Thủ tướng: Chuẩn bị kỹ phương án đàm phán cụ thể với Mỹ về thuế đối ứng
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Việt Nam rất tôn trọng, giải quyết các vấn đề quan tâm của Mỹ và tiến hành đàm phán với Mỹ theo thỏa thuận cấp cao giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump.
Đây là kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra sáng nay (6/4).
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu tổng quát không thay đổi về ổn định và phát triển, gồm ổn định bên trong và bên ngoài. Trong đó, không thay đổi mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
Không hoảng hốt, bình tĩnh xử lý chủ động
Về ứng phó với các chính sách của các nước, nhất là thuế quan đối ứng của Mỹ, Thủ tướng nêu rõ tinh thần chung là không hoảng hốt, hoang mang, lo sợ mà giữ vững bản lĩnh, trí tuệ, bình tĩnh xử lý chủ động, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.
Người đứng đầu lưu ý, nắm chắc tình hình, đề ra kế hoạch, giải pháp cả trước mắt và lâu dài, trực tiếp và gián tiếp, cả thuế quan và phi thuế quan, thương mại và phi thương mại để có biện pháp tổng thể, chiến lược và cả giải pháp cụ thể, có trọng điểm và diện rộng.

Cùng với đó thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư Tô Lâm; coi đây là cơ hội để phấn đấu, vươn mình, vượt lên, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, sản xuất và xuất khẩu.
“Xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng phải thúc đẩy, nhưng không phải động lực duy nhất mà còn nhiều động lực quan trọng khác. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, nhưng không phải là thị trường duy nhất” - Thủ tướng nêu rõ.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Việt Nam rất tôn trọng, giải quyết các vấn đề quan tâm của Mỹ và tiến hành đàm phán với Mỹ theo thỏa thuận cấp cao giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump.
Trong đó, đặt quan hệ kinh tế - thương mại với Mỹ trong tổng thể quan hệ kinh tế, thương mại của Việt Nam với các nước, đặc biệt là các nước đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và các hiệp ước quốc tế khác, trên tinh thần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết và lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ với các đối tác.
Thủ tướng chỉ đạo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, các cơ quan rà soát, chuẩn bị kỹ phương án, kế hoạch đàm phán cụ thể với Mỹ; Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chỉ đạo Tổ công tác, các bộ, cơ quan liên quan rà soát, có kế hoạch, phương án và triển khai ngay các nhiệm vụ, giải pháp, công việc cụ thể trên các lĩnh vực và kết nối chặt chẽ với Đoàn công tác đàm phán.
Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Mỹ nói riêng.
Cùng với đó chủ động làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp lớn, có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả; chủ động cung cấp thông tin, phản hồi kịp thời, đầy đủ, minh bạch những vấn đề Mỹ quan tâm, nhất là về sở hữu trí tuệ, chống gian lận xuất xứ hàng hóa…
Không để gián đoạn công việc, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp
Một nhiệm vụ nữa cũng được Thủ tướng lưu ý là tiếp tục hoàn thiện thể chế, tinh gọn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, sắp xếp địa giới hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số.
Trong đó, Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan liên quan tập trung triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành tại kỳ họp bất thường lần thứ 9; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội sửa đổi các luật, nghị quyết tại kỳ họp thứ 9 sắp tới (đến nay có hơn 40 dự án luật, nghị quyết).
Bộ Nội vụ chủ trì tham mưu, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, không để gián đoạn công việc, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu từng bộ, cơ quan, địa phương có kế hoạch, giải pháp cụ thể về rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, phấn đấu năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh; 100% thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh.
Tại cuộc họp, các báo cáo, ý kiến được đưa ra đều có chung nhận định rằng tình hình kinh tế - xã hội tháng sau tốt hơn tháng trước, quý 1 năm nay tốt hơn cùng kỳ năm trước.
Trong đó, các địa phương đầu tàu tăng trưởng đều đạt kết quả khả quan như: TPHCM tăng 7,51%, Hà Nội tăng 7,35% và 9 địa phương tăng trưởng 2 con số.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 3 đạt trên 75 tỷ USD, tăng 18,2% so với tháng 2 và 16,6% so với cùng kỳ.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 6,8% trong năm 2025, Liên Hợp Quốc dự báo 6,6% - cao nhất Đông Nam Á…
Bên cạnh đó, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Trong quý 1 có 96,4% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ; thu nhập bình quân của lao động đạt 8,3 triệu đồng/tháng, tăng 9,5% so với cùng kỳ...
Đặc biệt, Liên Hợp Quốc xếp hạng Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2025 tăng 8 bậc, xếp thứ 46, chỉ đứng sau Singapore trong khu vực Đông Nam Á.
>>Thủ tướng: Chuẩn bị nguồn lực xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam