‘Thần đồng’ vào lớp 1 năm 4 tuổi tự sát tại trường học ở tuổi 14, bức thư tuyệt mệnh đầy đau đớn
Lý do thực sự đằng sau sự ra đi bất ngờ của ‘thần đồng’ khiến không ít người phải suy ngẫm.
Tuổi thơ bị ‘giam cầm’ trong kỳ vọng của cha mẹ
Đàm Dao sinh năm 1994 tại thị trấn Bách Lý Châu, thành phố Chi Giang, Trung Quốc trong một gia đình có nền tảng tốt khi bố mẹ cô đều là giáo viên Điều này góp phần nuôi dưỡng và phát triển tài năng của Đàm Dao từ rất sớm. Ngay từ thuở nhỏ, cô đã bộc lộ những tố chất xuất sắc và khả năng vượt trội. Bà Tạ Phượng Nga, mẹ của Đàm Dao từng tự hào chia sẻ: "Từ bé, Đàm Dao đã rất thông minh, gọi là thần đồng cũng không quá lời!"
Nhận thấy tài năng đặc biệt của con, bố mẹ Đàm Dao quyết định cho cô đi học sớm để không lãng phí khả năng và tránh tình trạng "chảy máu chất xám". Khi Đàm Dao mới 2 tuổi, bà Phượng Nga đã đưa con đến trường của mình để học lớp tiền ban. Trong thời gian theo học cùng mẹ, Đàm Dao nhanh chóng thể hiện trí tuệ vượt trội. Các môn như đánh vần, học chữ, âm nhạc và toán học đều thu hút sự chú ý của cô bé. Đặc biệt, Đàm Dao chỉ cần nhìn lướt qua chữ mới là có thể nhớ ngay. Cô còn giải toán trong phạm vi 100 một cách dễ dàng, trong khi những học sinh lớn tuổi hơn vẫn còn gặp khó khăn.
Năm 4 tuổi, Đàm Dao đã vào học lớp 1. Dù là học sinh nhỏ tuổi nhất trong lớp, cô luôn đứng đầu bảng xếp hạng thành tích. Khả năng tiếp thu của Đàm Dao vượt xa tốc độ giảng dạy thông thường. Khi mới học lớp 3, cô đã hoàn thành chương trình học của lớp 4. Đến lớp 5 và lớp 6, Đàm Dao cũng nhanh chóng vượt qua mà không gặp trở ngại nào chỉ mất 4 năm để hoàn thành chương trình tiểu học.
Lên 9 tuổi, Đàm Dao chuyển đến trường trung học Lưu Hạng tại Bách Lý Châu. Hiệu trưởng của trường nhận xét: "Đàm Dao là một cô bé cá tính. Ngoài thành tích học tập xuất sắc, em còn có tài năng ca hát, múa, chơi đàn và đam mê thể thao". Đến năm 12 tuổi, cô đã ghi danh vào một trường cấp 3 chuyên trọng điểm tại Chi Giang.
Cú ngoặt định mệnh của cuộc đời
Cứ tưởng Đàm Dao sẽ tiếp nối chuỗi ngày học tập thần tốc của mình khi lên cấp 3. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, thành tích của em dần xuống dốc. Hai lần em bị điểm môn Toán dưới trung bình, nhưng vì sợ bị phụ huynh trách mắng, Đàm Dao quyết định giấu nhẹm chuyện này. Tuy nhiên, sự thật không thể che giấu mãi, cuối cùng mẹ em cũng biết được và đã lên trường để hỏi giáo viên. Điều này khiến Đàm Dao vô cùng xấu hổ, đặc biệt vì em từng là thủ khoa nhưng lại bị điểm kém.
Không chỉ vậy, trong nhiều giờ học, Đàm Dao thường xuyên mất tập trung, làm việc riêng và bị thầy cô phát hiện. Lý Khai Tùng, giáo viên chủ nhiệm của Đàm Dao chia sẻ rằng em đã nhiều lần mang tạp chí vào lớp để đọc, vi phạm quy định của nhà trường và lớp học.
Kể từ sau lần bị trách phạt đó, Đàm Dao bắt đầu có những biểu hiện khác thường. Em không còn vui vẻ, hòa đồng với bạn bè như trước. Và rồi điều tồi tệ nhất cũng xảy ra. Vào ngày 6/3/2008, giáo viên chủ nhiệm phát hiện Đàm Dao mất tích, trên bàn học của em để lại một lá thư tuyệt mệnh. Nhà trường và gia đình lập tức tổ chức tìm kiếm. Đến ngày 8/3/2008, thi thể của em được phát hiện nổi lên tại một ao nước gần trường.
Trong bức thư để lại, Đàm Dao viết: "Con xin bố mẹ tha lỗi cho đứa con bất hiếu này. Con biết bố mẹ sẽ rất đau khổ, nhưng xin bố mẹ đừng vì chuyện này mà ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu không, ở thế giới bên kia, con sẽ rất đau lòng".
Em chia sẻ thêm rằng mình đã quá mệt mỏi và muốn tìm sự giải thoát: "Con còn nhớ, hồi học lớp 7, có một bạn cùng khối đã tự sát. Khi ấy, có người hỏi con có dám làm điều tương tự không, con chỉ cười và nói rằng đó là chuyện không thể. Nhưng bây giờ, con đã kiệt sức rồi. Bố mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con vì con là đứa con duy nhất. Con xin lỗi vì đã làm bố mẹ thất vọng".
Có thể nói, sự ra đi của Đàm Dao ở tuổi 14 đã gây ra nhiều tranh cãi. Trong suốt những năm tháng tuổi thơ, em sống dưới áp lực và kỳ vọng nặng nề từ cha mẹ. Không có những ngày tháng vui chơi hồn nhiên cùng bạn bè, Đàm Dao buộc phải nhập học sớm và gánh chịu áp lực học tập với các bạn lớn hơn mình 3-4 tuổi.
Nhà nghiên cứu Tôn Vân Hiểu, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Thanh thiếu niên Trung Quốc, nhận định: "Chỉ vì bị giáo viên phê bình mà Đàm Dao tự tử, điều này cho thấy khả năng cao em đã gặp phải vấn đề tâm lý." Thậm chí trong lá thư tuyệt mệnh, Đàm Dao đã nhiều lần nhắc đến ba từ "kỳ vọng", "áp lực" và "mệt mỏi". Điều này cho thấy hành động tự tử không phải ngẫu nhiên, mà là hệ quả của một quá trình dài bị dồn nén bởi áp lực và sự mệt mỏi, cuối cùng dẫn đến "giọt nước tràn ly".
Ông Tôn Vân Hiểu cũng cho rằng, sự chênh lệch tuổi tác so với các bạn trong lớp cùng những kỳ vọng từ cha mẹ đã khiến Đàm Dao chịu áp lực rất lớn. Dù còn nhỏ, em đã bị khoác lên danh hiệu "thần đồng", vô tình biến điều đó thành gánh nặng. Chính những áp lực này đã đẩy Đàm Dao vào vòng xoáy khủng hoảng mà em không thể thoát ra.