Thủ tướng Chính phủ khuyến khích đặt tên xã phường theo số thứ tự, cần đảm bảo 4 tiêu chí
Thủ tướng Chính phủ khuyến khích đặt tên xã phường dễ nhớ, dễ đọc và ưu tiên sử dụng tên gọi đã có trước sáp nhập.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tái cơ cấu đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp vào ngày 14/4. Một trong những nội dung đáng chú ý là định hướng cách đặt tên mới cho các xã, phường sau khi sáp nhập.
Tên xã phường phải thuận tiện cho quá trình số hóa, cập nhật dữ liệu
Theo đó, Thủ tướng khuyến khích các địa phương đặt tên xã, phường theo số thứ tự hoặc kết hợp giữa tên huyện cũ và số thứ tự. Cách làm này được cho là sẽ tạo thuận lợi cho quá trình số hóa và cập nhật dữ liệu sau khi hoàn tất việc sáp nhập các đơn vị hành chính.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý tên gọi mới không được trùng với các đơn vị hành chính cùng cấp hiện có trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cũng như các tỉnh, thành phố mới đã được phê duyệt thành lập.
Ngoài ra, việc đặt tên cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa, đồng thời ưu tiên sử dụng tên gọi đã có trước khi sáp nhập. Mục tiêu là hạn chế xáo trộn trong việc chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý cho người dân và doanh nghiệp.

Tên gọi mới phải dễ đọc, dễ nhớ
Tên gọi mới cần đảm bảo các tiêu chí: Dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, đồng thời mang tính hệ thống, khoa học, phù hợp với xu thế hội nhập và khai thác tốt lợi thế của địa phương.
Một ví dụ thực tế là tại quận Đống Đa (Hà Nội), hai phường Văn Miếu và Quốc Tử Giám đã được sáp nhập thành phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ tháng 4/2024.
Về trung tâm hành chính – chính trị của các đơn vị hành chính mới, Thủ tướng yêu cầu lựa chọn một trong các trung tâm hiện có, ưu tiên vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng tốt, kết nối giao thông thuận tiện và có tiềm năng phát triển. Đồng thời, cần đảm bảo các yếu tố về quốc phòng, an ninh và sự hài hòa lợi ích giữa các địa phương được sáp nhập. Trong tương lai, các địa phương có thể nghiên cứu quy hoạch trung tâm hành chính mới phù hợp với định hướng phát triển.
Theo chủ trương đã được Trung ương thống nhất, mô hình chính quyền địa phương sẽ tổ chức theo hai cấp: Tỉnh và xã. Cấp huyện dự kiến chấm dứt hoạt động sau khi sửa đổi Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Dự kiến, số lượng đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm khoảng 60–70%.
Cũng theo Nghị quyết 60 của Trung ương ban hành ngày 12/4, 11 tỉnh, thành sẽ giữ nguyên trạng, còn lại 52 địa phương sẽ sáp nhập, rút gọn còn 23 tỉnh, thành. Sau khi hoàn tất, cả nước sẽ có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.
>> Thay đổi lớn trong Đảng bộ xã, phường sau sáp nhập, tỉnh ủy viên có thể làm Bí thư Đảng ủy xã