Thay đổi trong kế hoạch xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua ‘vựa lúa miền Bắc’
Dự án tuyến đường bộ ven biển sẽ có một số điều chỉnh trước khi đi đến triển khai xây dựng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình, tăng tổng mức đầu tư từ hơn 3.800 tỷ đồng lên hơn 4.800 tỷ đồng, tương ứng mức tăng khoảng 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu.
Đồng thời, Chính phủ cũng quyết định điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn bao gồm vốn ngân sách Trung ương hơn 1.100 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác là hơn 2.600 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư BOT là hơn 1.000 tỷ đồng.
Thời gian đầu tư xây dựng dự án được kéo dài từ năm 2018 - 2025, thay vì mốc thời gian 2018 - 2021 như quy định trước đây. Thời gian vận hành, khai thác, thu phí hoàn vốn cũng được điều chỉnh, dự kiến kéo dài 24 năm 8 tháng.
>> Chưa đầy 2 ngày nữa sẽ thông xe tuyến đường 'cứu nguy' ùn tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất
Quyết định cũng đề cập đến trường hợp tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08) được đưa vào khai thác có thể ảnh hưởng đến doanh thu và phương án tài chính của dự án. Khi đó, UBND tỉnh Thái Bình, nhà đầu tư và các bên liên quan sẽ đàm phán để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên, tuân thủ quy định pháp luật và hợp đồng BOT đã ký kết.
Nhà đầu tư sẽ xây dựng trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn đối với phần vốn đã đầu tư vào dự án. Thời gian thu phí dự kiến ban đầu là 23 năm 3 tháng (2022 - 2045), thời gian chính thức sẽ được xác định thông qua quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Ngoài các điều chỉnh trên, các nội dung khác của dự án vẫn được giữ nguyên theo Quyết định số 348 trước đó.
Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, cơ cấu vốn và thời gian thực hiện sẽ giúp dự án phù hợp hơn với tình hình thực tế, đồng thời đảm bảo hiệu quả tài chính và tiến độ triển khai. Tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình khi hoàn thành sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối khu vực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thái Bình được mệnh danh là "vựa lúa" của miền Bắc khi có truyền thống phát triển nông nghiệp lâu đời. Hiện nay, Thái Bình đã và đang đi theo hướng của Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với định hướng phát triển công nghiệp là động lực; tương lai trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của cả vùng Đồng bằng sông Hồng.
>> Tuyến đường trợ lực đến sân bay lớn nhất Việt Nam có tin vui