Thêm 2 tuyến đường cao tốc phải xóa dòng chữ ‘Đường Sơn Hải bảo hành 10 năm’
Theo Khu Quản lý Đường bộ III, do không trực tiếp quản lý và vận hành tuyến đường, đơn chỉ có thể gửi văn bản để thúc giục Tập đoàn Sơn Hải tự giác tiến hành xóa bỏ dòng chữ trên.
Theo Báo Dân trí, đại diện đơn vị quản lý vận hành cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 cho biết, họ đã nhận được yêu cầu từ Khu Quản lý Đường bộ II về việc xóa dòng chữ “Đường Sơn Hải bảo hành 10 năm” trên tuyến đường.
Hiện nay, trên cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, dự án có hai vị trí đặt biển cam kết bảo hành 10 năm của Tập đoàn Sơn Hải - tương ứng với gói thầu 10-XL mà tập đoàn này thực hiện.
Khu Quản lý Đường bộ II đã yêu cầu đơn vị quản lý vận hành cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 tự xóa dòng chữ cam kết bảo hành của Tập đoàn Sơn Hải, sau nhiều lần nhắc nhở nhưng không nhận được sự chủ động từ phía nhà thầu.
Nguồn: Internet |
Đối với cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Giám đốc Khu Quản lý Đường bộ III cho biết, cách đây một năm, đơn vị đã thực hiện rà soát và yêu cầu nhà thầu dự án xóa dòng chữ bảo hành 10 năm, vì dòng chữ này không nằm trong hồ sơ thiết kế chính thức.
> > Dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng qua 2 tỉnh ven biển có giá trị gần 20.000 tỷ đồng
Sau sự việc trên cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, Khu Quản lý Đường bộ III gần đây đã tiến hành rà soát và phát hiện Tập đoàn Sơn Hải vẫn chưa xóa dòng chữ như yêu cầu trước đó. Do đó, đơn vị này vừa tiếp tục gửi văn bản yêu cầu tập đoàn thực hiện việc xóa bỏ dòng chữ này.
Theo Phó Giám đốc Khu Quản lý Đường bộ III, tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được đầu tư theo phương thức BOT với nhà đầu tư dự án là Tập đoàn Sơn Hải. Tuy nhiên, do không trực tiếp quản lý và vận hành tuyến đường, Khu Quản lý Đường bộ III chỉ có thể gửi văn bản để thúc giục Tập đoàn Sơn Hải tự giác tiến hành xóa bỏ dòng chữ trên.
Trước đó, vào ngày 4/11,ông Lê Hồng Điệp -Trưởng phòng Quản lý tổ chức giao thông thuộc Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, các đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra hồ sơ hoàn công và nghiệm thu thanh toán của dự án để xác định biển báo do nhà thầu tự ý lắp đặt hay có trong dự toán. Đáng chú ý, tất cả biển báo trên đường nếu ghi "Đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" sẽ phải chỉnh sửa.
Trưởng phòng Quản lý Tổ chức Giao thông thuộc Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, nhà thầu có thể cắm biển nhỏ ghi thông tin bảo hành bên ngoài hành lang an toàn giao thông của cao tốc, nhưng tuyệt đối không được cắm biển thông tin giới thiệu, quảng cáo trên đường.
Hiện nay, các nội dung cam kết bảo hành 10 năm của Tập đoàn Sơn Hải tồn tại trên cao tốc dưới 2 dạng: Đặt trong biển báo giao thông hoặc trong biển thông báo cắm bên lề đường. Theo nhà chức trách đường bộ, cả 2 dạng tồn tại này đều phải xóa bỏ, bởi vì không đúng theo hồ sơ thiết kế.
Đến ngày 6/11 vừa qua, Cục Đường bộ Việt Nam cũng có thông cáo phản hồi về việc Tập đoàn Sơn Hải "tố" biển báo giao thông trên tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu bị xóa dòng chữ "Đường Sơn Hải bảo hành 10 năm", gây ra thiệt hại tài sản của doanh nghiệp.
Cục Đường bộ cho biết, Luật Giao thông đường bộ quy định: "Không được gắn vào công trình báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của công trình báo hiệu đường bộ".
Hơn nữa, hồ sơ thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công của dự án cũng không có nội dung ghi thời gian bảo hành công trình hoặc cam kết về thời gian bảo hành công trình trên biển báo.
Vì vậy, Cục Đường bộ kết luận rằng, việc gắn chữ dòng chữ "Đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" trên biển báo hiệu đường bộ của dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu là chưa phù hợp theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, QCVN 41:2019/BGTVT và hồ sơ thiết kế dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Trong thông cáo này, Cục Đường bộ cũng làm rõ thông tin cho rằng nhà chức trách đã xóa bỏ và tháo dỡ dòng chữ trên biển báo mà không thông báo trước với nhà thầu, gây thiệt hại tài sản của nhà thầu. Theo đó, sau khi phát hiện trên tuyến có 8 biển báo mang nội dung không phù hợp, Khu quản lý đường bộ II đã có nhiều văn bản yêu cầu PMU 6 chỉ đạo nhà thầu tháo dỡ. Tuy nhiên đến tháng 10, nhà thầu vẫn không thực hiện khắc phục.
Sau đó, Khu quản lý đường bộ II đã chỉ đạo doanh nghiệp VIDIFI (đơn vị được thuê quản lý vận hành tuyến đường) thực hiện xóa dòng chữ cam kết của Tập đoàn Sơn Hải trên các biển báo thuộc tuyến cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu.
Hệ thống biển báo hiệu trên đường cao tốc là bộ phận quan trọng, nên yêu cầu thông tin trên biển báo phải rõ ràng, dễ nhận biết, tránh gây hiểu lầm, gây mất tập trung cho người điều khiển phương tiện. Vì vậy, Cục Đường bộ kết luận, để phát huy hiệu quả đầu tư và đảm bảo an toàn khi lưu thông trên cao tốc, việc Khu II yêu cầu đơn vị quản lý bảo dưỡng thường xuyên, khắc phục những tồn tại của biển báo hiệu nêu trên là cần thiết và phù hợp quy định của pháp luật.