Thành phố giàu nhất Việt Nam lập kỷ lục thu ngân sách 500.000 tỷ đồng
TP.HCM đóng góp khoảng 27% tổng thu ngân sách của cả nước.
Sáng 4/12 diễn ra Hội nghị lần thứ 34 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, năm 2024, TP.HCM ước tính thu ngân sách hơn 500.000 tỷ đồng, vượt 12% so với kế hoạch và đóng góp 27% tổng thu cả nước.
Ông Nên nhấn mạnh: “Đây là con số có nhiều ý nghĩa, lần đầu tiên số thu vượt hơn 500.000 tỷ đồng. Đây là nỗ lực chung, đóng góp của TP.HCM vào sự phát triển của cả nước".
Trong nhiều năm qua, dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng số thu của TP.HCM luôn ở mức cao và đóng góp lớn nhất vào số thu ngân sách của cả nước. Theo số liệu thống kê, năm 2020, thu ngân sách của thành phố đạt hơn 371.300 tỷ đồng. Năm 2021, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 nhưng thu ngân sách vẫn đạt hơn 381.500 tỷ đồng, vượt 104,56% dự toán.
Năm 2022, thu ngân sách của thành phố đạt hơn 471.500 tỷ đồng và năm ngoái dù tăng trưởng không đạt như kế hoạch đề ra (5,81% trong khi kế hoạch là 7,5-8%) nhưng thành phố vẫn thu được 446.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Nên cũng cho biết về 2 nội dung chính của chủ đề năm 2024 là chuyển đổi số và thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội. Tính đến nay, TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả tích cực, một số nội dung tạo giá trị ngay vào thực tiễn cuộc sống.
Ngoài ra, thành phố cũng dành nguồn lực nhiều hơn cho đầu tư phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe, giảm nghèo bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần quan trọng cùng cả nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát,...
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Tuy nhiên, ông Nên cũng nhìn nhận vẫn còn nhiều điểm hạn chế, vướng mắc cần tiếp tục khắc phục. Trong đó, tăng trưởng GRDP của thành phố chỉ khoảng 7,2%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra là từ 7,5-8%.
Cùng với đó, các đột phá chiến lược về phát triển, kết cấu hạ tầng, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách so với yêu cầu vẫn chưa như mong muốn. Đặc biệt là vấn đề giải ngân đầu tư công chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.
Ngoài ra, vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc trong việc cải tạo chung cư cũ, ô nhiễm môi trường, giải quyết nhà ở ven kênh rạch.
Vì vậy, người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM yêu cầu đại biểu cần nhìn nhận, đánh giá đúng thực chất mặt làm được để tiếp tục phát huy; đồng thời, chỉ rõ những điểm yếu kém, khó khăn để tìm ra nguyên nhân, giải pháp cụ thể để khắc phục.
Trong 11 tháng năm 2024, TP.HCM ghi nhận nhiều kết quả tích cực về kinh tế. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố tăng 3,19% với 10/11 nhóm hàng ghi nhận mức tăng. Trong đó, tăng mạnh nhất là nhóm giáo dục với 8,16%; tiếp sau là nhóm thuốc, dịch vụ y tế với 7,87%;...
Ngoài ra, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11/2024 của thành phố đạt mức tăng 1,7% so với tháng trước và 9,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng năm 2024 của thành phố ước tăng trưởng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Mức tăng trưởng này cơ bản được thúc đẩy bởi các ngành khai khoáng (tăng 43,2%); công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 7,0%); sản xuất, phân phối điện (tăng 5,6%).
TP.HCM là trung tâm kinh tế của cả nước, với mức tăng GRDP trong quý I/2024 là 6,54%, TP.HCM trở thành địa phương giàu nhất cả nước. Nơi đây cũng được mệnh danh là “miền đất hứa” với nhiều khu công nghiệp, cụm khu công nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cao, tạo nhiều việc làm cho người lao động.
>>Tỉnh nhỏ nhất Đông Nam Bộ sắp lên thành phố trực thuộc Trung ương lập kỷ lục tăng trưởng
Hải Phòng: Tổng thu ngân sách năm 2024 ước đạt 109.388 tỷ đồng
Những cây cầu sắt sắp 'nghỉ hưu', nhường chỗ cho cầu mới ở TP. HCM