Thủ tướng vừa có yêu cầu quan trọng về đề xuất xây đường sắt tốc độ cao của Vinspeed
Vinspeed mong muốn sẽ nỗ lực tối đa để có thể khởi công dự án trước tháng 12/2025.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt diễn ra vào chiều tối 20/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan nghiên cứu những đề xuất của Công ty Vinspeed và báo cáo cấp thẩm quyền.
Trước đó, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Dự án có vốn đầu tư khoảng 1.562 nghìn tỷ đồng, không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng.
Trong đó, VinSpeed chịu trách nhiệm thu xếp 20% tổng vốn đầu tư của dự án, tương đương 312,33 nghìn tỷ đồng (khoảng 12,27 tỷ USD). 80% số còn lại (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng), VinSpeed đề xuất vay vốn Nhà nước không tính lãi suất trong vòng 35 năm kể từ ngày giải ngân.
VinSpeed mong muốn sẽ nỗ lực tối đa để có thể khởi công dự án trước tháng 12/2025, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa toàn tuyến vào khai thác vận hành trước tháng 12/2030.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bên cạnh đó, tại cuộc họp, để khởi công tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng vào ngày 19/12 tới tại 5 điểm, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng căn cứ mục tiêu này để xây dựng đường găng tiến độ chi tiết, báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phân công công việc cụ thể cho từng bộ, ngành liên quan, tổ chức thực hiện khoa học, bài bản để triển khai dự án và góp phần hình thành, phát triển ngành công nghiệp đường sắt của Việt Nam.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tập trung xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn; chốt hướng tuyến gửi các địa phương để triển khai giải phóng mặt bằng.
Về nguồn vốn, Thủ tướng yêu cầu cần có nhiều phương án, huy động đa dạng nguồn vốn như vốn vay, vốn ngân hàng, vốn trái phiếu, đầu tư công, vốn hợp tác công tư.
Về chuyển giao công nghệ, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là vấn đề rất cốt lõi, phải tiếp tục đàm phán với phía đối tác để tập trung chuyển giao vào 2 lĩnh vực quan trọng là sản xuất đầu máy kéo và hệ thống thông tin tín hiệu.
Về đào tạo nguồn nhân lực, phải xây dựng phương án đào tạo cả ngắn hạn, trung hạn, dài hạn theo 3 mức công nhân kỹ thuật, kỹ sư, tiến sĩ.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp xử lý các vấn đề, vướng mắc liên quan đến kỹ thuật, địa chất, đất đai, mặt bằng. Bộ Ngoại giao tiếp tục thúc đẩy việc hợp tác triển khai các tuyến đường sắt kết nối theo tinh thần Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc.