Thành phố duy nhất của Việt Nam mang tên một người phụ nữ phấn đấu 'cất cánh' lên đô thị loại 1 trong năm nay
Thành phố sẽ tập trung phát triển các ngành thương mại - dịch vụ, công nghiệp giá trị cao và nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm đảm bảo phát triển bền vững.
Thành phố Bà Rịa là đô thị loại II ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nằm cách TP.HCM 75km về phía Đông Nam, diện tích hơn 91km2, gồm 11 đơn vị hành chính với dân số hơn 235.190 người (năm 2022). Thành phố này có vị trí địa lý thuận lợi, nằm giáp với các khu vực quan trọng: phía Bắc tiếp giáp huyện Châu Đức và một phần huyện Tân Thành; phía Nam giáp TP Vũng Tàu; phía Đông giáp huyện Long Điền và Đất Đỏ; còn phía Tây giáp huyện Tân Thành.
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 8/2/1982, thị trấn Bà Rịa được thành lập từ xã Phước Lễ thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai. Thời điểm đó, phía Đông thị trấn giáp xã Long Điền thuộc huyện Long Đất, phía Tây giáp xã Long Hưng, phía Bắc giáp xã Hòa Long và phía Nam giáp Tim Sông và Cầu Cỏ May, thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.

Đến ngày 2/6/1994, thị xã Bà Rịa được thành lập, khi huyện Châu Thành được chia thành huyện Châu Đức, Tân Thành và thị xã Bà Rịa. Sau khi Bà Rịa được nâng lên làm tỉnh lỵ, nhiều cơ quan quan trọng của tỉnh đã chuyển từ Vũng Tàu về đây.
Ngày 22/8/2012, Chính phủ ra quyết định thành lập TP Bà Rịa trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, gồm toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính thuộc thị xã Bà Rịa trước đó.

Ngoài các ranh giới hành chính, tên gọi của TP Bà Rịa cũng đã thu hút sự chú ý và có nhiều giả thuyết được đưa ra. Một trong những lý giải phổ biến được nêu trong bài viết của Báo Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, tên gọi này bắt nguồn từ một người phụ nữ có công lớn với vùng đất. Theo sử sách, Bà Rịa là một nhân vật quan trọng trong công cuộc khai phá vùng đất Long Điền - Xuyên Mộc dưới triều đại của chúa Nguyễn Phúc Tần. Mộ và miếu thờ Bà Rịa hiện nay tọa lạc tại xã Tam Phước, huyện Long Điền và đã trở thành một điểm đến cho du khách.
Bài viết cũng thông tin, Bà Rịa đã huy động dân chúng để sửa chữa các công trình cầu cống, đường sá bị hư hỏng nghiêm trọng sau các trận bão lũ, giúp đoàn quân của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh hoàn thành nhiệm vụ mở rộng lãnh thổ về phương Nam. Mặc dù không rõ bà mang họ gì nhưng bà đã có công lao to lớn trong việc khai hoang và lập ấp, được dân chúng kính trọng và tôn vinh. Nhờ những đóng góp đó, bà đã được Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1752) phong tước Hàm Nghè và sắc phong mang họ của nhà Chúa, từ đó bà được gọi là Nguyễn Thị Rịa.
Theo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh đặt mục tiêu phát triển toàn diện để trở thành động lực kinh tế quan trọng nhất của khu vực Đông Nam Bộ, là trung tâm kinh tế biển quốc gia và lọt vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về kinh tế biển.
Đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu đạt chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương với mô hình đô thị đa trung tâm và hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại. Tỉnh cũng cam kết duy trì vị trí trong top 10 các địa phương dẫn đầu cả nước về GRDP và thu ngân sách nhà nước.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh đã nhấn mạnh sự quan trọng của việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là các công trình trọng điểm kết nối quốc lộ, tỉnh lộ với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Ông kêu gọi tận dụng tối đa hiệu quả của hệ thống giao thông hiện có, đồng thời đề xuất các dự án mới để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Thành phố đang phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại 1 vào năm 2025. Thành phố sẽ tập trung phát triển các ngành thương mại - dịch vụ, công nghiệp giá trị cao và nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm đảm bảo phát triển bền vững.
Đến năm 2024, TP Bà Rịa đã hoàn thành và vượt qua 32/32 chỉ tiêu và nhiệm vụ. Thu ngân sách dự kiến cuối năm sẽ đạt 1.921 tỷ đồng, đạt 111,64% so với kế hoạch. Vốn huy động cho đầu tư toàn xã hội cũng ước đạt 1.336 tỷ đồng, đạt 111,39% và dự kiến sẽ đạt 1.400 tỷ đồng vào cuối năm. Hiện nay, TP Bà Rịa không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia.