Thế Giới Di Động: 'Tay buôn tiền' vừa lãi kỷ lục 380 tỷ đồng từ chênh lệch vay gửi, cũng từng có lúc “lỗ sấp mặt”

05-04-2024 10:08|Khởi Phong

"Buôn tiền” là cách nhiều người ví von hoạt động tài chính của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán MWG) khi song hành cả hoạt động tài chính vay và gửi. Trên thực tế, có năm MWG kiếm kỷ lục 380 tỷ đồng từ hoạt động này nhưng cũng có năm, “tay buôn tiền” lỗ “sấp mặt”.

“Tay buôn tiền” trong làng bán lẻ

Rộ lên từ quý II/2020, Thế Giới Di Động được giới phân tích đánh giá như một tay "buôn tiền" hiệu quả. Bởi lẽ, trong giai đoạn từ quý II/2020 đến quý I/2022, ông lớn này đã khéo léo sử dụng các kỹ thuật về kỳ hạn và chênh lệch lãi suất để đạt được trạng thái doanh thu tài chính cao hơn 100 – 150 tỷ đồng so với chi phí tài chính, đem lại mức lợi nhuận ròng dương từ hoạt động tài chính.

Điển hình, trong 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu tài chính của Thế Giới Di Động lên tới 881 tỷ đồng, trong khi lãi tiền gửi là 686 tỷ đồng, chênh lệch lên tới 195 tỷ đồng. Xem xét BCTC của Thế Giới Di Động khi đó, đã có câu hỏi đặt ra rằng phải chăng Thế Giới Di Động đang dần trở thành một công ty đầu tư tài chính?

Tuy nhiên, nếu nhìn vào diễn biến chênh lệch giữa lãi tiền gửi và lãi vay của Thế Giới Di Động theo chu kỳ hàng năm trong một giai đoạn liên tục từ năm 2019 tới nay thì không phải lúc nào lãi gửi cũng lớn hơn lãi vay. Thậm chí, có những năm MWG lỗ nặng tới hơn 500 tỷ đồng khi so sánh chênh lệch giữa lãi gửi và vay.

Thế Giới Di Động: “Tay buôn tiền” vừa lãi kỷ lục 360 tỷ đồng từ chênh lệch vay – gửi, cũng từng có lúc “lỗ sấp mặt”
Tổng hợp theo BCTC của DN

Với khoản vay theo hạn mức tín dụng, thời gian nhận nợ của doanh nghiệp chỉ kéo dài từ vài chục ngày tới 6 tháng. Dư nợ trong năm có sự biến động lên xuống giữa các thời điểm tùy thuộc vào quy mô vốn lưu động nở ra hay co lại theo mùa vụ.

Điều này khiến cho nếu xét theo từng quý, chi phí lãi vay của doanh nghiệp có thể biến động mạnh. Do vậy, đánh giá doanh thu - chi phí tài chính của một doanh nghiệp theo từng năm thay vì từng quý sẽ đem lại cái nhìn tổng quan hơn.

Xét theo năm, chỉ có 2 năm 2021 và 2023, Thế Giới Di Động có chênh lệch giữa tiền gửi - tiền vay là số dương. Các năm khác, chênh lệch này đều là số âm.

Thế Giới Di Động: “Tay buôn tiền” vừa lãi kỷ lục 360 tỷ đồng từ chênh lệch vay – gửi, cũng từng có lúc “lỗ sấp mặt”
Tổng hợp theo BCTC của DN

Năm 2023 là một năm khó khăn chưa từng có của Thế Giới Di Động khi nhu cầu thị trường với lĩnh vực kinh doanh chính là điện thoại, máy tính, điện máy,... sụt giảm, sức mua đi xuống, biên lợi nhuận thu hẹp; những chuỗi khác như dược phẩm An Khang hay Bách Hóa Xanh chưa có lãi.

Ở góc độ tích cực, đây cũng là năm ông lớn này đã làm tốt hoạt động tài chính, phần nào giúp công ty vượt qua khó khăn trong ngắn hạn. Tính chung năm 2023, Thế Giới Di Động lãi 611 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, chiếm 89% lợi nhuận trước thuế của công ty. Trong đó, riêng chênh lệch giữa doanh thu từ lãi tiền gửi với chi phí lãi vay, chi phí thu xếp khoản vay đóng góp tới gần 380 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2023, số dư các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, bao gồm tiền gửi, trái phiếu,... của Thế Giới Di Động đạt 18.937 tỷ đồng, tăng 88% so với đầu năm.

