Thị trường đỏ lửa, giới bán khống ‘hốt bạc’ 159 tỷ USD trong chưa đầy 1 tuần
Thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua cú lao dốc mạnh nhất kể từ năm 2022, nhưng giới đầu cơ lại âm thầm thu về khoản lợi nhuận khổng lồ chỉ trong chưa đầy một tuần.
Việc ông Trump tuyên bố hoãn áp thuế với hơn 75 quốc gia đã giúp thị trường chứng khoán Mỹ có 1 phiên bùng nổ. Tuy nhiên, trước đó TTCK Mỹ đã lao dốc hơn 10% sau khi cuộc chiến liên tiếp leo thang, và trong lúc đó các nhà đầu cơ đã thu về khoản lợi nhuận trên giấy lên tới 159 tỷ USD chỉ trong 6 phiên giao dịch.
Theo dữ liệu từ S3 Partners LLC, đợt sụt giảm mạnh nhất của thị trường kể từ năm 2022, xuất phát từ tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc áp thuế quy mô toàn cầu, đã biến quỹ ETF theo dõi chỉ số S&P 500 (SPY) trở thành kèo bán khống "đắt giá" nhất trong giai đoạn này.
Cụ thể, các nhà giao dịch đặt cược vào sự sụt giảm của quỹ SPY đã ghi nhận lợi nhuận trên giấy hơn 6,1 tỷ USD chỉ trong tháng 4.

Đợt lao dốc vừa qua cũng mang đến cơ hội sinh lời lớn cho giới đầu cơ nhờ những biến động dữ dội trong phiên, dù lợi nhuận thực sự vẫn còn phụ thuộc vào thời điểm họ quyết định chốt lời.
Riêng trong tháng 4, đã có thêm 46 tỷ USD các lệnh bán khống mới được mở, theo S3. Điều này đặt ra nguy cơ khiến đà biến động tiếp theo của thị trường trở nên dữ dội hơn, nhất là nếu thị trường đảo chiều và bật tăng trở lại.
“Toàn thị trường trong đợt điều chỉnh này, phe bán khống đã có một thương vụ cực kỳ sinh lời”, ông Ihor Dusaniwsky, Giám đốc phân tích dự báo tại S3 nhận định. “81% các lệnh bán khống đều có lời, và 97% tổng giá trị bán khống đều sinh lời”.
Bên cạnh SPY, các cổ phiếu khác mang lại lợi nhuận lớn cho phe bán khống bao gồm Apple, Nvidia và Tesla. Quỹ ETF Invesco QQQ Trust Series cũng lọt vào top 5 khoản bán khống có lợi nhuận cao nhất tháng 4, với mỗi mã trong nhóm này đều mang lại trên 2 tỷ USD lợi nhuận trên giấy cho giới đầu cơ.
Đáng chú ý, phần lớn cổ phiếu thuộc nhóm “Magnificent 7”, gồm những gã khổng lồ công nghệ như Meta, Amazon và Microsoft, đều góp mặt trong danh sách này, như Meta, Amazon và Microsoft. Ngoài Nvidia, phe bán khống cũng thu lợi lớn từ các mã chip như AMD, Broadcom và Micron Technology.
Tổng giá trị bán khống toàn thị trường đã giảm 114 tỷ USD, phần lớn là do giá cổ phiếu sụt giảm. Nếu thị trường bật tăng trở lại, phe bán khống sẽ phải mua lại cổ phiếu để đóng vị thế, từ đó có thể thúc đẩy đà phục hồi của thị trường chung.
“Khi thị trường tạo đáy và bắt đầu hồi phục, chúng ta sẽ thấy làn sóng mua lại để đóng vị thế bán khống. Việc này xảy ra khi giá trị cổ phiếu bán khống tăng lên khiến danh mục bị lệch, buộc các nhà đầu tư phải chốt lời”, ông Dusaniwsky lý giải. “Lúc đó, những người bán khống sẽ chen chúc với các nhà đầu tư theo đà và FOMO để mua vào, gây ra biến động dữ dội như đã từng xảy ra khi thị trường lao dốc”.
>> Bộ trưởng Tài chính Mỹ gợi ý ‘chìa khóa’ để đàm phán hòa giải căng thẳng với Trung Quốc
Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ, ông Trump khuyên: 'Bình tĩnh nào! Đây là thời điểm tuyệt vời để mua vào'
Chứng khoán Mỹ đỏ lửa trước thềm chính thức áp thuế kỷ lục 104% lên Trung Quốc