So với lần cập nhật tháng 10/2023, danh sách nội dung ‘đã được xác thực’ trên mạng (White List) sử dụng cho hoạt động quảng cáo mà Bộ TT&TT mới công bố đã có thêm 947 tài khoản, kênh nội dung, trang và nhóm cộng đồng.
Danh sách nội dung ‘đã được xác thực’ trên mạng (White List) sử dụng cho hoạt động quảng cáo vừa được Bộ TT&TT tiếp tục cập nhật. Đây là lần thứ 3 danh sách này được Bộ TT&TT công bố công khai.
Việc xây dựng và công bố White List và Black List - danh sách nội dung vi phạm là một trong những giải pháp được Bộ TT&TT triển khai từ khoảng giữa năm 2022 nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên Internet.
>> Đề xuất mới về phân bổ, cho thuê, đổi số thuê bao viễn thông
Cụ thể, White List là danh sách những tài khoản, kênh nội dung, trang và nhóm cộng đồng của các các cơ quan báo chí, đài phát thanh truyền hình cùng các tổ chức, cá nhân mà Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử khuyến nghị các nhãn hàng, doanh nghiệp xem xét lựa chọn để quảng cáo sản phẩm. Qua đó, đảm bảo an toàn thương hiệu và góp phần phát triển hệ sinh thái quảng cáo và nội dung số Việt Nam an toàn, lành mạnh
Trong khi đó, Black List tập hợp các website có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ TT&TT đề nghị người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo cần nắm được và không hợp tác phát hành sản phẩm quảng cáo trên những trang web này.
White List được Bộ TT&TT công bố lần đầu vào tháng 3/2023 và thời gian qua đã 2 lần được cập nhật, lần lượt vào tháng 10/2023 và tháng 2/2024. Ở lần cập nhật mới, White List gồm 3.066 tài khoản, kênh nội dung, trang cộng đồng và nhóm cộng đồng của các cơ quan báo chí; các đài phát thanh truyền, truyền hình và đơn vị hoạt động truyền hình; các tổ chức, cá nhân hoạt động cung cấp, sáng tạo, khai thác nội dung số.
Như vậy, so với lần cập nhật vào tháng 10/2023, White List đã tăng thêm 947 tài khoản, kênh nội dung, trang cộng đồng và nhóm cộng đồng, tập trung chủ yếu ở nhóm tổ chức, cá nhân hoạt động cung cấp, sáng tạo, khai thác nội dung số.
Với Black List, tính từ tháng 5/2022 cho đến đầu năm nay, Bộ TT&TT đã 4 lần công bố danh sách các website có dấu hiệu vi phạm pháp luật để yêu cầu các nhãn hàng và doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo lưu ý, không phát hành sản phẩm quảng cáo trên các trang web này.
Trong lần công bố vào tháng 1/2024, danh sách các trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật là 403 trang, bao gồm các website cung cấp nội dung quảng cáo cá độ, cung cấp trò chơi điện tử trái phép có tính chất cờ bạc, đổi thưởng... Danh sách này là tổng hợp của các website vi phạm được Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử rà soát và công bố trong hai năm 2022 và 2023, với 24 trang công bố hồi tháng 5/2022, 49 trang cập nhật tháng 9/2022, 98 trang công bố vào tháng 12/2022 và 232 trang cập nhật tại thời điểm cuối năm 2023.
Việc Bộ TT&TT thường xuyên rà soát và công bố danh sách các trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật đề nghị không phát hành quảng cáo cũng nhằm thực hiện quy định tại các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo.
Các nhãn hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo có thể tra cứu các trang, kênh, tài khoản thuộc White List và Black List sử dụng trong hoạt động quảng cáo trên cổng thông tin điện tử của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử tại địa chỉ abei.gov.vn
Theo chia sẻ của đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử tại thời điểm White List mới được công bố lần đầu, cả White List và Black List về quảng cáo trên mạng đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại lý quảng cáo lớn và không ít doanh nghiệp đã sử dụng các danh sách này khi lựa chọn kênh quảng cáo sản phẩm, nhãn hàng.
>> iPhone ‘càn quét’ danh sách smartphone bán chạy nhất 2023
Anh cấm quảng cáo đồ ăn nhanh dành cho trẻ em
Rời chiêu trò "câu view", dòng tiền quảng cáo dần tìm đến nội dung sạch