Thái Lan mời Mỹ đầu tư vào "siêu cầu cạn" gần 30 tỉ USD dài 100km, tham vọng thay thế eo biển Malacca

15-11-2023 07:44|Hoàng Yến

Dự án cầu cạn Landbridge của Thái Lan sẽ gồm 2 cảng nước sâu và hệ thống đường cao tốc, đường sắt dài 100km nối 2 cảng này.

Thái Lan mời Mỹ đầu tư vào

Tờ Bloomberg đưa tin, Thái Lan đang gọi vốn cho dự án trị giá nhiều tỷ USD với dự định cung cấp 1 lựa chọn thay thế eo biển Malacca – một trong những tuyến vận tải biển nhộn nhịp nhất thế giới.

Hôm qua, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã chia sẻ với các nhà đầu tư ở San Francisco nhiều thông tin về dự án mang tên Landbridge. Theo đó, dự án sẽ giúp cắt giảm đáng kể thời gian đi lại giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trung bình khoảng 4 ngày và giảm 15% chi phí vận chuyển.

Dự án Landbridge dự tính sẽ tiêu tốn khoảng 1 nghìn tỷ baht (tương đương 28 tỷ USD), gồm các cảng biển được xây dựng ở cả hai phía của bán đảo phía Nam Thái Lan. 2 cảng nước sâu sẽ được kết nối với nhau bằng mạng lưới đường cao tốc và đường sắt dài 100km.

Nằm giữa Malaysia và Singapore, eo biển Malacca hiện là con đường biển ngắn nhất kết nối khu vực châu Á Thái Bình Dương với Ấn Độ và Trung Đông. Khoảng 1/4 khối lượng hàng hóa của toàn thế giới đi qua đây. Thủ tướng Srettha khẳng định eo biển Malacca sẽ ngày càng trở nên nhộn nhịp hơn, kéo theo chi phí vận tri tăng lên. Ông cũng nhấn mạnh hiện trung bình có hơn 60 vụ tai nạn hàng hải xảy ra ở đây mỗi năm.

“Siêu dự án Landbridge chắc chắn sẽ là tuyến vận tải rẻ hơn, nhanh hơn và an toàn hơn”, ông nói.

Cảng ở phía Tây sẽ có công suất xử lý hàng hóa đạt 19,4 triệu TEU, trong khi cảng phía Đông được thiết kế với công suất tối đa 13,8 triệu TEU. Tổng cộng 2 cảng này sẽ tương đương khoảng 23% tổng lượng hàng hóa đang đi qua Malacca.

Những tuần gần đây Thủ tướng Thái Lan cũng đã gặp mặt các nhà đầu tư ở Trung Quốc và Saudi Arabia để kêu gọi vốn cho dự án mà ông khẳng định sẽ tạo ra 280.000 việc làm và giúp kinh tế Thái Lan đạt mức tăng trưởng GDP 5,5% mỗi năm.

Năm ngoái, nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á tăng trưởng 2,6% và dự kiến sẽ tăng trưởng 2,5 – 3% trong năm nay.

Thái Lan đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành siêu dự án. Các nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu hơn 50% cổ phần trong các công ty liên doanh với doanh nghiệp nội địa để xây dựng các cảng và cơ sở hạ tầng liên quan. Các cảng nước sâu ở Ranong (nhìn ra biển Andaman) và ở Chumphon (nhìn ra vịnh Thái Lan) có thể tiêu tốn 630 tỷ baht.

Các quan chức Thái Lan sẽ tổ chức 1 buổi thuyết trình với các nhà đầu tư tiềm năng bên lề hội nghị cấp cao APEC diễn ra trong tuần này. Hiện có một số công ty Mỹ quan tâm đến dự án như SSA Marine, Port of Long Beach, Oracle và Webtec.

Trước đây, trong suốt 4 thập kỷ Thái Lan đã ấp ủ dự định xây dựng 1 kênh đào cắt đôi đất nước theo đúng nghĩa đen. Dự án kênh đào Kra còn được Trung Quốc ra sức vận động với dự định coi đây là 1 phần của sáng kiến Vành đai con đường trị giá 1.000 tỉ USD. Tuy nhiên, siêu kênh đã bị nhiều bên phản đối vì vấn đề an ninh và môi trường. Và cuối cùng cho đến thời điểm hiện tại Thái Lan đang theo đuổi Landbridge thay vì kênh đào Kra.

>> Thái Lan dự định trợ cấp 138 triệu USD cho hơn 10.000 startup

Thái Lan lên phương án 'giải cứu' Thai Airways: Chuyển đổi 100% khoản nợ hơn 2 tỷ USD thành cổ phiếu

Luật hôn nhân đồng giới sẽ mang lại nguồn lợi khổng lồ cho Thái Lan?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thai-lan-moi-my-dau-tu-vao-sieu-cau-can-gan-30-ti-usd-tham-vong-thay-the-eo-bien-malacca-210873.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thái Lan mời Mỹ đầu tư vào "siêu cầu cạn" gần 30 tỉ USD dài 100km, tham vọng thay thế eo biển Malacca
    POWERED BY ONECMS & INTECH