'Thần đồng' từng khiến cả Việt Nam tự hào khi giành HCV Olympic Toán quốc tế với điểm tuyệt đối 42/42, trở thành giáo sư Vật lý hàng đầu thế giới
Ông cũng là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên được trao huy chương Dirac - giải thưởng danh giá nhất của vật lý lý thuyết thế giới.
Từng là niềm tự hào của Toán học Việt Nam
Đàm Thanh Sơn sinh ra trong một gia đình trí thức vào năm 1969 tại Hà Nội. Ngay từ khi còn nhỏ, anh đã sớm thể hiện khả năng toán học xuất sắc. Cha anh là giáo sư Đàm Trung Bảo, chuyên ngành Dược học, còn mẹ là phó GS.TS. Nguyễn Thị Hảo, chuyên ngành Sinh hóa. Ngay từ những năm tiểu học, anh Sơn đã khiến mọi người kinh ngạc khi có thể giải quyết các bài toán phức tạp vượt xa chương trình học thông thường.
Năm 1984, khi vừa tròn 15 tuổi, Đàm Thanh Sơn đại diện Việt Nam tham gia Olympic Toán học Quốc tế tại Praha, Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Séc). Tại kỳ thi năm ấy, Đàm Thanh Sơn đã xuất sắc mang về tấm HCV cho đoàn Việt Nam với số điểm tuyệt đối 42/42, nối tiếp thành công của những thế hệ tiền bối đi trước như Lê Bá Khánh Trình và Lê Tự Quốc Thắng.
Năm 1985, GS. Sơn quyết định du học tại Đại học Tổng hợp Lomonosov, Matxcova nhưng không theo đuổi ngành Toán mà chuyển sang Vật lý. Quyết định này sau đó đã mở ra con đường đầy triển vọng, chứng minh sự lựa chọn của anh là hoàn toàn đúng đắn.
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1991, Đàm Thanh Sơn tiếp tục nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Moskva và nhận bằng tiến sĩ Vật lý vào năm 1995. Trong giai đoạn 1995-1999, anh là học giả hậu tiến sĩ tại Đại học Washington (Seattle) và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), hai trong số những trung tâm nghiên cứu hàng đầu nước Mỹ.
Năm 1999, Đàm Thanh Sơn được bổ nhiệm làm giáo sư tại Đại học Columbia, đồng thời làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu RIKEN-BNL, thuộc Phòng thí nghiệm Quốc gia Brookhaven. Đến năm 2002, anh quay trở lại Đại học Washington và được bổ nhiệm giáo sư tại khoa Vật lý, đồng thời trở thành học giả cao cấp tại Viện Vật lý Hạt nhân của trường.
Tháng 9/2012, Đàm Thanh Sơn đạt một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp khi được bổ nhiệm giáo sư tại Đại học Chicago, Mỹ – vị trí mà trước đó các nhà vật lý lừng danh như Enrico Fermi và Subrahmanyan Chandrasekhar từng ngồi. Đây là một vinh dự mà bất kỳ nhà khoa học nào cũng cảm thấy tự hào.
Đến giáo sư ngành Vật lý có sức ảnh hưởng toàn cầu
GS. Đàm Thanh Sơn hiện là viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội Hoa Kỳ (American Academy of Arts & Sciences) cũng như Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (National Academy of Sciences). Ông còn là nhà khoa học gốc Việt đầu tiên được trao Huy chương Dirac - giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực vật lý lý thuyết toàn cầu.
Là người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu vật lý lý thuyết, GS. Sơn đã mở ra những hướng đi mới khi ứng dụng lý thuyết lưỡng tính trường chuẩn/trọng trường (gauge/gravity duality) để nghiên cứu các hệ đa thể tương tác. Từ các nguyên tử bị bẫy đông lạnh ở nhiệt độ cực thấp đến trạng thái plasma quark-gluon ở nhiệt độ cực cao, ông đã tạo nên những bước tiến quan trọng trong hiểu biết của nhân loại về cấu trúc vật chất ở các điều kiện cực hạn.
Những công trình nghiên cứu của GS. Sơn đã góp phần đặt nền móng cho lý thuyết trường chuẩn (gauge theory) - một trong những cơ sở của vật lý hiện đại. Đặc biệt, ông đã có những nghiên cứu sâu rộng về phân bố xác suất Fermi-Dirac và phương trình Dirac, được xem là một trong những phương trình đẹp nhất trong vật lý lý thuyết. Phương trình này không chỉ dự đoán sự tồn tại của hạt phản vật chất mà còn là sự kết hợp đầu tiên giữa cơ học lượng tử và thuyết tương đối hẹp của Einstein.
Không chỉ là một nhà khoa học xuất sắc, GS. Đàm Thanh Sơn còn đóng vai trò cầu nối đưa nhiều sinh viên Việt Nam sang học tập tại Mỹ và các quốc gia có nền khoa học tiên tiến. Năm 2007, khi Việt Nam đăng cai kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế lần thứ 48, ông đã trở về làm giám khảo. Một năm sau, tại kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế, ông là một trong ba giáo sư vật lý Việt Nam được mời vào Ban tổ chức.
Với niềm đam mê truyền bá kiến thức, GS. Sơn thường chia sẻ những kiến thức về Toán học và Vật lý qua trang web cá nhân của mình, như một tạp chí nhỏ với các bài viết rõ ràng và dễ hiểu. Khi tạp chí trực tuyến Epsilon dành cho người yêu Toán ra mắt, ông đã cho phép đăng lại nhiều bài viết và chia sẻ gợi ý về các chủ đề hấp dẫn. Đôi khi, ông còn tham gia các cuộc thảo luận toán học vui trên Facebook, mang đến những lời giải thú vị và độc đáo.