Quốc gia Đông Nam Á chỉ bằng 1 thành phố nhưng lọt top 10 nước giàu nhất thế giới, vượt cả Mỹ và Úc
Nguyên nhân chính là do tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, ổn định và môi trường kinh doanh thuận lợi.
Số liệu GDP bình quân đầu người năm 2023 theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy Singapore là quốc gia Đông Nam Á duy nhất lọt top 10 trong bảng xếp hạng này, với GDP bình quân đầu người là 84.501 USD, vượt mặt cả Mỹ và Úc.
Nguồn: Visual capitalist |
Được biết đến là quốc gia có diện tích nhỏ nhất Đông Nam Á, nhưng Singapore lại sở hữu mật độ hộ gia đình triệu phú cao nhất với hơn 5% hộ gia đình có ít nhất 1 triệu USD tài sản ròng. Nguyên nhân chính là do tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và ổn định, đồng thời môi trường kinh doanh thuận lợi cũng thu hút nhiều cá nhân và gia đình giàu có chuyển đến đất nước này.
Bên cạnh đó, sự ổn định chính trị và tỷ lệ tội phạm thấp cùng với mức sống cao của Singapore cũng góp phần khiến quốc gia này trở thành nơi hấp dẫn để sinh sống và làm việc.
Không cần khoáng sản, vẫn xuất khẩu xăng dầu
Dù không sở hữu tài nguyên mỏ dầu, khí đốt hay bất cứ loại khoáng sản đáng kể nào, nhưng Singapore vẫn có thể trở nên thịnh vượng một cách nhanh chóng và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.
Bởi lẽ, quốc gia này biết tận dụng những ưu thế đến từ vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng.
Được biết, Singapore nằm ngay trên Eo biển Malacca, cửa ngõ của một trong những tuyến vận tải nhộn nhịp nhất trên thế giới. Từ sớm, hoạt động thương mại tại khu vực này đã rất phát triển. Quốc gia này đóng vai trò như một trung tâm điều phối hàng hóa đi từ châu Âu, Ấn Độ, Châu Phi sang phía Đông Á, theo đó khoảng 30% lượng dầu của thế giới đi qua eo biển này.
Singapore dần trở thành một trong những người chơi lớn nhất trong ngành công nghiệp dầu khí của thế giới. Theo Dữ liệu của Đài Quan sát Kinh tế (OEC), vào năm 2020, dầu khí đứng thứ hai trong số các mặt hàng xuất khẩu của Singapore, đạt kim ngạch hơn 27 tỷ USD. Điều này đã giúp Singapore chuyển mình trở thành "trung tâm dầu mỏ của châu Á".
Bên cạnh đó, đảo quốc sư tử sở hữu cảng nước sâu phù hợp, cơ sở hạ tầng và ngành ngân hàng phát triển, đồng thời có vị trí chiến lược trên cực nam của bán đảo Malaysia, gần tuyến vận tải sôi động nhất thế giới. Singapore vốn đã là một mắt xích quan trọng trong hoạt động vận chuyển dầu khí toàn cầu nay lại càng phát triển hơn trong lĩnh vực này.
Sau khi thị trường dầu mỏ thế giới hạ nhiệt, Singapore đã có quyết định đúng đắn và kịp thời khi đầu tư mạnh vào mảng hóa dầu, sản xuất các mặt hàng thông dụng như đồ nhựa, lốp xe …Việc các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn nguyên liệu dồi dào và ổn định do cơ sở hạ tầng sẵn có đã khiến Singapore trở thành trung tâm lọc hóa dầu của châu Á.
Lấy con người làm "tài nguyên"
Ngoài ra, một thứ tài nguyên đặc biệt mà Singapore sở hữu đó chính là con người. Chỉ số phát triển con người (HDI) của đảo quốc sư tử đạt mức rất cao là 0,938, tương đương với đa số quốc gia Bắc Âu.
Một lý do quan trọng thúc đẩy trình độ học vấn cao, đó là do quốc gia này áp dụng phương pháp giáo dục truyền thống kết hợp với hệ thống chương trình theo châu Âu, giúp nâng cao chất lượng đào tạo học sinh sinh viên tại đây.
Điều này đã giúp học sinh Singapore đứng đầu trong hơn 120 quốc gia về toán học, teamwork, đọc,…theo bảng xếp hạng PISA. Đây cũng là một trong những lý do quốc đảo này thu hút số lượng lớn học sinh, sinh viên toàn cầu du học Singapore.
Trình độ học vấn cao, kèm theo những chính sách thúc đẩy lĩnh vực công giúp Singapore xây dựng được môi trường đầu tư thân thiện với doanh nghiệp. Các công ty đa quốc gia thường lựa chọn đảo quốc sư tử để đặt trụ sở do các ưu đãi về thuế quan. Bên cạnh đó, Singapore còn duy trì được một nền chính trị ổn định, nền kinh tế cởi mở và dịch vụ công hiệu quả.
Diện tích ngày càng được mở rộng
Singapore nằm trong top 20 quốc gia nhỏ bé nhất thế giới với diện tích năm 2020 là 728,3 km2. Để so sánh, riêng thành phố Hà Nội có diện tích lên tới 3.360 km2, tức gấp hơn 4,6 lần diện tích Singapore.
Trong khi nhiều quốc đảo khác đang ngày một nhỏ đi do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, diện tích của Singapore vẫn đang ngày một tăng lên. Singapore không sáp nhập lãnh thổ hay xâm chiếm đất đai của các nước láng giềng như Malaysia hay Indonesia.Tất cả diện tích đất mà Singapore có được là nhờ lấn biển.
Năm 2030, quốc gia này đặt mục tiêu sẽ nâng diện tích lên 766 km2. Đất lấn biển đã trở thành một động lực lớn cho kinh tế của Singapore. Theo một báo cáo năm 2019 của Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc, đảo quốc sư tử đã trở thành nhà nhập khẩu cát lớn nhất thế giới trong vòng 20 năm qua với khoảng 517 triệu tấn cát từ các quốc gia láng giềng.
Quốc gia có nhiều “cái nhất”
Singapore cũng là một trong những quốc gia nổi tiếng với nhiều cái nhất. Nổi bật là có sở thú được đánh giá là tốt nhất thế giới, cảng biển tốt nhất thế giới và đứng đầu Châu Á về mức độ thân thiện và môi trường, có sân bay quốc tế Changi lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, bánh xe Ferris Singapore Flyer cao 165 mét và cao nhất thế giới, có Orchard Road - Con đường mua sắm nổi tiếng nhất Châu Á,….
Đây cũng là điểm đến được Tổ chức Intelligence Unit của Economist đánh giá là một trong những nơi an toàn nhất trên thế giới. Không những thế, quốc đảo này còn có chỉ số xếp hạng “an toàn cá nhân” thuộc hàng cao nhất thế giới.
‘Cá mập’ Singapore tiếp tục gom 30 triệu cổ phiếu Cơ điện lạnh (REE) sau khi nắm quyền phủ quyết
Chính thức có đường bay thẳng từ Singapore tới ‘đảo Ngọc’ Việt Nam, tần suất 3 chuyến khứ hồi/tuần