Bất động sản

Thành phố lớn thứ 3 Việt Nam nghiên cứu thêm kế hoạch phục dựng 2 cây cầu cổ có từ thời Pháp thuộc

Quốc Chiến 21/07/2024 14:12

Hai cây cầu này đã được xây dựng từ thời Pháp thuộc trong đó có công trình có tuổi đời gần 100 năm.

Theo thông tin từ Văn phòng UBND TP. Hải Phòng, Sở Xây dựng thành phố và UBND quận Hồng Bàng đang nghiên cứu thêm các ý tưởng thiết kế để phục dựng 2 cầu bắc qua sông và hồ Tam Bạc đã được UBND quận Hồng Bàng đề xuất chủ trương đầu tư từ năm 2022.

Theo đó, sau khi đầu tư xây dựng dự án chỉnh trang sông Tam Bạc (giai đoạn 1), năm 2022, TP. Hải Phòng tiếp tục thực hiện dự án chỉnh trang sông Tam Bạc giai đoạn 2 với các hạng mục chính nạo vét lòng sông Tam Bạc (đoạn từ cầu Lạc Long đến chân cầu Hoàng Văn Thụ), đồng thời, quy hoạch xây dựng lại các tuyến phố Tam Bạc, Thế Lữ là những tuyến phố trên hai bờ sông Tam Bạc thành các tuyến phố du lịch.

Tại kỳ họp chuyên đề năm 2022, HĐND quận Hồng Bàng đã thông qua chủ trương xây dựng lại cầu đi bộ bắc qua sông Tam Bạc. Việc xây lại cầu Hạ Lý được kỳ vọng sẽ tạo thêm điểm nhấn về cảnh quan, kiến trúc cho các tuyến phố Tam Bạc, Thế Lữ, thêm sức hấp dẫn cho dải đô thị trung tâm.

>> Việt Nam có siêu cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á, sở hữu cả đường hầm dầm cầu dài nhất cả nước

Bên cạnh đó, quận Hồng Bàng cũng đề xuất với TP. Hải Phòng chủ trương khôi phục xây dựng lại cầu Caron là cây cầu treo bắc qua từ đường Quang Trung sang đường Nguyễn Đức Cảnh qua sông Lấp cũ (nay là hồ Tam Bạc) để phát triển du lịch, dịch vụ tại khu vực dải vườn hoa trung tâm.

Hồ Tam Bạc thuộc TP. Hải Phòng sẽ được phục dựng 2 cây cầu bắc qua

Hồ Tam Bạc thuộc TP. Hải Phòng sẽ được phục dựng 2 cây cầu bắc qua

Cầu Hạ Lý ở Hải Phòng trong lễ khánh thành ngày 16/12/1937. Bắc qua sông đào Hạ Lý, cầu này là một trong những cây cầu có lịch sử lâu đời và thiết kế độc đáo của Hải Phòng xưa.

Cầu Caron được hãng sửa chữa tàu Caron xây dựng để lưu thông qua kênh đào Bonnal từ năm 1925

Cả hai cây cầu này đều đã được người Pháp xây dựng để mở rộng đô thị Hải Phòng từ khu phố Pháp sang khu Hạ Lý (quận Hồng Bàng) và sang khu vực đô thị mới mở rộng (quận Lê Chân ngày nay). Tuy nhiên, từ nhiều năm trước cả 2 cây cầu treo bắc qua sông và hồ Tam Bạc đã bị phá dỡ.

TP. Hải Phòng đã nhất trí với đề xuất chủ trương khôi phục lại 2 cây cầu qua sông và hồ Tam Bạc trong đó, cầu qua hồ Tam Bạc (cầu Caron) được đề xuất khôi phục, xây dựng lại tại vị trí cũ, từ ngã ba ngõ Đặng Kim Nở - đường Nguyễn Đức Cảnh (quận Lê Chân) qua hồ Tam Bạc sang điểm giao giữa đường Ký Con - Quang Trung (quận Hồng Bàng).

Cầu Hạ Lý được đề xuất xây dựng lại có điểm nối từ ngã ba giao phố Hoàng Ngân - Tam Bạc sang đường Thế Lữ (cùng quận Hồng Bàng). TP. Hải Phòng yêu cầu việc xây dựng khôi phục lại cầu qua hồ Tam Bạc không cần thiết kế khoảng thông thuyền còn cầu qua sông Tam Bạc phải có khoảng thông thuyền để các tàu thuyền du lịch có thể lưu thông trên sông Tam Bạc.

Cầu Caron từ thời Pháp thuộc

Cầu Caron từ thời Pháp thuộc

Trước đó, vào tháng 7/2023, UBND quận Hồng Bàng đã tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc 2 cây cầu bắc qua sông và hồ Tam Bạc nhằm mục đích lựa chọn phương án thiết kế sáng tạo, thiết thực, hướng đến xây dựng các công trình có kiến trúc đẹp, bền vững, thân thiện môi trường, phù hợp hài hòa với cảnh quan xung quanh, tạo điểm nhấn không gian kiến trúc cho khu vực trung tâm nội thành Hải Phòng.

UBND quận Hồng Bàng cũng yêu cầu về kiến trúc phải mang tinh thần văn hóa mới, hình thái kiến trúc là sự giao thoa giữa bản sắc văn hóa Việt Nam kết hợp hiện đại, không bị trùng lặp với các công trình đã có. Theo thông báo của UBND quận Hồng Bàng, ngày 25/8/2023 là thời hạn cuối để quận này nhận hồ sơ dự thi phương án kiến trúc đối với 2 cầu bắc qua sông và hồ Tam Bạc.

>> Sân vận động là nơi đầu tiên tổ chức Olympic mùa hè và mùa đông: Sở hữu kiến trúc lọt top đầu thế giới, sức chứa gần 100.000 chỗ ngồi

Đến nay, theo báo cáo từ UBND TP. Hải Phòng, vì tính chất là công trình kiến trúc quan trọng, tạo điểm nhấn về cảnh quan kiến trúc đô thị trung tâm nên UBND TP. Hải Phòng đã có báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy về phương án kiến trúc và đầu tư xây dựng 2 cầu qua sông và hồ Tam Bạc do UBND quận Hồng Bàng đề xuất.

Hải Phòng có diện tích đất liền 1.561,8km2. Đây là thành phố lớn thứ 3 của Việt Nam và lớn thứ 2 ở miền Bắc sau Hà Nội. Hải Phòng là 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam. Đây cũng là trung tâm cấp vùng và cấp quốc gia cùng với Đà Nẵng và Cần Thơ.

>> Thành phố thuộc tỉnh giàu nhất Việt Nam sắp đón thêm khu đô thị hơn 13.500 tỷ đồng

Cây cầu có quy mô lớn nhất đường Vành đai 3 TP. HCM sẽ vượt tiến độ 4 tháng

Cây cầu thứ 4 nối hai tỉnh giàu có bậc nhất miền Bắc Việt Nam sẽ thông xe vào cuối năm 2024

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/thanh-pho-lon-thu-3-viet-nam-nghien-cuu-them-ke-hoach-phuc-dung-2-cay-cau-co-hon-co-tu-thoi-phap-thuoc-d128262.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Thành phố lớn thứ 3 Việt Nam nghiên cứu thêm kế hoạch phục dựng 2 cây cầu cổ có từ thời Pháp thuộc
POWERED BY ONECMS & INTECH