Tập đoàn Trung Quốc 'bắt tay' Việt Nam tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đường sắt tốc độ cao quy mô gần 100 tỷ USD
Hai doanh nghiệp xây dựng hàng đầu của Việt Nam và Trung Quốc vừa ký kết hợp tác chiến lược toàn diện, nhằm phát triển loạt dự án lớn như đường sắt tốc độ cao, điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi, cảng biển và logistics.
CTCP FECON (HoSE: FCN) và Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (PowerChina) vừa ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác chiến lược toàn diện, đánh dấu cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai bên, hướng tới phát triển các dự án hạ tầng quy mô lớn tại Việt Nam và khu vực.
Theo nội dung ký kết, FECON và PowerChina sẽ phối hợp phát triển loạt lĩnh vực trọng điểm như các tuyến đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao; phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD; các dự án lấn biển, cảng biển & logistic; các dự án hạ tầng năng lượng như điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi, điện tích năng quy mô lớn tại thị trường Việt Nam và các nước trong khu vực.
Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT FECON khẳng định việc ký kết hợp tác chiến lược không chỉ ghi dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương mà còn góp phần hiện thực hóa các dự án trọng điểm quốc gia, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. FECON cam kết tận dụng thế mạnh về kỹ thuật, nhân lực và am hiểu thị trường địa phương để phối hợp hiệu quả cùng PowerChina.
Phía PowerChina bày tỏ tin tưởng vào năng lực của FECON - đơn vị nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nền móng, công trình ngầm và hạ tầng. Việc hợp tác lần này được kỳ vọng sẽ tạo đà để PowerChina mở rộng hiện diện tại Việt Nam, tham gia sâu hơn vào các dự án trọng điểm với công nghệ tiên tiến và nguồn lực toàn cầu. Thỏa thuận này không chỉ củng cố vị thế và năng lực cạnh tranh của cả hai doanh nghiệp, mà còn là bước đi đồng hành cùng chiến lược quốc gia về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đặc biệt trong lĩnh vực đường sắt, cảng biển, logistics và năng lượng sạch.
![]() |
FECON ký hợp tác với Tập đoàn PowerChina, hướng tới phát triển các dự án hạ tầng quy mô lớn tại Việt Nam và khu vực (Ảnh: FCN) |
Tập đoàn PowerChina là một trong những Tập đoàn xây dựng hàng đầu Trung Quốc, hoạt động đa ngành từ quy hoạch, thiết kế, xây dựng, vận hành đến đầu tư trong các lĩnh vực thủy điện, nhiệt điện, điện khí, năng lượng tái tạo, giao thông và hạ tầng đô thị. PowerChina đã triển khai hơn 2.000km đường sắt tốc độ cao và gần 1.000km đường sắt đô thị tại Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới. Tập đoàn cũng tham gia vào hàng loạt dự án hạ tầng lớn như cảng thủy, sân bay, khu công nghiệp và xử lý rác thải.
Năm 2024, PowerChina xếp hạng 105 trong danh sách Fortune Global 500 và đứng thứ 32 trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc, hiện diện tại hơn 130 quốc gia, với doanh thu khoảng 100 tỷ USD. Riêng mảng đường sắt do công ty con phụ trách đã mang về khoảng 5 tỷ USD mỗi năm.
FECON là doanh nghiệp Việt Nam dẫn đầu trong lĩnh vực thi công nền móng, công trình ngầm và hạ tầng. Doanh nghiệp là nhà thầu trong nước đầu tiên trực tiếp vận hành máy khoan hầm TBM tại tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội và Bến Thành - Suối Tiên (TP. HCM). Công ty còn góp mặt tại nhiều công trình trọng điểm như Lọc dầu Nghi Sơn, Tổ hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, loạt dự án điện gió, điện mặt trời tại Quảng Bình, Sóc Trăng, Bình Thuận, Trà Vinh; cùng các dự án cảng biển lớn như Lạch Huyện (Hải Phòng), Mỹ Thủy (Quảng Trị), Baria Serece (Bà Rịa – Vũng Tàu).
![]() |
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến khởi công trong tháng 12/2026 |
Hiện Chính phủ Việt Nam đang tập trung thực hiện chiến lược đột phá trong việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế. Các trọng tâm bao gồm hạ tầng giao thông, đô thị hiện đại và năng lượng hướng tới mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2050.
Đặc biệt, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện và dự kiến khởi công vào tháng 12/2026. Tuyến cao tốc dài khoảng 1.541km, với tổng vốn đầu tư hơn 67 tỷ USD, sẽ kết nối ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua 20 tỉnh, thành phố. Tuyến đường được thiết kế với tiêu chuẩn đường đôi khổ 1.435mm, vận tốc tối đa 350km/h và tải trọng 22,5 tấn/trục.
Ngoài ra, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận cũng là dự án trọng điểm trong thời gian tới với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 20-30 tỷ USD. Hiện, địa phương cùng các chủ đầu tư và các Bộ, ngành liên quan đang tích cực rà soát và xây dựng chính sách đặc thù, đề xuất các bổ sung cần thiết, nhằm đảm bảo triển khai dự án một cách nhanh chóng và hiệu quả.
>> Hòa Phát, THACO, Đèo Cả, Fecon... sẵn sàng chia nhau 'miếng bánh' 100 tỷ USD
Rút khỏi cuộc chơi thép giá rẻ, Hòa Phát (HPG) bắt tay sản xuất ray đường sắt tốc độ cao
Việt Nam tái khởi động dự án điện hạt nhân, 3 ông lớn năng lượng 'bắt tay' chuẩn bị đề án