Thay vì cấm, HoREA đề xuất xem xét mô hình cho thuê chung cư ngắn ngày như một nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Thay vì cấm cho thuê căn hộ chung cư ngắn ngày, HoREA đề xuất TP. HCM nên xem đây là một ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Ngày 27/2, Ủy ban Nhân dân (UBND) TP. HCM đã ban hành quy định về việc quản lý và sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP.
Theo đó, mô hình lưu trú ngắn ngày trong nhà chung cư chỉ được thực hiện tại các dự án sử dụng hỗn hợp hoặc được phép kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, những chung cư khác thì căn hộ cho thuê hình thức này sẽ bị cấm.
Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA) đã đề xuất thay vì cấm cho thuê lưu trú ngắn hạn căn hộ chung cư, TP nên xem xét mô hình này như một ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
>> Quận đông dân nhất Hà Nội dự kiến xóa tên 7 phường sau khi sắp xếp

HoREA cho rằng trong khi các tỉnh thành khác không cấm mà chỉ TP. HCM cấm là do hiểu chưa đúng về quy định trong Luật Nhà ở 2023.
Đơn vị này cho rằng, cách hiểu "chỉ có trường hợp căn hộ chung cư cho thuê dài hạn mới nhằm mục đích để ở, còn trường hợp cho thuê ngắn hạn theo giờ, theo ngày, tuần không nhằm mục đích để ở (lưu trú) là chưa chính xác.
Vì thế, HoREa đề xuất thống nhất từ ngữ cũng như cách hiểu quy định của chủ nhà chung cư có quyền sử dụng nhà của mình vào mục đích cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà pháp luật không cấm. Bên cho thuê và bên thuê nhà ở được thỏa thuận về thời hạn thuê, giá thuê và hình thức trả tiền thuê nhà.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), khẳng định hoạt động cho thuê nhà ở – kể cả cho thuê căn hộ chung cư – là một ngành nghề kinh doanh bất động sản có điều kiện.

Theo quy định, người cho thuê phải đăng ký kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế. Tuy vậy, ông cũng nhấn mạnh rằng, việc chủ căn hộ cho thuê ngắn ngày để phục vụ khách du lịch hay khách vãng lai, trong và ngoài nước, không vi phạm Luật Nhà ở.
Một khảo sát của HoREA cho thấy, riêng tại 24 tòa chung cư trên địa bàn TP. HCM, đã có tới 8.740 căn hộ được khai thác cho thuê ngắn hạn thông qua nền tảng Airbnb. Hoạt động này không chỉ góp phần giải quyết nhu cầu lưu trú linh hoạt cho du khách, mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương từ nhân viên vệ sinh, bảo trì cho tới bộ phận lễ tân, vận hành.
Với giả định giá trị trung bình mỗi căn hộ là 5 tỷ đồng, tổng giá trị đầu tư cho số căn hộ nói trên có thể lên đến khoảng 43.700 tỷ đồng. Trong trường hợp người cho thuê vay vốn ngân hàng để mua căn hộ, tổng dư nợ có thể đạt khoảng 30.590 tỷ đồng, tương ứng với khoản chi trả lãi hàng năm lên tới hơn 2.700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 27/2 đã giáng một đòn mạnh vào mô hình kinh doanh này. Nhiều chủ nhà phải hủy hợp đồng đã ký, mất khách, mất thu nhập, dẫn đến nguy cơ vỡ nợ ngân hàng. Họ buộc phải chuyển sang cho thuê dài hạn, song thị trường không đủ sức hấp thụ một lượng lớn tới gần 9.000 căn hộ cùng lúc.
Không dừng lại ở đó, lệnh cấm còn kéo theo hệ lụy về việc làm. Nếu mỗi căn hộ cần từ 1–2 nhân sự để vận hành, thì số lao động mất việc ước tính có thể lên tới 17.480 người. Du lịch – ngành vốn đang hồi phục sau đại dịch cũng chịu tác động tiêu cực do giảm nguồn cung chỗ ở linh hoạt, làm suy yếu sức cạnh tranh của TP. HCM so với các địa phương khác.
Dẫu vậy, không phải ý kiến nào cũng ủng hộ việc cho thuê ngắn ngày trong căn hộ chung cư. Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, căn hộ chung cư là tài sản gắn với cộng đồng cư dân, được thiết kế với chức năng để ở, không phải để kinh doanh ngắn hạn như officetel. Việc cho thuê ngắn hạn, ông lập luận, dễ làm nảy sinh tình trạng mất an ninh, gây xáo trộn sinh hoạt cộng đồng.
Theo ông Hiển, nếu đã là cho thuê "để ở", thì người thuê cần ổn định, đăng ký tạm trú, tuân thủ nếp sinh hoạt chung. Trong khi đó, khách thuê ngắn ngày thường là người lạ ra vào liên tục, khiến việc kiểm soát khó khăn và phát sinh mâu thuẫn với cư dân xung quanh.
Một số ý kiến trung dung cho rằng, vấn đề không nằm ở việc cho thuê ngắn hạn là tốt hay xấu, mà là ở chỗ khung pháp lý hiện nay chưa đủ rõ ràng. Họ đề xuất cần có cơ chế thử nghiệm mô hình Airbnb tại TP. HCM – theo hướng hợp pháp hóa, cấp phép kinh doanh, yêu cầu đăng ký lưu trú và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.
Hiện tại, nhiều ban quản lý chung cư như Masteri Thảo Điền, Opal Tower, Sunrise City North hay Vinhomes Central Park... đã phát thông báo yêu cầu cư dân tuân thủ lệnh cấm từ UBND TP. HCM. Điều này tiếp tục đẩy những người kinh doanh căn hộ ngắn hạn vào tình thế khó khăn hơn bao giờ hết.