Bất động sản

Thiên Khôi Group: Khoe quy mô 32.000 nhân sự nhưng đăng ký thuế chỉ 5 người?

Thanh Sơn 16/08/2024 15:06

Dù được giới thiệu cơ cấu doanh nghiệp có 1.900 lãnh đạo/quản lý các cấp và 32.000 thành viên nhưng doanh nghiệp này đăng ký thuế chỉ có 5 người.

Tiền thân là Công ty Cổ phần (CTCP) Bất động sản Thiên Khôi, CTCP Tập đoàn Thiên Khôi ra đời vào tháng 3/2020, trụ sở tại tầng 5, tòa nhà 18 Tam Trinh (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội).

Theo như giới thiệu trên website chính thức của CTCP Tập đoàn Thiên Khôi, doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực "Tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất".

Ở thời điểm thành lập, CTCP Bất động sản Thiên Khôi có vốn điều lệ là 8 tỷ đồng.

Các cổ đông sáng lập bao gồm: Nguyễn Thành Dũng nắm 85% cổ phần (góp 6,8 tỷ đồng); Đoàn Hà Hải Trinh nắm 10% cổ phần (góp 800 triệu đồng); Nguyễn Thị Bến nắm giữ 5% cổ phần (góp 400 triệu đồng).

Một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội khoe quy mô 32.000 nhân sự nhưng đăng ký thuế chỉ 5 người?
Những thông tin được giới thiệu trên website của CTCP Tập đoàn Thiên Khôi. Ảnh chụp màn hình

Theo tìm hiểu, chỉ vài ngày sau khi thành lập, CTCP Bất động sản Thiên Khôi đã tiến hành nâng vốn điều lệ từ 8 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng.

>> Dự thảo bảng giá đất ở 5 huyện ngoại thành có nơi tăng 50 lần: TP. HCM nói gì?

Ngoài ra, từ 2 ngành nghề kinh doanh ban đầu, doanh nghiệp này cũng đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh lên 7 ngành nghề, trong đó có hoạt động hỗ trợ tài chính và phục vụ ăn uống.

Đến tháng 12/2022, CTCP Bất động sản Thiên Khôi chính thức đổi tên thành CTCP Tập đoàn Thiên Khôi (Thiên Khôi Group).

Đáng nói, trên website chính thức của Thiên Khôi Group, tập đoàn này giới thiệu có 28 trụ sở với 300 khối/phòng kinh doanh, có 1.900 lãnh đạo và quản lý các cấp với 32.000 thành viên.

Tuy nhiên, trong công bố nội dung đăng ký thay đổi doanh nghiệp vào tháng 7/2023, tổng số lao động của Thiên Khôi Group lại chỉ vỏn vẹn có... 5 người.

Một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội khoe quy mô 32.000 nhân sự nhưng đăng ký thuế chỉ 5 người?
Thông tin đăng ký thuế của doanh nghiệp này là 5 lao động. Ảnh: Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance

Người đại diện pháp luật hiện tại là ông Nguyễn Thành Dũng (sinh năm 1979, ngụ tại ngõ 68 Nguyên Hồng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội). Ông Dũng cũng là Tổng Giám đốc của Thiên Khôi Group thời điểm hiện tại.

Ngoài việc đảm nhiệm vai trò tại Thiên Khôi Group, ông Dũng cũng là đại diện pháp luật của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thiên Khôi.

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thiên Khôi được thành lập vào tháng 3/2019, hiện có trụ sở tại tầng 2, tòa nhà Mipec Tower, số 229 Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, TP. Hà Nội.

Doanh nghiệp này được thành lập với vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Tập đoàn Thiên Khôi đóng góp 450 triệu (tương đương 45% cổ phần); ông Nguyễn Thành Dũng góp 550 triệu (tương đương 55% cổ phần).

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thiên Khôi hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn, môi giới, đấu giá BĐS, đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng tổng số lao động theo đăng ký của doanh nghiệp này cũng chỉ có 2 người.

Ông Nguyễn Thành Dũng hiện vừa là người đại diện pháp luật cũng là Giám đốc của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thiên Khôi.

