Thống nhất làm đường ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai kết nối Đông Nam bộ
Các tỉnh Đông Nam bộ đánh giá, việc quy hoạch đường ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai có ý nghĩa quan trọng nhằm khai thác tiềm lực về kinh tế ven sông, cảng, du lịch, giao thông thủy.
Tại cuộc họp giữa lãnh đạo các tỉnh Đông Nam bộ mới đây, lãnh đạo các tỉnh này đã thống nhất chủ trương đề xuất định hướng quy hoạch ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, kết nối khu vực Đông Nam bộ.
Theo lãnh đạo các tỉnh này, quy hoạch ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai có ý nghĩa quan trọng nhằm khai thác tiềm lực về kinh tế ven sông, cảng, du lịch, giao thông thủy, bảo vệ môi trường, sinh thái, an ninh nguồn nước của các địa phương.
Qua đó, các tỉnh này đồng ý giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM chủ trì, phối hợp đơn vị tư vấn và các địa phương trong vùng nghiên cứu quy hoạch phát triển hành lang sông Sài Gòn kết nối đồng bộ, toàn diện hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cầu vượt sông, đường, bến thủy nội địa, cảng hàng hóa,...) với tỉnh Bình Dương và các tỉnh ở thượng nguồn.
Đồng thời, báo cáo, đề xuất UBND TP.HCM xem xét, chỉ đạo cập nhật vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060.
Phối hợp với Sở Xây dựng của các địa phương, tham mưu triển khai thực hiện quy hoạch này và gửi các địa phương góp ý, định hướng quy hoạch trong tháng 8 năm 2023.
Cũng tại cuộc họp, trước đề nghị của Đại học Quốc gia TP.HCM, lãnh đạo các tỉnh Đông Nam bộ cũng đồng ý chủ trương thực hiện kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực vùng, phục vụ chuyển đổi số của vùng.
Theo đó, các tỉnh, thành đề nghị Đại học Quốc gia TP.HCM nghiên cứu, tham vấn, phản biện, xây dựng chính sách trên các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; hỗ trợ, hình thành mạng lưới chia sẻ nguồn lực giáo dục, đào tạo cho các địa phương vùng Đông Nam Bộ.
Đồng thời, lập kế hoạch cụ thể gửi UBND các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ góp ý để thống nhất ký kết triển khai thực hiện chung cho vùng.
Tỉnh nhỏ nhất Đông Nam Bộ sắp đón thêm 1 thành phố trực thuộc
Tỉnh giàu có của Việt Nam tương lai ‘cất cánh’ lên TP trực thuộc Trung ương và sở hữu 26 đô thị