Ngoài ra, khoản mục tài sản tăng đáng chú ý trên BCTC của Thế Giới Di Động năm vừa qua là khoản phải thu về cho vay ngắn hạn 2.069 tỷ đồng (tăng hơn 2.000 tỷ so với cùng kỳ). BCTC đã kiểm toán cũng không diễn giải chi tiết khoản mục này, chỉ cho biết đây là khoản cho vay ngắn hạn các công ty đối tác, hưởng lãi suất.

Thế Giới Di Động: “Tay buôn tiền” vừa lãi kỷ lục 360 tỷ đồng từ chênh lệch vay – gửi, cũng từng có lúc “lỗ sấp mặt”
Trích BCTC kiểm toán hợp nhất 2023 của TGDĐ

Bài toán tối ưu hóa dòng tiền

Mặc dù lãi tiền gửi của Thế Giới Di Động đã không ngừng tăng trong những năm qua nhưng không phải lúc nào hoạt động "buôn tiền" của doanh nghiệp này cũng thuận lợi. Như năm 2022, trong bối cảnh lãi suất vay ra từ các ngân hàng thương mại tăng cao, Thế Giới Di Động bị lỗ tới 500 tỷ đồng cho hoạt động gửi, vay này.

Và cuối cùng thì cho dù lãi tài chính kỷ lục năm 2023, vẫn chẳng có Công ty đầu tư tài chính Thế Giới Di Động nào ở đây cả. Xuyên suốt trong định hướng, chiến lược của Ban lãnh đạo doanh nghiệp vẫn cho thấy sự tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, không ngừng tìm mọi cách mở rộng theo cả chiều ngang và chiều dọc.

Đầu tư tài chính với MWG chỉ là một trong những biện pháp giúp sử dụng đồng vốn hiệu quả, tối ưu hóa dòng tiền và mang lại nhiều lợi ích hơn cho cổ đông.

Thế Giới Di Động: “Tay buôn tiền” vừa lãi kỷ lục 360 tỷ đồng từ chênh lệch vay – gửi, cũng từng có lúc “lỗ sấp mặt”
Cửa hàng Bách hóa Xanh của Thế Giới Di Động

Trả lời nhà đầu tư về khoản mục cho vay hơn 2.000 tỷ trên bảng cân đối cuối năm 2023, mới đây, một lãnh đạo phụ trách tài chính của Thế Giới Di Động cho biết: "MWG có dòng tiền mạnh mẽ. Trong lúc chưa sử dụng, công ty có những hoạt động đầu tư và cho vay ngắn hạn để tối ưu hóa dòng tiền. Tuy nhiên, nguyên tắc của công ty là đặt an toàn lên hàng đầu".

Vị này cũng chia sẻ, ngay cả trong những thời điểm nóng của trái phiếu, công ty không gặp rủi ro lớn, vẫn bảo vệ được dòng tiền kinh doanh tốt và có lợi nhuận tài chính.

>> Nhiều ông chủ ngân hàng vượt tỷ lệ sở hữu tối đa sẽ phải làm gì khi Luật Các tổ chức tín dụng mới có hiệu lực từ 01/7/2024?

Công ty quản lý nợ của Eximbank - đơn vị có cán bộ 'máy móc' đòi nợ 8,8 tỷ đồng vụ thẻ tín dụng làm ăn ra sao?

Một ngân hàng dự kiến không chia cổ tức, đặt mục tiêu lợi nhuận gấp đôi năm trước

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/the-gioi-di-dong-tay-buon-tien-vua-lai-ky-luc-360-ty-dong-tu-chenh-lech-vay-gui-cung-tung-co-luc-lo-sap-mat-229483.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thế Giới Di Động: 'Tay buôn tiền' vừa lãi kỷ lục 380 tỷ đồng từ chênh lệch vay gửi, cũng từng có lúc “lỗ sấp mặt”
    POWERED BY ONECMS & INTECH