Thay đổi lớn trong Đảng bộ xã, phường sau sáp nhập, tỉnh ủy viên có thể làm Bí thư Đảng ủy xã
Bộ Chính trị vừa ban hành hướng dẫn về công tác nhân sự tại các cấp sau khi tiến hành hợp nhất, sáp nhập hoặc thành lập đơn vị hành chính mới.
Theo đó, tại các địa phương thuộc diện sáp nhập, nhân sự cấp tỉnh hoặc cán bộ cấp huyện được điều chuyển về cấp xã phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, đặc biệt là về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực lãnh đạo và tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm.
Trường hợp đặc biệt, Bí thư Đảng ủy xã, phường hoặc đặc khu có thể là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoặc Thành ủy, nếu địa bàn đó có vị trí chiến lược, quy mô kinh tế lớn, dân cư đông, cơ sở hạ tầng phát triển.
Ưu tiên cán bộ trẻ, không hạ thấp tiêu chuẩn vì cơ cấu
Hướng dẫn của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh việc ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số và cán bộ ngành khoa học – công nghệ, tuy nhiên không vì cơ cấu mà đánh đổi tiêu chuẩn, chất lượng.
Kiên quyết loại trừ tư tưởng cục bộ địa phương, lợi ích nhóm, hoặc dấu hiệu tiêu cực trong quá trình lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ. Những cá nhân từng bị kỷ luật trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, có sai phạm được cơ quan có thẩm quyền kết luận hoặc đang bị điều tra, thanh tra sẽ không được bố trí vào các vị trí cao hơn, có tính chiến lược hơn.

Nhân sự sau sáp nhập có thể vượt quy định tạm thời
Tại thời điểm sáp nhập, một số đơn vị có thể có số lượng cấp phó như Phó Chủ tịch HĐND, UBND hoặc thành viên các cơ quan lãnh đạo, kiểm tra vượt so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm, các đơn vị sẽ phải điều chỉnh về đúng cơ cấu theo luật định.
Đối với nhân sự cấp ủy, Ban Thường vụ, và Ủy ban Kiểm tra cấp tỉnh sau sáp nhập, quy trình bố trí sẽ gồm ba bước: Xây dựng và phê duyệt phương án nhân sự ở cấp địa phương; Gửi báo cáo Ban Tổ chức Trung ương xem xét, góp ý; Hoàn thiện phương án theo chỉ đạo cấp có thẩm quyền.
Đối với các vị trí chủ chốt như Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND, UBND, Trưởng đoàn ĐBQH và Ủy viên dự khuyết Trung ương là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy hoặc Thành ủy, Ban Tổ chức Trung ương sẽ xây dựng phương án riêng, báo cáo Tổng Bí thư và Thường trực Ban Bí thư để xin ý kiến chỉ đạo trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định.

Giữ nguyên một số địa phương, giảm mạnh số đơn vị cấp xã
Theo Nghị quyết số 60 ngày 12/4 của Trung ương, 11 địa phương gồm Hà Nội, Huế, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và 5 tỉnh miền núi phía Bắc sẽ giữ nguyên hiện trạng hành chính. Trong khi đó, 52 tỉnh, thành còn lại sẽ tiến hành sáp nhập, đưa tổng số đơn vị hành chính xuống còn 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.
Cấp huyện sẽ chấm dứt hoạt động sau khi Quốc hội thông qua sửa đổi Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (dự kiến vào năm 2025). Sau cải cách, bộ máy chính quyền sẽ được tổ chức lại theo 2 cấp: tỉnh và xã.
Để đảm bảo bộ máy vận hành liên tục, Bộ Chính trị yêu cầu các địa phương chủ động rà soát nguồn cán bộ tại cấp huyện và xã, lên phương án điều chuyển kịp thời khi tiến hành thành lập đơn vị hành chính cấp xã mới.
>> Sau sáp nhập các tỉnh thành, Nghệ An có còn là tỉnh rộng nhất trên bản đồ Việt Nam?