen xanh, thu hồi khí thải carbon.
>> Tập đoàn T&T khởi công hai dự án nhà ở xã hội đầu tiên tại ĐBSCL, cung cấp hơn 350 căn hộ
Hiện tập đoàn cũng đang xúc tiến hợp tác với các đối tác đến từ Đan Mạch, Nhật Bản để xây dựng một tổ hợp công nghiệp năng lượng tái tạo, vừa phục vụ thị trường Việt Nam, vừa xuất khẩu sang các nước châu Á và thế giới.
Ông Hiển cũng báo cáo về những dự án hạ tầng giao thông và công nghiệp mà T&T tham gia như cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương (Lâm Đồng), hợp tác với Tập đoàn Ramky (Ấn Độ) phát triển khu công nghiệp dược công nghệ cao, đầu tư xây dựng sân bay Quảng Trị (dự kiến khánh thành vào tháng 5/2026)…
Với kinh nghiệm và thế mạnh đã tích lũy, Chủ tịch T&T bày tỏ mong muốn được tham gia đầu tư tại TP. HCM trên nhiều lĩnh vực, gồm hạ tầng đô thị (đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài, Vành đai 4), công nghiệp và công nghệ cao, Trung tâm tài chính TP. HCM, tài chính - ngân hàng, bất động sản, chợ đầu mối nông sản, năng lượng, logistics, xử lý chất thải rắn…
Đồng thời, Tập đoàn T&T đặt mục tiêu xây dựng hệ sinh thái đa ngành, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế TP. HCM và cả nước.
Tập đoàn cũng kỳ vọng trở thành nhà đầu tư tư nhân chủ lực trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng đường bộ cao tốc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Văn Được đề nghị T&T nghiên cứu sâu, cụ thể về các lĩnh vực mà thành phố đang quan tâm và cũng là thế mạnh của tập đoàn, như chợ đầu mối nông sản, năng lượng, logistics, xử lý chất thải rắn.
Ông yêu cầu nhà đầu tư phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan để cập nhật thông tin quy hoạch, sau đó đề xuất cụ thể các dự án nghiên cứu đầu tư.
Đồng thời, ông giao Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Lộc Hà làm đầu mối tiếp nhận, xử lý các đề xuất từ T&T.
Đồng Nai phê duyệt đầu tư xây dựng cầu Mã Đà hơn 192 tỷ đồng mở rộng kết nối liên vùng
Bộ Xây dựng chỉ đạo ‘nóng’ sau sự cố nứt nhà dân do thi công cao tốc Tập đoàn Sơn Hải đầu tư