Thánh địa lớn nhất của tôn giáo ‘nội sinh’ tại Việt Nam: Được xây dựng trong 14 năm, nhân công không lấy vợ, cưới chồng trong suốt thời gian thi công
Công trình này được xây dựng không dựa trên bất kỳ giấy tờ, hình vẽ nào mà hoàn toàn dựa vào người lao động.
Đạo Cao Đài thành lập năm 1926, hiện có khoảng 2,4 triệu tín đồ, xếp thứ tư trong số 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận. Đây là tôn giáo "nội sinh" của Việt Nam với tuổi đời khá trẻ… Tối ngày 14/11, hàng chục nghìn người dân, tín đồ từ trong và ngoài nước đổ về Tòa thánh Tây Ninh, nơi được coi là Tổ Đình của đạo để dự lễ 100 năm ngày hoằng khai đại đạo.
Tòa Thánh Tây Ninh được xem là công trình tôn giáo lớn nhất của đạo Cao Đài, còn được người dân địa phương gọi là Đền Thánh. Công trình tọa lạc trên đường Phạm Hộ Pháp, thị trấn Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh.
Khác với các công trình lớn thường có kiến trúc sư thiết kế và xây dựng theo bản vẽ, Tòa Thánh Tây Ninh được xây dựng mà không dựa trên bất kỳ giấy tờ hay bản vẽ nào. Công trình hoàn toàn được tạo nên từ công sức và bàn tay của người lao động.
Theo TTXVN, Tòa Thánh được khởi công năm 1933, hoàn thành năm 1947 và chính thức khánh thành vào năm 1955. Điểm đặc biệt là người dân tham gia xây dựng công trình này không nhận bất kỳ chi phí tiền công nào. Trong suốt thời gian xây dựng, họ phải lập Hồng thệ (không lấy vợ, lấy chồng) nhằm giữ "tinh khiết" để tạo tác Tòa Thánh, một công trình mà người theo đạo Cao Đài coi là sự kết hợp giữa Thiên ý (ý trời) và Nhân lực (sức người).
Cụm công trình bao gồm hơn 100 kiến trúc lớn nhỏ, nằm trong khuôn viên rộng hơn 1,2km2, bao quanh bởi 12 cổng được chạm khắc hình Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng) và hoa sen.
Trung tâm của cụm công trình là Tòa Thánh dài 135m, rộng 27m. Cửa chính hướng về phía Tây với Tam Đài cao 36m, Hiệp Thiên Đài (hai lầu chuông và trống) cao 27m, Nghinh Phong Đài, Cửu Trùng Đài và Bát Quái Đài đều cao 36m… Như vậy, có rất nhiều phần công trình trong Tòa Thánh được xây theo kích thước là những bội số căn bản của 9.
Đây là nơi thờ tự cấp Trung ương của đạo Cao Đài, được gọi là Tổ Đình, vì Tây Ninh được coi là vùng đất Tổ của đạo. Theo giáo lý, đạo Cao Đài có tôn chỉ "Quy nguyên Tam giáo" (hòa chung Khổng giáo, Đạo giáo, Phật giáo) và "Phục nhất Ngũ chi" (thống nhất 5 nhánh Nhân đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo).
Khoảng không gian dài 81m, rộng 27m, được phân chia với các không gian khác trong Chính điện bằng 18 cột trụ chia làm hai bên, được chạm khắc, trang trí hình rồng tinh xảo.
Các hàng cột trụ này phân khu vực Cửu Trùng Đài thành 9 gian, mỗi gian chênh nhau 18cm. Đây chính là khu vực hành lễ của mỗi phẩm cấp tín đồ. Khi buổi lễ cúng diễn ra, các chức sắc và tín đồ mỗi người sẽ có một vị trí riêng tương ứng với hàng phẩm của mình trong đạo Cao Đài. Bên trên trần là tạo hình sơn vẽ hình ngôi sao, hình mây tượng trưng cho các tầng trời.
Bát Quái Đài có phần mái được sơn màu vàng. Khu vực này có 8 cột trụ rồng xếp thành hình Bát Quái. Ở giữa là quả Càn Khôn với đường kính 3,3m. Đây cũng chính là phần đặc biệt của Tòa Thánh so với các thánh thất khác của Đạo Cao Đài.
Mỗi thánh thất của đạo Cao Đài chỉ được phép thờ Thánh tượng Thiên Nhãn (bức tranh vẽ hình Thiên Nhãn). Còn riêng ở Tòa Thánh, Thiên Nhãn sẽ được vẽ trên khối cầu lớn, gọi là quả Càn Khôn, biểu trưng cho vũ trụ quan của đạo. Tâm của Càn Khôn đặt một ngọn đèn tên là Thái Cực, được giữ sáng suốt ngày đêm. Xung quanh hình vẽ Thiên Nhãn trên Càn Khôn, còn có 3.072 vì sao thể hiện cho 72 quả địa cầu cùng với 3.000 thế giới.
Một trong những nét độc đáo nữa tại Tòa Thánh là bức tranh Tam Thánh ký Thiên Nhân Hòa ước. Tam Thánh là 3 vị thánh đứng đầu Bạch Vân Động (cõi thiêng của đạo Cao Đài). Các vị thánh gồm: Thanh Sơn Đạo sĩ, hiện thân trên trần gian là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm của Việt Nam; Nguyệt Tâm Chân nhân, hiện thân là Đại văn hào người Pháp Victor Hugo và Trung Sơn Chân nhân, hiện thân là Nhà cách mạng Trung Quốc Tôn Dật Tiên.
Bức họa vẽ Đức Thanh Sơn Đạo sĩ mặc triều phục Việt Nam, cầm bút lông viết dòng chữ Thiên thượng Thiên hạ - Bác ái Công bình. Cạnh đó là Đức Nguyệt Tâm Chân nhân mặc triều phục Pháp, cầm bút lông ngỗng viết dòng chữ Pháp: DIEU et HUMANITÉ - AMOUR et JUSTICE (ý nghĩa như trên). Còn Đức Trung Sơn Chân nhân đứng cạnh, cầm nghiên mực đỏ cho 2 vị viết.
Thiên Nhân Hòa ước là bản giao ước giữa Trời và Người. Trong đó, con người đứng đầu muôn loài trên trái đất, nên được thay mặt vạn vật để giao ước cùng sống hòa mình với thiên nhiên, trời đất… Theo đạo Cao Đài, bản hòa ước này được ký năm 1926, khi tôn giáo này hình thành.
Du khách đến Tòa Thánh vào 12h trưa sẽ được tham dự chính lễ của những người theo đạo Cao Đài. Vào các khung giờ khác, du khách có thể tham quan toàn bộ cụm công trình tinh xảo này. Lưu ý khi tham quan, du khách không mang giày dép vào bên trong, mặc trang phục lịch sự, không gây ồn ào, giữ vệ sinh chung. Khi vào Đại điện, nam giới đi cửa phải, nữ giới đi cửa trái.
Tòa Thánh Tây Ninh không chỉ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo quan trọng của giáo dân đạo Cao Đài, mà còn là một công trình kiến trúc độc đáo với lịch sử lâu đời, được xây dựng bởi những người nông dân chưa từng được đào tạo. Nơi đây được xem là một trong những điểm tham quan du lịch hấp dẫn nhất miền Đông Nam Bộ.