Theo chia sẻ của Luật sư Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật Việt Phong, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), hiện nay đa phần trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, các doanh nghiệp đều chỉ kê khai số lượng nhân viên ban đầu có hợp đồng lao động chính thức được ghi trong hồ sơ đăng ký kinh doanh là "dự kiến", sau này có thể thay đổi quy mô, số lượng tùy từng doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội khoe quy mô 32.000 nhân sự nhưng đăng ký thuế chỉ 5 người?
Mẫu thông tin đăng ký thành lập doanh nghiệp, phần số lượng lao động đều ghi dự kiến. Ảnh: Internet

Đối với các công ty, doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực bất động sản (BĐS), đa phần lượng số lượng người làm chính rất ít mà chủ yếu là mạng lưới môi giới hoạt động trên danh nghĩa cộng tác viên, hưởng lợi hoa hồng từ các thương vụ sale các dự án BĐS.

Tuy nhiên theo quy định Căn cứ theo Điểm b, i Khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về khấu trừ thuế và chứng từ khấu trừ thuế, nếu cộng tác viên ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng và hợp đồng dịch vụ có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cộng tác viên.

Trường hợp cộng tác viên ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên sẽ thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần.

Như vậy, không kể hợp đồng cộng tác viên được giao kết dưới hình thức loại hợp đồng lao động hay hợp đồng dịch vụ thì thu nhập đều sẽ dùng để khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.

Công ty có bắt buộc đóng Thuế thu nhập cá nhân cho nhân viên hay không?

Căn cứ tại Khoản 1 Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài Chính, quy định rõ:

"Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân và quyết toán thuế thu nhập cá nhân thay cho các cá nhân có ủy quyền không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân".

Do đó, các công ty đóng thuế thu nhập cá nhân cho nhân viên là bắt buộc. Ý nghĩa đóng thuế thu nhập cá nhân ở đây là công ty thực hiện kê khai và nộp thuế thay cho người lao động. Đóng thuế TNCN vẫn là nghĩa vụ của người lao động.

Doanh nghiệp trốn thuế bị xử lý ra sao?

Theo như quy định, người đại diện doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp.

Đồng thời, người đại diện pháp luật có trách nhiệm đại diện cho doanh nghiệp với tư cách yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan trước trọng tài, tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác.

Việc xử phạt các hành vi trốn thuế trong lĩnh vực doanh nghiệp được chia làm 2 hình thức: Bao gồm xử lý hành chính và xử lý hình sự.

Xử lý hành chính

Căn cứ Điều 12 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về việc xử phạt hành chính đối với các trường hợp sau:

"Điều 12. Xử phạt hành vi khai sai, khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế không dẫn đến thiểu số tiền khai nộp hoặc không dẫn đến tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn.

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi khai sai, khai không đầy đủ các chỉ tiêu trong hồ sơ thuế nhưng không liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế, trừ hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.

- Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng đối với hành vi khai sai, khai không đầy đủ các chỉ tiêu trên tờ khai thuế, các phụ lục kèm theo tờ khai thuế nhưng không liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Khai sai, khai không đầy đủ các chỉ tiêu liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế trong hồ sơ thuế;

+ Hành vi quy định tại Khoản 3 Điều 16; Khoản 7 Điều 17 Nghị định này.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc khai lại và nộp bổ sung các tài liệu trong hồ sơ thuế đối với hành vi quy định tại Khoản 1, 2 và Điểm a Khoản 3 Điều này;

+ Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau (nếu có) đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này".

Xử lý hình sự

Căn cứ Khoản 3 Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 và Khoản 5 Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về hình thức xử phạt hình sự đối với các hành vi trốn thuế như sau:

"Khoản 3, Điều 200.

Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

Khoản 5, Điều 200. Pháp nhân thương mại quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm".

Như vậy, mức phạt đối với hành vi trốn thuế doanh nghiệp thấp nhất là 500.000 đồng và cao nhất có thể lên đến 10.000.000.000 đồng, nếu là cá nhân có thể bị phạt tù lên đến 7 năm.

>> Thị trường bất động sản được 'rót' hơn 1,2 triệu tỷ đồng

'Đại gia' đứng top 3 sản xuất tuabin gió lớn nhất thế giới tham vọng đặt một nhà máy ở Hải Phòng

Chuyên gia nói về đấu giá đất Thanh Oai 100 triệu đồng/m2: Cung ít cầu nhiều, người dân đói đầu tư lắm rồi

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/mot-doanh-nghiep-bat-dong-san-tai-ha-noi-khoe-quy-mo-32000-nhan-su-nhung-dang-ky-thue-chi-5-nguoi-245570.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thiên Khôi Group: Khoe quy mô 32.000 nhân sự nhưng đăng ký thuế chỉ 5 người?
    POWERED BY ONECMS & INTECH