Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu phương án làm tàu điện ngầm kết nối sân bay 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam
Đánh giá cao tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió" của đơn vị thi công sân bay Long Thành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án kết nối với sân bay, trong đó bao gồm tàu điện ngầm, đường sắt...
Các dự án thành phần đang bám sát tiến độ
Chiều 24/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra tiến độ thi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Đây là lần thứ tư Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thị sát dự án trọng điểm quốc gia này.
Giai đoạn 1 của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành bao gồm 4 dự án thành phần.
Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn, Dự án thành phần 1 (trụ sở các cơ quan quản lý Nhà nước) hiện đang được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo đồng bộ với dự án thành phần 3.
Tuy nhiên, trụ sở các cơ quan kiểm dịch động/thực vật chưa được bố trí vốn nên chưa thể triển khai.
Dự án thành phần 2 (các công trình phục vụ quản lý bay) hiện đang thi công phần thân tháp không lưu và các hạng mục liên quan. Tháp không lưu đã đạt chiều cao 107,93m và cất nóc vào ngày 22/9 vừa qua.
Đối với Dự án thành phần 3, tiến độ đang rất khả quan. Gói thầu 5.10 (nhà ga hành khách) đã thực hiện khối lượng thi công hơn 8.300 tỷ đồng, tương đương hơn 25% giá trị hợp đồng.
Dự kiến toàn bộ phần xây dựng sẽ hoàn thành trước tháng 12/2025, việc lắp đặt thiết bị và vận hành thử bắt đầu từ đầu năm 2026, phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/8/2026.
Gói thầu 4.6 (đường cất hạ cánh, sân đỗ) đạt khối lượng thi công khoảng 2.015 tỷ đồng, tương đương 27,82%. Đường cất hạ cánh dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác kỹ thuật trước ngày 30/4/2025, vượt 3 tháng so với tiến độ hợp đồng.
Gói thầu 6.12 (tuyến đường kết nối T1, T2) đã thi công khối lượng khoảng 1.200 tỷ đồng, tương đương 50,5%, và dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2025.
Về Dự án thành phần 4, Cục Hàng không Việt Nam hiện đang hoàn thành 6 hồ sơ mời thầu đối với các công trình ưu tiên đầu tư, gồm 2 công trình hangar, 2 công trình suất ăn hàng không và 2 công trình xử lý vệ sinh tàu bay, bảo trì phương tiện phục vụ mặt đất.
Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ về tính cấp bách và thứ tự ưu tiên đầu tư đối với các công trình còn lại.
Hơn 10 triệu giờ lao động an toàn
Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Vũ Thế Phiệt báo cáo Thủ tướng rằng đơn vị đã điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu với mục tiêu đồng bộ khai thác cùng nhà ga hành khách.
Các gói thầu còn lại như nhà ga hàng hóa, nhà để xe và hệ thống ICT đều được lên kế hoạch tiến độ, đảm bảo hoàn thành trước ngày 31/8/2026 để khai thác đúng dịp Quốc khánh 2/9/2026.
Đến nay, toàn bộ công trường đã đạt hơn 10 triệu giờ lao động an toàn, trong đó hạng mục nhà ga hành khách đạt 5,8 triệu giờ.
Nhằm đảm bảo khai thác đồng bộ khi sân bay đi vào hoạt động, ACV đề nghị các bộ, ban ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần 4 và đồng thời nhấn mạnh việc mở rộng tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây là hết sức cần thiết.
Tiến độ tốt nhưng không chủ quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính sau khi kiểm tra và nghe báo cáo tại công trường đã đánh giá tiến độ cơ bản ổn định và khả quan hơn các lần trước, nhưng lãnh đạo Chính phủ cũng cảnh báo rằng không thể chủ quan vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt có thể ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Thủ tướng biểu dương các đơn vị tham gia dự án, bao gồm ACV, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, các nhà thầu, đơn vị thi công và hơn 6.000 kỹ sư, công nhân với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió”, làm việc bất kể thời tiết, xuyên lễ và Tết để đảm bảo tiến độ.
Thủ tướng cũng ghi nhận nỗ lực của tỉnh Đồng Nai và sự đóng góp của người dân trong việc sẵn sàng nhường đất, giao hơn 5.000ha cho dự án.
Theo lãnh đạo Chính phủ, Dự án sân bay Long Thành là biểu tượng của nhiệm kỳ Đại hội Đảng XIII, với quy mô đầu tư lớn và triển khai trong điều kiện rất khó khăn. Thủ tướng yêu cầu dự án phải cơ bản hoàn thành vào ngày 31/12/2025 để chào mừng các sự kiện lớn của đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh việc tiếp tục bám sát tiến độ, thi công khoa học và yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương báo cáo về phương án đầu tư đường băng cất/hạ cánh thứ hai.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long được giao nhiệm vụ chỉ đạo việc báo cáo và đề xuất bổ sung nội dung này vào chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
Các Bộ gồm GTVT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư cùng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng được yêu cầu thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc triển khai mở rộng cao tốc TP. HCM - Long Thành.
Ngoài ra, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan cũng cần khẩn trương nghiên cứu, triển khai các tuyến giao thông kết nối với sân bay Long Thành trong đó bao gồm cả phương án đường sắt, tàu điện ngầm…
Dự án sân bay Long Thành có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, chia thành 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 có vốn đầu tư 5,45 tỷ USD, công suất dự kiến 25 triệu lượt hành khách/năm và dự kiến khai thác vào năm 2026. Giai đoạn 2 sẽ được triển khai từ năm 2028 đến 2032, với công suất 50 triệu lượt khách/năm.
Giai đoạn 3, triển khai sau năm 2035, sẽ nâng công suất sân bay lên 100 triệu lượt khách/năm, biến Long Thành trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.
>> Tỉnh giàu nhất Việt Nam chính thức khánh thành tuyến đường tạo lực hơn 5.200 tỷ
Tuyến đường sắt đô thị tại TP. HCM sẽ hoàn thành vào tháng 11/2024
Tỉnh miền Trung sắp lên TP trực thuộc Trung ương ra quy định mới về tách thửa đất