Thế giới

Thoát bóng Mỹ: Trung Quốc âm thầm chi 3,5 tỷ USD xây siêu cảng, trải đường sắt xuyên qua ‘kho lương thực của địa cầu’

Thanh Lê 14/05/2025 21:32

Trung Quốc khẳng định có thể đảm bảo nguồn cung lương thực mà không cần đến nông sản Mỹ. Nhưng để hiện thực hóa điều đó, nước này trước tiên phải tháo gỡ “nút thắt” mang tên Santos – cảng biển lớn nhất Nam Mỹ, đang trong tình trạng quá tải và xuống cấp trầm trọng.

Nằm bên bờ Đại Tây Dương, cảng Santos là cửa ngõ chính để Brazil – nước xuất khẩu đậu nành hàng đầu thế giới – đưa nông sản ra thị trường toàn cầu. Với Trung Quốc, đây gần như là lựa chọn khả dĩ duy nhất nếu muốn giảm phụ thuộc vào đậu nành, ngô và đường từ Mỹ – nhóm hàng vốn vẫn chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch nhập khẩu của nước này.

Thoát bóng Mỹ: Trung Quốc âm thầm chi 3,5 tỷ USD xây siêu cảng, trải đường sắt xuyên qua ‘kho lương thực của địa cầu’ - ảnh 1
Cofco đang xây dựng nhà ga xuất khẩu lớn nhất bên ngoài Trung Quốc tại cảng Santos của Brazil

Nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của Santos, tập đoàn nông nghiệp quốc doanh Cofco của Trung Quốc đang xây dựng nhà ga xuất khẩu lớn nhất bên ngoài lãnh thổ, nhằm nâng công suất vận chuyển hàng năm từ 4,5 triệu tấn lên 14 triệu tấn. Tuy nhiên, dự án này sẽ chưa thể hoạt động hết công suất cho tới năm sau.

Hạ tầng cũ kỹ, tắc nghẽn trầm trọng

Dù đóng vai trò đầu mối, cảng Santos hiện đang “quá tải” nghiêm trọng. Năm ngoái, cảng này xử lý lượng hàng hóa kỷ lục 180 triệu tấn – khoảng 60% là hàng nông sản. Nhưng hơn 90% công suất xuất khẩu ngũ cốc ở Brazil đã được sử dụng, vượt quá ngưỡng an toàn 85%, theo công ty tư vấn Macroinfra.

Do thiếu hệ thống đường sắt như ở Mỹ, đậu nành và ngô chủ yếu được vận chuyển đến Santos bằng xe tải – lên tới 20.000 chuyến mỗi ngày, gây ra các hàng dài xe nối đuôi nhau tới 30km dọc đường cao tốc.

Một giáo viên ở thành phố Santos thốt lên: “Chúa mới biết mọi thứ rời khỏi đất nước này bằng cách nào”.

Thực tế, hạ tầng giao thông cũ kỹ đang là lực cản lớn với Brazil – quốc gia được Trung Quốc kỳ vọng sẽ thay thế Mỹ làm nguồn cung nông sản chiến lược.

Đầu tư ồ ạt để mở đường sang Nam Mỹ

Trung Quốc đã có những bước đi mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa kế hoạch chuyển hướng thương mại nông sản. Cofco đã mua lại nhà kinh doanh ngũ cốc Hà Lan Nidera và mảng nông nghiệp của tập đoàn Noble (Hong Kong) từ năm 2014, trước khi giành quyền khai thác bến cảng STS11 ở Santos trong 25 năm, cam kết đầu tư 285 triệu USD.

Thoát bóng Mỹ: Trung Quốc âm thầm chi 3,5 tỷ USD xây siêu cảng, trải đường sắt xuyên qua ‘kho lương thực của địa cầu’ - ảnh 2
Một công nhân tại nhà ga Cofco ở Cảng Santos

Trước đó, tập đoàn China Merchants Port Holdings cũng đã chi 925 triệu USD để mua 90% cổ phần cảng Paranagúa ở miền nam Brazil. Cùng lúc, công ty China Railway đang xây dựng tuyến đường sắt kết nối trung tâm nông nghiệp Brazil với các cảng phía đông và bắc.

Tại Peru, Cosco Shipping đã hoàn thiện một siêu cảng nước sâu trị giá 3,5 tỷ USD bên bờ Thái Bình Dương, nhằm rút ngắn thời gian giao thương với châu Á. Bắc Kinh cũng đang đàm phán với các chính phủ trong khu vực về một tuyến đường sắt xuyên lục địa, nối từ Peru sang bờ Đại Tây Dương của Brazil.

Những dự án này càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ ngày một gia tăng. Trong cuộc gặp tại Bắc Kinh hôm thứ Hai, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thảo luận với Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva về việc thúc đẩy mối quan hệ song phương.

Thoát bóng Mỹ: Trung Quốc âm thầm chi 3,5 tỷ USD xây siêu cảng, trải đường sắt xuyên qua ‘kho lương thực của địa cầu’ - ảnh 3
Nhà ga Cofco tại cảng Santos dự kiến sẽ không đạt công suất tối đa cho đến năm sau

Brazil hoan nghênh làn sóng đầu tư nước ngoài để cải thiện hệ thống hạ tầng vốn yếu kém. “Chúng tôi cần thêm rất nhiều hạ tầng,” Bộ trưởng Giao thông Brazil Renan Filho nói.

Trung Quốc giảm phụ thuộc Mỹ, Brazil hưởng lợi

Giới chức Trung Quốc tuyên bố có thể dễ dàng từ bỏ nhập khẩu nông sản Mỹ mà vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay. Các nhà phân tích nhận định Brazil – và phần nào là Argentina – sẽ lấp đầy khoảng trống.

Trên thực tế, Brazil đã từng hưởng lợi lớn từ cuộc chiến thương mại dưới thời Tổng thống Trump. Giai đoạn 2017–2024, nhập khẩu đậu nành Brazil của Trung Quốc tăng 35% lên 73 triệu tấn, trong khi lượng nhập từ Mỹ giảm 14% còn 27 triệu tấn, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington.

“Chúng ta chỉ cần nhìn lại nhiệm kỳ đầu của ông Trump,” bà Cláudia Trevisan – Giám đốc Hội đồng Doanh nghiệp Brazil-Trung Quốc – nói. “Trump áp thuế lên hàng Trung Quốc, Trung Quốc trả đũa, và Brazil liền tăng xuất khẩu sang Trung Quốc những mặt hàng từng do Mỹ cung cấp, chủ yếu là đậu nành”.

Tính đến năm 2023, Brazil chiếm khoảng 25% tổng lượng nông sản nhập khẩu của Trung Quốc, trong khi Mỹ giảm còn 14%. Riêng đậu nành, Brazil hiện cung cấp khoảng 70% lượng nhập khẩu của Trung Quốc – trong đó 30% đi qua cảng Santos.

Thoát bóng Mỹ: Trung Quốc âm thầm chi 3,5 tỷ USD xây siêu cảng, trải đường sắt xuyên qua ‘kho lương thực của địa cầu’ - ảnh 4
Góc nhìn từ máy bay không người lái cho thấy các silo đang được xây dựng tại nhà ga xuất khẩu Cofco ở cảng Santos

Tuy nhiên, Brazil cũng đối mặt với những thách thức riêng. Khí hậu ôn hòa cho phép nước này canh tác ba vụ mỗi năm – nhiều hơn phần lớn quốc gia khác. Song điều này khiến đất bạc màu nhanh, đặc biệt là do đất sét ở Brazil khó giữ lại khoáng chất khi mưa lớn, khiến phân bón trở thành yếu tố sống còn.

Brazil nhập khẩu tới 85% lượng phân bón – chủ yếu từ Nga. Sau cuộc chiến Ukraine, nước này đã gặp khó trong việc đảm bảo nguồn cung. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Canada – một nhà cung cấp phân bón lớn – càng đẩy giá thế giới tăng cao.

“Brazil có rất nhiều tiềm năng, đúng vậy. Nhưng không thể chỉ cần vung đũa thần là có thể mở rộng sản xuất ngay lập tức để đáp ứng nhu cầu khổng lồ từ Trung Quốc,” ông Plinio Nastari, Giám đốc công ty tư vấn nông nghiệp Datagro, nhận định.

Theo WSJ

>> Bữa ăn tối đắt đỏ nhất chính trường Mỹ cùng ông Trump: Ai được mời?'

Hơn 2.000 binh sĩ, robot chiến đấu góp mặt: Campuchia và Trung Quốc tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay

Con trai ‘ông trùm’ bất động sản Trung Quốc bị cấm xuất cảnh, chuyện gì đang xảy ra?

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/thoat-bong-my-trung-quoc-am-tham-chi-35-ty-usd-xay-sieu-cang-trai-duong-sat-xuyen-qua-kho-luong-thuc-cua-dia-cau-142300.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thoát bóng Mỹ: Trung Quốc âm thầm chi 3,5 tỷ USD xây siêu cảng, trải đường sắt xuyên qua ‘kho lương thực của địa cầu’
    POWERED BY ONECMS & INTECH